Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: PHAN THÀNH
Những thay đổi siết chặt sẽ theo hướng nâng cao vai trò của các trường đại học, cao đẳng trong chấm thi trắc nghiệm; gắn camera ở các điểm thi... Năm nay, Thừa Thiên Huế có trên 12.130 thí sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia, Sở GD&ĐT đã quán triệt quy chế cho đội ngũ quản lý, giáo viên, những người tham gia các khâu trong tổ chức kỳ thi. Đối với học sinh, các trường hướng dẫn các em đăng ký đúng, đủ số môn thi; đăng ký đúng đủ tổ hợp thi. Đến thời điểm hiện tại, không có trương hợp sai sót khi đăng ký để tham gia xét tuyển vào các trường đại học.
Để kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 diễn ra nghiêm túc, an toàn, theo ông khâu nào là quan trọng nhất ?
Khâu nào cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là in sao đề thi. Chúng tôi sẽ chọn đội ngũ tổ chức nhân sao đề thi với 30 người; trang thiết bị phục vụ công tác in sao đề thi để đảm bảo tính bảo mật, an toàn, chính xác, chất lượng của đề thi. Theo đó, bố trí lực lượng bảo vệ ở hai vòng độc lập khu vực in sao đề thi; kiểm tra an ninh khu vực in sao đề thi, có biện pháp bảo mật thông tin trong quá trình in sao đề thi. Sở GD&ĐT phối hợp với công an để giám sát công tác vận chuyển đề thi từ địa điểm nhận đề thi về cơ sở in sao và từ địa điểm in sao đến các điểm thi.
Bảo quản, sử dụng đề và bài thi sẽ được thực hiện chặt chẽ với sự hỗ trợ từ công nghệ, phải không thưa ông?
Đúng vậy! Toàn tỉnh có 32 điểm thi tại trung tâm thành phố và các huyện, thị xã đều đảm bảo đủ điều kiện an toàn, thuận lợi cho thí sinh. Ngành giáo dục chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm theo quy định của quy chế thi. Từ tổ chức đăng ký dữ liệu, nhập liệu, in các bảng biểu theo quy định của quy chế thi.
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Ảnh: HỮU PHÚC
Đề thi và bài thi được bảo quản tại điểm thi. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, được khóa và niêm phong, chìa khóa do trưởng điểm thi giữ. Khi mở niêm phong, phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong… Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ; 100% các phòng bảo quản bài thi, đề thi đều bố trị đủ camera an ninh để giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng.
Ông đánh giá như thế nào về công tác ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi ở Thừa Thiên Huế?
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường rà soát chương trình tổ chức ôn tập cho học sinh thi thử ở các đề mà Bộ đã đưa lên các trang mạng chính thống, giúp các trường xây dựng ngân hàng đề trong quá trình ôn tập cho học sinh. Các trường và phụ huynh bàn kế hoạch tăng thời lượng ôn tập cho các em tại trường cũng như quản lý học sinh khi kết thúc năm học nhưng chưa đến thời điểm thi THPT Quốc gia. Một số em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được các trường miễn phí học bồi dưỡng, đảm bảo 100% học sinh được nhà trương quản lý, tổ chức ôn tập.
Điều đó có nghĩa là trường được giao quyền tự chủ trong ôn tập?
Các trường chủ động tự tổ chức thi thử để đánh giá, rút kinh nghiệm ôn luyện cho học sinh sát với chương trình. Tuy nhiên, các trường phải nộp đề thi thử cho sở để có sự thẩm định, điều chỉnh phù hợp, đồng đều về chất lượng giáo dục của các trường trong toàn tỉnh.
Năm 2019, Bộ GD & ĐT giao cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại hội đồng thi. Việc này được triển khai như thế nào để đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch?
Bộ GD & ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đảm bảo phòng, chống, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.
Chấm thi tự luận thì do đơn vị sở tại thực hiện dưới sự giám sát của thanh tra Bộ. Còn chấm thi trắc nghiệm được giao cho các trường đại học. Tại Thừa Thiên Huế, đơn vị phối hợp tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia là Đại học Huế, đơn vị được cử chấm thi trắc nghiệm là Trường đại học Ngoại ngữ và đại học Kinh tế Huế.
Ngoại trừ môn ngữ văn, các môn thi còn lại sẽ được chấm bằng máy. Các thiết bị đã chạy thử và sẵn sàng cho việc chấm thi. Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm cũng sẽ được thực hiện rất khoa học và nghiêm ngặt. Túi đựng bài thi trắc nghiệm, từ lúc được niêm phong đến mở ra, kiểm đếm, đưa vào máy quét đều được thực hiện theo quy trình khép kín, có thanh tra và giám sát của công an để đảm bảo kết quả chấm thi là khách quan.
Thí sinh tự do và giáo dục thường xuyên sẽ cùng thi chung với học sinh phổ thông, vậy cách bố trí phòng thi như thế nào cho hợp lý, thưa ông?
Một số điểm thi sẽ được bố trí thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên được ngồi chung với học sinh phổ thông (với số lượng ít nhất 60% tổng số thí sinh của điểm thi). Các điểm thi phải bố trí đủ phòng chờ cho thí sinh thi các môn thành phần của bài thi tổ hợp. Mỗi phòng chờ sẽ bố trí một cán bộ coi thi hoặc cán bộ giám sát để quản lý thí sinh.
Theo ông, để ngăn ngừa tận gốc những gian lận trong thi cử, trước mắt đối với các kỳ thi chuẩn bị diễn ra, điều quan trọng nhất phải làm là gì?
Chất lượng thi cử phải được đặt lên hàng đầu. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng liên quan tăng cường kiểm tra, nắm tình hình ở 38 trường, trong đó, chú trọng đến khối 12. Mục đích của kiểm tra là vừa định hướng, vừa điều chỉnh để các trường làm đúng theo quy định. Những trường nào mà qua kiểm tra chưa đảm bảo chất lượng về chuyên môn sẽ được hỗ trợ tài liệu, ngân hàng đề để các trường có đủ điều kiện ôn tập cho học sinh.
Xin cảm ơn ông!
HUẾ THU (thực hiện)