Bên cạnh các chương trình đào tạo ĐH, hiện nay còn có nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn về CNTT (Ảnh chụp trước khi có quy định giãn cách xã hội)
Quy hoạch, định hướng
Vừa qua, chuyện đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh lại tiếp tục “nóng” lên tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với ĐH Huế, trong đó, không chỉ câu chuyện thiếu nhân lực chung về CNTT mà thiếu cả đội ngũ nhân lực bậc trung và cao, chất lượng cao được các doanh nghiệp chia sẻ. Anh Trần Đức Nghĩa, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Phần mềm quốc tế 3S cho biết, doanh nghiệp không chỉ cần nguồn nhân lực phong phú và còn cần chất lượng cao. Nhu cầu nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT có thể ở các công việc khác nhau, yêu cầu trình độ cũng khác nhau.
Vấn đề trên đặt ra nhiều trăn trở, bởi Huế có nhiều cơ sở đào tạo về CNTT. Bên cạnh Trường ĐH Phú Xuân, ĐH Huế có các đơn vị truyền thống về đào tạo CNTT là Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế cùng các đơn vị mới là Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa Quốc tế, Viện Đào tạo mở và CNTT.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, tính đến năm 2020, quy mô các ngành đào tạo trình độ ĐH về CNTT tại ĐH Huế là 1.840 sinh viên và số sinh viên hằng năm khoảng 500. Đề án phát triển CNTT của tỉnh đến năm 2025 cần đến khoảng 10.000 nhân lực và ĐH Huế cũng đã tính toán kế hoạch tuyển sinh giai đoạn 2020 – 2025; trong đó, tổng quy mô của 11 ngành tại tất cả đơn vị trong 5 năm là khoảng 10.940 sinh viên.
Việc mở ra những chương trình chuyển đổi ngành học sang CNTT có thể giải quyết một phần về nhân lực CNTT (Ảnh chụp trước khi có quy định giãn cách xã hội)
Thực tế, con số trên nếu đạt vẫn còn nỗi lo khi thời gian qua lượng sinh viên CNTT Huế tốt nghiệp tìm các bến đỗ tại các địa phương không ít. Bên cạnh đó, đầu vào sinh viên không thực sự quá cao phần nào ảnh hưởng chất lượng đầu ra, trong khi việc thu hút nhân tài CNTT tại các địa phương về Huế không đơn giản. Vì thế, bài toán các cơ sở đào tạo không chỉ đáp ứng về số lượng lớn mà còn phải quy hoạch về ngành nghề.
Mặc dù hiện nay ĐH Huế đã có định hướng trên nguyên tắc việc đào tạo CNTT ở nhiều trường, khoa trực thuộc ĐH Huế không có sự trùng lặp về đào tạo ngành nghề, kể cả những ngành mới mở ở trình độ ĐH và sau ĐH. Tuy nhiên, vẫn cần sự tính toán kỹ khi mở ngành và định hướng kỹ cho thí sinh, bởi thực tế sẽ có những cạnh tranh trong việc thu hút người học, trong khi thời gian qua công tác hướng nghiệp cho học sinh vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế, để đảm bảo số lượng đầu vào cũng là một nỗi lo, đội ngũ sinh viên của ĐH Huế ra trường có thể làm việc ở địa phương khác nên không chỉ nghĩ đến con số 10.000 nhân lực của tỉnh mà phải tìm giải pháp để đáp ứng quy mô, số lượng lớn. Vì vậy, ngoài làm tốt việc quy hoạch ngành nghề, việc định hướng cho học sinh, nhất là những học sinh giỏi của Huế vào học các ngành CNTT tại Huế cũng rất quan trọng.
Giải quyết những rào cản
Làm tốt đề án phát triển CNTT hay không chỉ trách nhiệm của các các sở, ban ngành chức năng mà có vai trò rất lớn vào các đơn vị đào tạo và cả doanh nghiệp. Thời gian qua, việc liên kết giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo vẫn chưa tốt. Đây là vấn đề đòi hỏi doanh nghiệp và các trường cần “xích lại” gần nhau hơn. Thuận lợi là hiện nay tỉnh đã có cơ chế, quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với ĐH Huế về kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn tỉnh (số 109/TB-UBND tỉnh) cũng đã đề nghị, chỉ đạo đối với các sở, ngành cấp tỉnh về việc hình thành hệ sinh thái (chính quyền – cơ sở đào tạo – doanh nghiệp).
Khi đã có chủ trương tốt và đầu mối liên kết, phối hợp, cơ sở đào tạo cũng cần thay đổi phương thức đào tạo, giáo trình đào tạo, tăng phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu thị trường, hợp đồng đào tạo, qua đó nâng cao mặt bằng, chất lượng đầu vào trong tuyển sinh nhóm ngành CNTT.
Con số 10.000 nhân lực khá lớn. Với dự báo tình hình tuyển sinh còn khó khăn, khả năng sẽ có những lo ngại. Theo TS. Nguyễn Công Hào, để đảm bảo nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh, có thể triển khai hình thức đào tạo chuyển đổi với hai dạng là người học xong ĐH những ngành gần với CNTT có thể học thêm một số khóa đào tạo ngắn hạn; hay sinh viên những ngành gần sau 1 - 2 năm đầu hoàn thành các học phần đại cương có thể chuyển đổi sang ngành CNTT. Để làm được điều này, cũng cần có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan, nhất là doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Hữu Phúc