|
|
Các cơ sở GDNN chú trọng đổi mới phương pháp, thiết bị dạy học và kỹ năng thực hành để nâng chất lượng đào tạo |
Xin ông cho biết mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh hiện nay và thực trạng hoạt động?
Đến nay, số cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh là 33 cơ sở, bao gồm 7 trường cao đẳng (1 trường ngoài công lập), 4 trường trung cấp (1 trường ngoài công lập), 12 trung tâm GDNN (3 trung tâm ngoài công lập) và 10 cơ sở có hoạt động GDNN.
Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh bị tác động, nên nhu cầu về lao động (công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ...) giảm. Từ đó, hệ thống các cơ sở GDNN cũng gặp khó khăn trong việc tuyển sinh các học sinh, sinh viên để đào tạo nghề nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh trên cơ sở lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh, chủ động liên hệ các trường phổ thông, các địa phương để tuyên truyền, thông tin và tư vấn tuyển sinh. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành và địa phương vào sự nghiệp GDNN, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo hàng năm của tỉnh.
Ngành đã có những kế hoạch trước mắt và lộ trình các năm tiếp theo để phát triển GDNN?
Sở LĐTB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 157 ngày 15/4/2022 về thực hiện Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ các nhiệm vụ, kế hoạch trọng tâm cần thực hiện.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm của chính quyền các cấp về GDNN; gắn kết chặt chẽ các cơ sở GDNN với DN và thị trường lao động; tăng cường truyền thông GDNN. Thứ hai, xây dựng, triển khai Đề án sắp xếp các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đảm bảo hệ thống GDNN tỉnh phát triển về cả quy mô và năng lực đào tạo. Thứ ba, đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị đào tạo nghề. Thứ tư, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, đổi mới chương trình đào tạo. Thứ năm, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý tại các cơ sở GDNN đảm bảo đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của DN.
|
|
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng đổi mới phương pháp, thiết bị dạy học và kỹ năng thực hành để nâng chất lượng đào tạo |
Vậy, kế hoạch sắp xếp các cơ sở GDNN sẽ chú trọng vào những vấn đề gì, thưa ông?
Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh trước tiên phải phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN quốc gia được phê duyệt tại Quyết định 73 của Thủ tướng Chính phủ. Đội ngũ nhà giáo phải đủ về số lượng, được chuẩn hóa về trình độ theo yêu cầu ngày càng cao của GDNN. Giảng viên phải thành thạo kỹ năng nghề, kỹ năng thực hành, có trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin... Đội ngũ cán bộ quản lý phải có trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn về nghề ngang bằng hoặc vượt trội so với đội ngũ giảng viên, có năng lực quản trị cơ sở GDNN hiệu quả.
Ưu tiên đầu tư mới vào những thiết bị dạy học GDNN hiện đại đáp ứng những ngành nghề mới, kỹ năng mới. Khuyến khích đầu tư phát triển mới các cơ sở GDNN ngoài công lập, trong đó ưu tiên việc hình thành tại các khu vực ngoài đô thị, tạo các cơ hội phát triển cho các vùng ngoại ô.
Sắp xếp, đổi mới các cơ sở GDNN phải gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vậy đâu là mục tiêu cần tập trung thực hiện?
Việc sắp xếp đổi mới mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được thực hiện với mục tiêu đảm bảo tính đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo, gắn kết cơ sở đào tạo với DN và thị trường lao động. Từ đó hình thành mạng lưới cơ sở GDNN chất lượng cao, cùng với các cơ sở GDNN của Trung ương và các trường đại học trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo.
Đối với chương trình đào tạo tại các cơ sở GDNN, những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh việc gắn kết GDNN thông qua việc chỉ đạo các cơ sở GDNN cung cấp thông tin về người tham gia học nghề và kết quả đào tạo sau khi tốt nghiệp cho DN nhằm xây dựng chương trình hợp tác giữa cơ sở GDNN với DN; đào tạo theo đặt hàng của DN; xác định rõ cơ cấu nghề đào tạo, trình độ đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra các trình độ đào tạo theo quy định của luật GDNN và khung trình độ quốc gia.
Có ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về một số kỹ năng cần thiết, kỹ năng mềm, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Trước đây, hệ thống GDNN cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng thường chú trọng đến công tác tuyển sinh, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo… mà thiếu tập trung trang bị cho người học những kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, tác phong làm việc… Đây là một trong những lý do nhiều DN thờ ơ với sinh viên, học sinh tốt nghiệp từ các cơ sở GDNN.
Trước thực trạng trên, những năm qua, tỉnh tập trung phát triển những kỹ năng cần thiết cho người học tại các cơ sở GDNN như thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030”; thực hiện Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2027”; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019-2025 tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến...
Các nội dung hoạt động trên đã giúp người học trau dồi đạo đức, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Liên kết giữa nhà "Nhà quản lý - Nhà trường - Doanh nghiệp - Gia đình" đóng vai trò rất quan trọng, vậy làm thế nào để phát huy tốt vai trò "4 nhà", thưa ông?
Ngoài vai trò đưa ra chủ trương, định hướng chính sách, đầu tư một phần ngân sách cho hoạt động GDNN của Nhà nước, việc gắn kết cơ sở GDNN, DN và người lao động hết sức quan trọng. Mối liên kết này thông qua các sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, ngày hội tuyển sinh - tuyển dụng tại các địa phương, đơn vị, từ đó đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người học tìm việc sau khi tốt nghiệp; hỗ trợ DN tuyển dụng nhân lực phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm, gắn việc đào tạo với đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chúng tôi cũng đang xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số về GDNN của tỉnh đảm bảo cho việc khai thác hiệu quả về đầu tư, phát triển GDNN, tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu DN, người lao động trong giai đoạn mới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!