Cơ sở vật chất của Trường THPT Hương Vinh đảm bảo
Dồn sức xây trường
Năm học mới này, thầy và trò 2 Trường mầm non (MN) và tiểu học (TH) xã Bình Điền vui mừng khi biết tin sẽ khởi công xây dựng 12 phòng học (mỗi trường 6 phòng học, 2 tầng; trong đó, kinh phí xây dựng phòng học của trường TH từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới) với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng, dự kiến, năm học 2020-2021 sẽ đưa vào hoạt động. Hai phòng chức năng của trường TH cũng vừa được cải tạo với kinh phí 250 triệu đồng; xây dựng bếp ăn đạt chuẩn cho trường MN với kinh phí 500 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Bình Điền Nguyễn Trung Kiên nhìn nhận: Lâu nay, Trường MN Bình Điền được đánh giá chất lượng cũng như việc huy động cháu đến lớp rất tốt, nhưng phòng học chưa đạt chuẩn. Theo quy định phòng đạt chuẩn phải 56m2, nhưng ở đây chỉ tầm 40m2. Do vậy, năm học này, các em vẫn phải học trong những căn phòng nhỏ với số lượng cháu nhiều. Hy vọng sang năm, khi số phòng học hoàn thành, tình trạng này sẽ được khắc phục. “Chúng tôi đang làm việc với phía trại giam Bình Điền phương án đổi đất lấy cơ sở hạ tầng để xây dựng thêm 2 phòng học cho các cháu”, ông Kiên cho hay.
Cùng với Bình Điền, năm học này, Hương Trà sẽ khởi công xây dựng 24 phòng học (đã được phê duyệt chủ trương xây dựng) của MN Hương Phong, Hương Xuân, Hương Thọ và 4 phòng học của TH Hương Thọ. Tuy vậy, đến thời điểm này, thị xã mới chỉ có thể bố trí vốn cho 1 đơn vị (MN Hương Phong). Nguyên nhân theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã, do nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về kiên cố hoá trường học nay đã cắt đối với thị xã (chỉ dành cho các huyện) nên việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục chưa nhiều, nhất là nguồn kinh phí đầu tư xây dựng phòng học và các công trình ở các cơ sở giáo dục.
Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch Hương Trà Mai Công Dương cho biết: “Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trường lớp hiện nay phần lớn phụ thuộc ngân sách tỉnh cấp và số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất của thị xã. Tuy vậy, số tiền thu từ “đấu đất” của Hương Trà khá khiêm tốn nên dù mỗi năm địa phương đều dành trên 20% ngân sách cho giáo dục (chưa kể các phường, xã) nhưng thú thật là “không ăn thua”. Nguồn thu này chỉ giúp được một số trường sửa sang lại cơ sở vật chất trường lớp đảm bảo an toàn, trong khi có quá nhiều trường cơ sở hạ tầng xuống cấp, phòng học không đạt chuẩn… đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo”.
Lo thiếu kinh phí
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Trà Nguyễn Thị Huy cho rằng, dù đã nỗ lực, nhưng hiện nay cơ sở vật chất ngành giáo dục trên địa bàn thị xã vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập, giảng dạy. Toàn thị xã có 657 phòng học; trong đó, chỉ có 435 phòng kiên cố, 212 bán kiên cố và phải mượn tạm 10 phòng học. Điều đáng nói, có 50/212 phòng học đã xuống cấp, chủ yếu tập trung ở các trường MN, TH và 15 phòng trong số đó cần sớm được nâng cấp, thay thế.
“Hiện nay, trường lớp ở bậc THPT, THCS và TH cơ bản tốt. Có 2/4 trường THPT; 12/13 trường THCS; 24/27 trường TH đạt chuẩn Quốc gia. Riêng bậc học MN mới chỉ có 6/17 trường được công nhận. Số phòng đạt chuẩn thấp dẫn đến khó khăn trong xây trường đạt chuẩn. Với 11 trường MN chưa đạt chuẩn, tất cả đều vướng tiêu chí tiêu chuẩn phòng học, trong khi kinh phí để xây dựng một phòng như vậy lên đến 800 triệu - 1 tỷ đồng. Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đang ưu tiên điều kiện tốt nhất cho trẻ, giáo viên có thể dùng chung phòng”, bà Nguyễn Thị Huy nói.
Vì chờ kinh phí, hiện MN Bình Thành có 3 cơ sở đều không đạt chuẩn do không có khu hiệu bộ (phải mượn phòng của UBND xã); MN Hương Thọ thì phòng hiệu bộ nằm tách rời khỏi khu phòng học; MN Hương Xuân thiếu phòng, TH Số 2 Tứ Hạ đang mượn tạm Trung tâm Giáo dục thường xuyên… Các trường TH và THCS khu vực miền núi còn đang lo thiếu giáo viên tiếng Anh. Số tiết dạy ít, hợp đồng giáo viên từ Huế lên khó khăn trong khi nguồn tại địa phương không có nên đầu năm học mới, các trường đều “chạy quanh” tìm giáo viên ngoại ngữ. Theo bà Nguyễn Thị Huy, “để giải quyết khó khăn này, phòng đã tham mưu UBND thị xã điều giáo viên tiếng Anh từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn để đáp ứng nhu cầu học tập của các em”.
Về kinh phí, ngoài việc huy động nguồn lực xã hội hoá, không còn cách nào khác, địa phương phải thực hiện đầu tư cuốn chiếu, theo từng bước chứ không thể dàn trải. Trước mắt, ưu tiên các trường có cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, thiếu phòng học, các trường phấn đấu đạt chuẩn trong thời gian tới. Riêng việc đầu tư xây mới phòng học còn phải chờ”, ông Dương cho hay.
Hương Trà hiện có 17 trường mầm non công lập, 28 trường tiểu học (TH), 14 trường trung học cơ sở (THCS), 1 trường TH&THCS, 4 trường trung học phổ thông (THPT) và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Từ 2016 đến nay, toàn ngành đầu tư trên 47 tỷ đồng cho việc xây dựng phòng học, phòng chức năng, nhà điều hành… các trường học trong thị xã. Đến nay, đã có 44/64 đơn vị được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Quốc gia, đạt 68,75%. |
Bài, ảnh: LIÊN MINH