Thầy, cô giáo Trường THCS bán trú Long Quảng đến tận nhà để đôn đốc, kiểm tra việc học của các em học sinh
Khắc phục khó khăn
Trường THCS bán trú Long Quảng là đơn vị giáo dục tiếp nhận học sinh của hai xã Thượng Long và Thượng Quảng - những xã vùng cao có đời sống khó khăn của huyện Nam Đông. Thầy Phạm Thanh Lam, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Long Quảng thông tin, theo thống kê sơ bộ chỉ có khoảng 45% gia đình học sinh có ti-vi, máy tính hoặc điện thoại di động có kết nối internet để học trực tuyến.
Trước tình hình trên, Trường THCS bán trú Long Quảng đã linh hoạt vận dụng hình thức học tập trung theo từng nhóm nhỏ tại các gia đình có đầy đủ trang thiết bị. Theo đó, mỗi thôn sẽ hình thành các nhóm học từ lớp 6 đến lớp 9, với khoảng 5 - 7 học sinh. Các nhóm học này sẽ được thầy, cô giáo của trường đảm nhận đến tận nhà theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật, đôn đốc giúp việc học tập đạt hiệu quả cao.
Anh Hồ Văn Bươi, người dân tại xã Thượng Quảng chia sẻ, do điều kiện gia đình còn khó khăn nên chưa thể mua máy tính cho con em học trực tuyến, nhờ sự hỗ trợ của thầy cô giáo và người dân trong thôn nên việc học của con anh mới không bị gián đoạn.
Theo thầy Phạm Thanh Lam, riêng khối lớp 6 học trên kênh truyền hình TRT, các khối lớp còn lại sẽ được triển khai dạy học bằng hình thức trực tuyến theo thời khóa biểu của trường xây dựng. Thầy, cô giáo soạn sẵn các bài học bằng phần mềm E-learning, powerpoint và chọn lọc các clip bài giảng để đưa lên website và tài khoản email của trường giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, các thầy, cô phụ trách mỗi nhóm học sẽ đảm nhận giao và sửa bài tập theo mỗi tiết học để các em tiếp thu bài giảng hiệu quả.
“Riêng với khu vực 36 hộ phong tỏa tại thôn 6 (xã Thượng Long), nhà trường đã liên hệ với chính quyền địa phương và nhờ lực lượng ứng trực chốt tăng cường tuyên truyền, vận động học sinh tham gia đầy đủ các giờ học”, thầy Lam cho biết thêm.
Linh hoạt
Ông Lại Quốc Trình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông cho biết, việc dạy và học trong mùa dịch trên địa bàn huyện được các trường triển khai tùy vào tình hình thực tế của mỗi địa phương. Hiện, chỉ có 2 trường được triển khai học tập trung là Trường tiểu học Thượng Quảng và Trường tiểu học Hương Hữu, còn lại vẫn học theo hình thức trực tuyến.
Với khu vực thị trấn và các xã lân cận, tỷ lệ các gia đình có tivi và thiết bị kết nối internet lên đến 90% nên việc học qua truyền hình hay trực tuyến đều triển khai khá thuận lợi. Ngược lại, với các xã định canh, định cư, người dân còn nhiều khó khăn, hạn chế về thiết bị công nghệ, có gia đình tuy có tivi nhưng lại không thể bắt sóng truyền hình TRT do dùng thiết bị thu tín hiệu không chính thống. Thầy, cô giáo đã linh hoạt tổ chức học trực tuyến theo từng nhóm nhỏ ở gia đình có đầy đủ cơ sở vật chất; có những thôn quá khó khăn giáo viên cho học sinh mượn điện thoại để tiếp thu bài giảng.
Qua nắm tình hình, đa phần các trường đều nỗ lực vượt khó giúp học sinh có thể tiếp cận hình thức học trực tuyến một cách nhanh nhất. Để củng cố kiến thức, các giáo viên đều ra bài tập cho học sinh, giúp các em không bỏ bê việc học trong thời gian nghỉ dài ngày.
Nhìn chung, học sinh khá hào hứng và tiếp thu tốt các kiến thức thông qua các biện pháp dạy học linh hoạt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thiếu ý thức tự học, giáo viên chủ nhiệm các trường đã phối hợp tốt cùng gia đình để thường xuyên đôn đốc, kèm cặp và động viên các em.
“Khó khăn lớn nhất với học sinh huyện Nam Đông là thiếu thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nhà trường và gia đình phải linh hoạt vận dụng nhiều biện pháp giúp con em có điều kiện học tập tốt nhất”, ông Lại Quốc Trình nói.
Bài, ảnh: Minh Nguyên