ClockThứ Tư, 27/09/2017 05:41

Nữ thủ khoa đặc biệt

TTH - Trong số những thủ khoa kỳ tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng hệ chính quy năm 2017 vừa được ĐH Huế tuyên dương, Mai Thị Hoài Dung (Trường ĐH Sư phạm Huế) là một gương mặt đặc biệt.

Hoài Dung chọn một góc ở Trường ĐH Sư phạm để đọc lại các kiến thức vừa học

Mê học

Thông tin Mai Thị Hoài Dung trở thành tân thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Huế với mức điểm 27,75 (văn: 8,75; sử: 9; địa: 10) không lạ với thầy cô và bạn bè của Dung.

Từ bậc tiểu học, Hoài Dung đã cho thấy niềm đam mê các môn khối C, nhất là văn học. Mỗi bài học, em đều mày mò tìm hiểu thêm và hỏi thầy cô, nhờ đó kết quả học tập của Dung trội hơn so với bạn bè cùng lớp. Lên lớp 3, Dung được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn và cũng liên tục từ đó đến trung học phổ thông, cô gái quê ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) luôn có giải thưởng ở các cuộc thi học sinh giỏi môn văn cấp huyện, tỉnh. Điểm hay từ Hoài Dung là dù “theo” văn, nhưng cũng không “buông” các môn học còn lại, học đều các môn. Suốt 12 năm học, Dung luôn đạt kết quả cao trong học tập, có đến 10 năm là học sinh giỏi.

Hoài Dung kể, ở lớp, em chú ý nghe thầy cô giảng để hiểu bài ở tất cả các môn rồi về học và hoàn thành bài tập, đáp ứng kiến thức cơ bản trong chương trình. Với những môn đam mê (văn, sử, địa), Dung ưu tiên thời gian nhiều hơn. Mỗi tuần, Dung thường xuyên đến thư viện trường để đọc các sách về văn học, lịch sử, địa lý và mượn về nhà tiếp tục nghiền ngẫm. Ban đầu, em tìm đọc các sách liên quan đến kiến thức học, sau đó tìm hiểu thêm các sách kiến thức mở rộng.

Việc đọc sách nhiều giúp Hoài Dung có vốn kiến thức tốt để thường xuyên “hỏi xoáy, đáp xoay” giáo viên. Mỗi tiết học, số lần thắc mắc, tương tác giữa Dung và các giáo viên khá cao. Có những buổi học, khi kết thúc giờ, em vẫn say sưa hỏi thêm thầy cô  kiến thức liên quan đến bài học và những kiến thức mở rộng bên ngoài bài học. “Bạn bè xem em như một học sinh "cá biệt", vì kết thúc tiết học em cứ thắc mắc, cái gì cũng hỏi khiến thầy cô... không cho các bạn nghỉ giải lao giờ ra chơi”, Dung chia sẻ.

Hoài Dung cũng là cô gái có tiếng ở trường về tự học. Gia đình có tiệm tạp hóa nhỏ, mỗi buổi sáng, Dung phải dậy từ hơn 5 giờ để phụ ba mẹ, thế nhưng suốt quá trình học từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông, đêm nào Dung cũng tự học đến 12 giờ, thậm chí 1 giờ sáng mới ngủ. Dung kể: “Rất nhiều đêm, ba mẹ dặn em ngủ sớm để sáng phụ ba mẹ. Em cứ nói là cho con học thêm tí nữa, nhưng lúc nào thấy hài lòng với bài học mới thôi”.

Lên lớp 12, thời gian tự học của Dung càng tăng lên. Nữ thủ khoa kể, bất kể ngày lễ, cuối tuần, em đều đặt mục tiêu là ngoài môn văn học, mỗi buổi tối phải hoàn thành thêm 5 đề sử, địa mới được ngủ. Suốt 1 năm học tiếp xúc với các dạng đề khác nhau để tập thi thử đại học nên khi bước vào kỳ thi, em tự tin hoàn thành các bài thi.

Thầy Trương Tấn Nguyện, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 (Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) của Hoài Dung xác nhận, nữ học trò cũ là một trường hợp rất đặc biệt. “Lớp 9, Dung là học sinh ở lớp chọn giỏi có tiếng nên trường trung học phổ thông nào cũng muốn có được học sinh này. Nhờ gần nhà Dung, tôi đến vận động em vào học trường mình. Khi vào lớp 10, em không chỉ cho thấy khả năng học tập vượt trội so với bạn bè cùng trường mà còn tài năng trong các hoạt động ngoại khóa. Rất nhiều chương trình của trường, em đóng vai trò như một người đạo diễn”.

Chọn sư phạm dù nhiều người ngăn cản

Nếu kết quả điểm thi cao của Hoài Dung không gây bất ngờ với những ai quen biết em thì chính lựa chọn ngành sư phạm giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế lại khiến đa phần giáo viên, bạn bè và cả gia đình em ngạc nhiên. Dung chia sẻ, từ năm lớp 12, khi đặt vấn đề sẽ theo ngành sư phạm, nhiều người đều ngỏ lời ngăn cản. “Ba mẹ bảo nhà mình không khá giả nên chọn những ngành học nào lương cao, ra trường có việc làm liền”, Dung nhớ lại.

Để thuyết phục mọi người ủng hộ, Dung khẳng định rằng cơ hội việc làm vẫn còn cho những người cố gắng, biết cách gặt hái những thành tích tốt khi ngồi trên ghế nhà trường và em tự tin làm được điều đó. Dung cũng khẳng định, môi trường sư phạm cũng như mảnh đất Huế nhẹ nhàng, phù hợp với tính cách của em, là môi trường tốt để em phát huy khả năng bản thân.

“Nhiều lần đến Huế, em thấy cuộc sống Huế bình yên, người dân Huế thân thiện. Khi chọn ngành sư phạm giáo dục tiểu học, em đã lấy minh chứng trên để nói với mọi người và khẳng định ngành mình đam mê thì mình sẽ học tốt. Ngoài ra, em chọn sư phạm giáo dục tiểu học chứ không phải sư phạm văn vì các môn khác em học cũng tốt, lại thích trẻ em và đây là ngành học sẽ giúp em có thêm nhiều trải nghiệm mới. Sự kiên định lập trường đã khiến ba mẹ đổi ý”, Hoài Dung kể.

Chia sẻ dự định tương lai, tân thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Huế khẳng định, đã chọn sư phạm là sẽ theo đuổi, chứng minh được lựa chọn của mình là chính xác. Ngoài học tập kiến thức, em sẽ tham gia nhiều hoạt động, câu lạc bộ, đội, nhóm để phát triển thêm nhiều kỹ năng.

PGS. TS. Nguyễn Đình Luyện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế chia sẻ, đây không phải là lần đầu nhà trường có sinh viên với mức điểm đầu vào như thế, tuy nhiên cũng cần phải khẳng định, với kết quả mức điểm 3 môn khối C như vậy là cao và nỗ lực của Hoài Dung là đáng ghi nhận.

Bài, ảnh: Minh Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động

Ngày 15/11, Trường đại học Phú Xuân, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện “PXUni Job Festival 2024” với sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mang đến hơn 500 cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên và người lao động.

Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động
NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Return to top