ClockThứ Năm, 21/09/2017 13:26

Phú Vang phát triển mô hình bán trú

TTH - Đẩy mạnh lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia và học 2 buổi/ngày kết hợp việc tổ chức bán trú cho học sinh (HS) ngay từ đầu năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phú Vang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tổ chức mô hình bán trú.

Lãnh đạo địa phương và Phòng GD&ĐT Phú Vang kiểm tra bữa ăn của học sinh Vinh Thái

Tăng tốc xã hội hóa

Ngay đầu năm học, Phòng GD&ĐT Phú Vang đã “ra quân” bằng hội nghị “Triển khai chuyên đề về công tác tổ chức bán trú” cho các trường tiểu học (TH) trong lộ trình xây dựng mô hình bán trú; chú trọng hướng dẫn cho các trường hiểu và nắm rõ quy trình triển khai tổ chức bán trú theo hai hình thức: Bán trú dân nuôi và bán trú tại trường. Từ hướng dẫn các trường tổ chức bán trú phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng chăm sóc HS đến yêu cầu các đơn vị ngay từ đầu phải thực hiện nghiêm túc quy trình tổ chức, bảo đảm tạo thuận lợi cho phụ huynh và hiệu quả cho mô hình… Mục tiêu trong năm 2017-2018 có thêm ít nhất 10 trường TH có bán trú.

Địa bàn khá phức tạp, nhiều loại hình dân cư, việc phát triển mô hình bán trú trong trường học là yêu cầu cần thiết trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Phú Vang. Để thực hiện mô hình này, vấn đề tăng tốc đầu tư CSVC là một trong những yêu cầu đầu tiên ở hầu hết các trường. Nhưng nếu chỉ chờ nguồn vốn ngân sách, tiến độ này sẽ chậm. Năm học này, Phú Vang mạnh dạn yêu cầu các trường làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền và phối hợp phụ huynh khai thác nguồn xã hội hóa (XHH) để “làm” bán trú và tăng cường cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị, có định hướng phí trả lương cho cô nuôi vẫn là mấu chốt vấn đề.

Trong 10 năm qua, Phú Vang chỉ có 5/35 trường là TH Dương Nổ, Phú Thượng 1, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh tổ chức bán trú, cho thấy tiến độ rất chậm. Trong khi đó, cùng với việc giảm điểm lẻ, đầu tư CSVC cho điểm chính theo hướng đạt chuẩn, việc tổ chức cho trẻ, đặc biệt là HS ở xa được học bán trú là cần thiết. Ngay trong học kỳ I năm học 2017-2018, Phú Vang có 2 đơn vị là Vinh Thái và Phú Lương 1 đưa vào hoạt động hệ thống bán trú, đến học kỳ II, sẽ có các trường Phú Dương 1; Phú Đa 1, 2; Phú Xuân 1. Nếu đúng theo kế hoạch thì trong năm học này Phú Vang sẽ có thêm 5 trường có bán trú, một tốc độ khá cao so với 10 năm qua. Tuy nhiên, vẫn hơn ½ số trường chưa thể tổ chức.

Khó khăn chủ yếu ngăn cản việc phát triển bán trú không chỉ phụ thuộc ở điều kiện kinh tế của phụ huynh mà còn ở CSVC, trang thiết bị và con người, những yếu tố đầu tiên và cần có khi thay đổi một hình thức đào tạo. Cô Hoàng Thị Diễm Phượng, chuyên viên Phòng GD&ĐT chia sẻ: “Hầu hết các trường khi bắt tay vào làm bán trú đều từ con số 0. Điều này đòi hỏi trước khi vận động phụ huynh, các trường đều cần có dự án hướng tới sự hỗ trợ của xã hội theo hình thức XHH”. Trường nào làm tốt công tác tham mưu, có sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền sẽ dễ tập trung được nguồn từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân đồng thời là phụ huynh. Nếu có khởi đầu tốt, hình thành được bếp, nhà ăn, quạt, tivi… thì vẫn cần sự hỗ trợ của từng phụ huynh khi có con học bán trú về vật dụng cá nhân, tiền chất đốt, tiền trả công cho cấp dưỡng…

Ở một địa chỉ triển khai sớm…

Trường TH Vinh Thái thuộc xã Vinh Thái - địa phương nghèo, vùng bãi ngang. Từ năm học 2014-2015 trở về trước, Vinh Thái có 3 điểm trường. Những điểm trường lẻ mọc lên nhằm đáp ứng điều kiện đi học cho trẻ trước đây đều xây dựng vội, tạm và thiếu nhiều điều kiện sư phạm nếu so với trường chính. Gần đây, hệ thống điểm lẻ xuống cấp nhanh, không đáp ứng nhu cầu dạy và học. Năm học 2015-2016, Vinh Thái được đầu tư xây thêm 8 phòng học ở cơ sở chính. Cũng từ đó, trường vận động HS về học tại điểm trường chính, xóa dần điểm lẻ nhằm đảm bảo tính công bằng trong hưởng thụ giáo dục cho HS.

Tuy nhiên, bên cạnh việc được bình đẳng về điều kiện học tập, HS ở các điểm lẻ lại phải đến trường xa hơn, phụ huynh đưa đón khó khăn hơn… chưa kể, có một số HS ở xa trường đến 3- 4 km. Những ngày học 2 buổi, buổi trưa một số phụ huynh phải mang cơm đến, hoặc cho tiền các em ở lại tự túc ăn ngoài. Điều này khiến giáo viên và phụ huynh lo lắng, một phần không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, một phần không đảm bảo an toàn giao thông cho các em.

Cuối năm học 2016-2017, Trường TH Vinh Thái “làm” bán trú với sự ủng hộ của địa phương và phụ huynh. Nhưng trường vẫn gặp một số khó khăn về CSVC cho bếp ăn, phòng nghỉ trưa, kinh phí chi trả cho cô nuôi. Rất may, với sự quan tâm chỉ đạo của phòng GD&ĐT, được sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo địa phương, của mạnh thường quân và phụ huynh, chỉ sau 1 thời gian, trường đã có nguồn gần 100 triệu đồng đầu tư CSVC. Với số tiền đó, Ban đại diện CMHS của trường đã đứng ra xây dựng bếp ăn trong thời gian nghỉ hè, đến đầu năm học 2017-2018 hoàn thành.

Đa số phụ huynh của trường là nông dân, đời sống chưa cao, hầu hết HS ở đây sinh hoạt theo kiểu “có gì ăn đó”, gia đình nay phải có một khoản riêng nhất định để đầu tư cho con đi học, biết là tốt cho con nhưng cũng nhiều phụ huynh thấy khó khăn. Trường lại mong muốn HS không chỉ ăn no mà còn đủ chất, sau ăn uống còn là sinh hoạt có giá trị khoa học, hữu ích cho các em giữa buổi… Những khoản nộp bán trú là “chuyện nhỏ” của gia đình này vẫn có thể là khó khăn của gia đình kia. Nhất là khi vẫn có một số phụ huynh chưa hiểu hết lợi ích của bán trú.

Để triển khai, trong phiên họp phụ huynh HS đầu năm, một lần nữa, nhà trường giới thiệu mô hình, quy trình hoạt động và lợi ích của việc học bán trú để phụ huynh tự nguyện đăng ký. Sau đó trường mời họp riêng với phụ huynh có đăng ký cho con em bán trú. Trong phiên họp đó báo cáo tình hình về CSVC, những thuận lợi, khó khăn để phụ huynh hiểu và cùng chia sẻ với nhà trường, thống nhất một số nội dung liên quan đến công tác bán trú và triển khai.

Với sự chuẩn bị chu đáo đó, đầu năm học này, HS Vinh Thái đã có sự khởi đầu tốt đẹp về bán trú. Đó cũng là hy vọng định hướng tổ chức bán trú của Phú Vang trong năm học này sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa

Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền hôm nay đã mang một diện mạo mới, tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị ở địa phương này vẫn còn chậm.

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Return to top