Sinh viên Trường ĐH Kinh tế tại lễ tốt nghiệp
Mở ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội
Năm 2020, bên cạnh 102 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 55 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, ĐH Huế mở thêm nhiều ngành mới trình độ ĐH ở các cơ sở đào tạo, nâng số ngành đào tạo trình độ ĐH lên 146 ngành; trong đó, các ngành mới, gồm: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế quốc tế (Trường ĐH Kinh tế); Nông nghiệp công nghệ cao (Trường ĐH Nông lâm); Hộ sinh (Trường ĐH Y dược); Quản trị và phân tích dữ liệu (Trường ĐH Khoa học); Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với ba chuyên ngành khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu kinh doanh (Khoa Kỹ thuật và Công nghệ); Quản trị du lịch và Công nghệ giải trí và Quan hệ quốc tế (Khoa Quốc tế).
Bên cạnh các ngành đã hoàn thành đề án và các thủ tục liên quan để mở ngành, một số đơn vị cũng đang nghiên cứu mở thêm ngành mới trong bối cảnh nhu cầu thị trường lao động đang thiếu. PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế chia sẻ, nhà trường hướng tới những ngành theo hướng kỹ thuật, hệ kỹ sư. Còn theo TS. Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nghệ thuật, nhà trường đang nghiên cứu mở thêm các ngành: Phục chế và bảo tồn di sản, mỹ thuật đa phương tiện hay hoạt hình. “Đó là những ngành hiện nay các trường vẫn còn thiếu trong khi nhu cầu lao động cần. Điển hình như ngành phục chế và bảo tồn di sản, qua khảo sát và trên thực tiễn cả nước chưa có đơn vị nào đào tạo bài bản. Trong khi đó, công tác phục chế, bảo tồn di sản hiện nay rất cần thiết. Trường cũng đã được Viện Pháp hỗ trợ nhân sự trong đào tạo, họ cũng gửi chương trình để chúng tôi tham khảo”, TS. Đỗ Xuân Phú chia sẻ.
TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế khẳng định, ĐH Huế hướng đến những ngành mà xã hội cần, nhất là các ngành liên kết quốc tế, các ngành theo xu thế phát triển của xã hội về kỹ thuật, công nghệ cao, y tế, ngoại giao, trí tuệ nhân tạo và các ngành sư phạm giảng dạy bằng tiếng Anh… “ĐH Huế đang xây dựng để phát triển thành ĐH Quốc gia và một trong những nhiệm vụ của ĐH Vùng, ĐH Quốc gia là phát triển nguồn nhân lực cho vùng, cho quốc gia nên việc mở những ngành mới như đã nói là rất phù hợp và cần thiết”, TS. Nguyễn Công Hào nhấn mạnh.
Đào tạo tốt, sinh viên ĐH Huế có thể cạnh tranh việc làm tốt (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, đối với những đơn vị mới, ngành mới, ĐH Huế có kế hoạch huy động nguồn lực, tập hợp đội ngũ những cán bộ, giảng viên có trình độ cao tại các đơn vị, khai thác thêm hiệu quả, chuyên môn từ những người tài.
Đảm bảo chuẩn đầu ra
Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, trong định hướng đào tạo rất quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra, không để xảy ra tình trạng mở ngành nhưng thiếu chất lượng. Thời gian qua, các trường thành viên của ĐH Huế đã tiến hành kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, nhất là kiểm định đánh giá ngoài với sự tham gia của đoàn chuyên gia từ Trung tâm Kiểm định chất lượng ĐH Quốc gia Hà Nội. Các trường đang từng bước kiểm định các chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng chuẩn đầu ra. “ĐH Huế cũng đã có Nghị quyết về tăng cường công tác đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục để hội nhập quốc tế, giai đoạn 2018 - 2025; trong đó, đặt ra các chỉ tiêu cụ thể là đến năm 2025 có ít nhất 50% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước và quốc tế; phấn đấu có 25 – 30 chương trình đào tạo chất lượng cao, liên kết nước ngoài”, đại diện lãnh đạo ĐH Huế nhấn mạnh.
ĐH Huế đang tập trung để rà soát ngành nghề đào tạo, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH, phát triển theo hướng liên ngành, những ngành nghề mới xuất hiện theo nhu cầu xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là phát triển các chương trình liên kết có hiệu quả. Ngoài việc tập trung kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc gia AUN-QA thì ĐH Huế cùng các trường cũng chú trọng cải tiến chất lượng sau kiểm định của các trường thành viên theo kiến nghị của đoàn đánh giá ngoài từ nay đến năm 2023.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, ĐH Huế cũng đang thí điểm nâng chuẩn ngoại ngữ từ B1 lên B2; đồng thời, áp dụng chuẩn quốc tế đối với những đơn vị đáp ứng tốt, thông qua nhiều hình thức như tạo “áp lực” đầu vào bằng cách nâng chuẩn cao hơn, tăng cường đào tạo bằng tiếng Anh…
Bài, ảnh: Hữu Phúc