ClockThứ Năm, 26/09/2019 06:30

Phát triển nguồn thu ở đại học: Phải “sống” được nhờ nghiên cứu

TTH - Tuyển sinh những năm gần đây khó khăn và một trong những yêu cầu của tự chủ đại học (ĐH) là tự chủ tài chính. Vì thế, nếu không đa dạng nguồn thu, nhất là nguồn thu từ nghiên cứu khoa học (NCKH) thì các trường ĐH sẽ “khó sống”.

Đại học Huế sẽ nghiên cứu và công bố điểm sàn sớmChủ động hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo

Các chuyên gia và sinh viên ĐH Huế trao đổi, tiến hành các nghiên cứu

Phụ thuộc học phí dễ bị động

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, các trường ĐH công lập tại Huế chưa phải tự chủ hoàn toàn, nhưng đã nảy sinh những khó khăn khi tuyển sinh gặp khó. Đơn cử, tại Trường ĐH Khoa học, nguồn thu tăng thêm bị cắt giảm; hay tại một số cơ sở giáo dục khó tuyển sinh khác, việc thiếu giờ giảng ở một số ngành dẫn đến thu nhập của giảng viên bị ảnh hưởng. "Trước đây, sinh viên đông nên giảng viên có thể dạy thêm giờ. Bây giờ, đủ giờ giảng cũng là một vấn đề", một giảng viên Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế trăn trở.

Khó khăn tuyển sinh tác động trực tiếp đến các trường ĐH là tất yếu, do nguồn thu chính hiện nay tại các trường phụ thuộc vào học phí. PGS. TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật cho biết, các nguồn thu khác ngoài học phí rất ít. Tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng của tự chủ ĐH, nếu không đảm bảo nguồn thu sẽ là thách thức lớn.

Theo các chuyên gia giáo dục, phụ thuộc vào nguồn thu học phí dẫn đến tình trạng bị động trong vấn đề phát triển trường ĐH, bởi để đảm bảo chất lượng và hoạt động giáo dục, bên cạnh phải đáp ứng việc chi trả lương cho cán bộ, còn thường xuyên phải sửa chữa, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động phục vụ công tác đào tạo… đòi hỏi nguồn kinh phí không hề nhỏ trong khi ngân sách hạn hẹp, chỉ có thể hỗ trợ một phần.

Chú trọng nguồn thu từ nghiên cứu

Ở bậc ĐH, ngoài đào tạo, còn một nhiệm vụ quan trọng song song là NCKH. Riêng đối với ĐH Huế, đang định hướng phát triển theo hướng ĐH nghiên cứu, rõ ràng đây là hướng phát triển nguồn thu hợp lý. Song, theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Hoàn, Trưởng ban Khoa học công nghệ và quan hệ quốc tế ĐH Huế, hiện nguồn thu từ khoa học và công nghệ chỉ đạt chưa tới 5% trong tổng thu toàn ĐH Huế. Đó là điều cần phải có giải pháp nhanh chóng.

Nghiên cứu trong phòng nuôi cấy mô tại ĐH Huế

Tại hội thảo quốc gia về phát triển nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH được tổ chức đầu năm 2019, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng: “Từ việc phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH, phải hình thành được những trường ĐH nghiên cứu như trên thế giới, sống được bằng khoa học, chứ không phải sống bằng học phí. Các trường hiện phần lớn vẫn đang dựa vào nguồn thu học phí, phần còn lại dựa vào ngân sách Nhà nước. Nhưng nếu là ĐH nghiên cứu đúng nghĩa thì nguồn thu từ NCKH phải chiếm đáng kể”.

ĐH Huế có điều kiện tốt để phát triển lĩnh vực NCKH, nhất là có đội ngũ cán bộ nghiên cứu và cơ sở phục vụ hoạt động NCKH. Điển hình, năm 2018, đội ngũ cán bộ giảng viên đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi toàn quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và lượng đề tài được phê duyệt thực hiện năm 2018 cũng khá nhiều, có đến 16 đề tài cấp bộ, 96 đề tài cấp ĐH Huế. Bên cạnh đó, kết quả chuyển giao của ĐH Huế cũng khá tốt khi hàng loạt sản phẩm khoa học công nghệ, như Bokashi trầu, trà hoa sen, măng chua… được thương mại hóa trên thị trường.

Hiện, ĐH Huế đã hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, ngoài mục tiêu nhiệm vụ khoa học tầm vóc quốc gia và quốc tế, nâng vị thế ĐH Huế trên xếp hạng ĐH thì đội ngũ này có thể thực hiện nhiều nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đóng góp cho địa phương và mang lại nguồn thu cho ĐH Huế. Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, một trong những nội dung nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 là tăng cường đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hóa sản phẩm, phấn đấu có 20 sản phẩm và quy trình công nghệ được đăng ký sở hữu trí tuệ, 9 sản phẩm được thương mại hóa và 5 quy trình công nghệ được chuyển giao, nâng nguồn thu từ NCKH lên 12% trong năm 2020.

Rõ ràng, về lâu dài, việc phát triển nguồn thu từ NCKH còn phải được đẩy mạnh hơn nữa, không chỉ dừng lại ở mức dưới 15% bởi khi các trường buộc phải chuyển sang tự chủ tài chính hoàn toàn, không còn được nhận nguồn kinh phí bao cấp từ Nhà nước, việc “tự lo” mọi hoạt động sẽ không dễ. Khó khăn là thực trạng chung của cả nước, nhưng không thể ngồi “ôn nghèo, kể khổ” mà phải nỗ lực trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, nếu muốn đứng vững và phát triển.

Song song nguồn thu từ NCKH, hiện nay, mỗi trường ĐH đều có những khả năng, lợi thế riêng để đa dạng nguồn thu, điển hình như Trường ĐH Luật có thể phát triển nguồn thu từ các hoạt động tư vấn pháp luật, đào tạo ngắn hạn, Trường ĐH Ngoại ngữ có thể phát triển nguồn thu từ hoạt động dịch thuật, các chương trình đào tạo ngoại ngữ; Trường ĐH Nghệ thuật có thể phát triển nguồn thu từ các hoạt động nghệ thuật; Trường ĐH Y dược có thể phát triển nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh…

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top