Hoc sinh Trường tiểu học Phường Đúc học tiếng Anh giao tiếp trong trường học
Nâng khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh
Từ tháng 11/2018, đề án “Tăng cường tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho học sinh THCS giai đoạn 2018 -2022” được khởi động tại 23 trường học trên địa bàn TP. Huế. Trên tinh thần tự nguyện, học sinh có nhu cầu được học mỗi tháng 8 tiết tiếng Anh giao tiếp; trong đó, có 4 tiết học với giáo viên người nước ngoài và học 4 tiết với giáo viên của trường mình. Mục tiêu của đề án là học sinh tốt nghiệp THCS có đủ năng lực để giao tiếp bằng tiếng Anh trong các tình huống cơ bản và đơn giản.
Từ khi thực hiện đề án, nhiều trường trong thành phố đã được đầu tư đồng bộ. Đa số các trường đều có phòng học ngoại ngữ cũng như thiết bị và đồ dùng theo danh mục tối thiểu. Đặc biệt, 80 giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực để tham gia trợ giảng và giảng dạy. Nguồn kinh phí thực hiện đề án trong vòng 5 năm lên đến gần 54 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 8 tỷ đồng và 46 tỷ đồng còn lại do phụ huynh đóng góp.
Việc đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông bước đầu tạo chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Trong đó, đã tăng cường năng lực tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nghe - nói, giúp học sinh tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp; giúp giáo viên các trường giao lưu, học hỏi giáo viên tiếng Anh bản xứ để tăng cường năng lực tiếng Anh và phương pháp sư phạm. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai số lượng học sinh ở các trường tham gia vẫn chưa nhiều. Những em ở các trường trung tâm cho rằng, chương trình học ở mức độ thấp nên muốn học ở các trung tâm để nâng cao hơn. Còn ở các vùng ngoại ô, khả năng sử dụng tiếng Anh còn hạn chế nên khi tiếp xúc với người nước ngoài các em ngại tham gia.
100% giáo viên Huế đứng lớp
Tình hình dịch COVID-19 kéo dài, năm học 2021-2022 sẽ không đủ giáo viên nước ngoài thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho học sinh THCS giai đoạn 2018-2022” nên học sinh sẽ được giáo viên trong trường giảng dạy. Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế, để đề án không bị gián đoạn, trước mắt, TP. Huế trao quyền cho các trường cử giáo viên có đủ tiêu chuẩn dạy giao tiếp cho học sinh. Thực tế, chất lượng giảng dạy của giáo viên tiếng Anh cấp THCS khá tốt, khi giáo viên đạt trình độ chuẩn theo khung năng lực ngôn ngữ châu Âu từ B2 trở lên. Học phí sẽ có điều chỉnh ở mức thấp hơn và học sinh vẫn được hỗ trợ 20% học phí khi tham gia khóa học.
Phương thức thay thế 100% giáo viên “nội địa” nhận được nhiều ý kiến từ phụ huynh. Chị Nguyễn Thị M., có con học Trường THCS Nguyễn Chí Diểu cho rằng, tôi vẫn thích giáo viên người nước ngoài dạy hơn vì họ phát âm chuẩn, kỹ năng giao tiếp tốt, còn giáo viên trong trường thiên về phần văn phạm hơn... nên tôi sẽ không cho con học tiết học giao tiếp tiếng Anh trong trường học. Một số phụ huynh khác lại cho rằng, trong thời điểm này, học tăng cường ngoại ngữ do giáo viên trong trường dạy cũng tốt nên vẫn tiếp tục đăng ký cho con theo học. Tuy nhiên, dự báo đề án sẽ gặp khó khăn khi học phí 100.000 đồng/em/tháng trong lúc này không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện cho con theo học.
Trở lại vấn đề, liệu giáo viên các trường có đủ năng lực, tiêu chuẩn để tiếp tục thực hiện đề án. Theo ý kiến của nhiều trường, ngay khi triển khai đề án, học sinh cũng học 50% người nước ngoài, 50% giáo viên của trường vì giáo viên trong trường nắm bắt năng lực của học sinh để điều chỉnh các học liệu, phù hợp với từng nhóm. Giáo viên Việt Nam trong quá trình dạy cũng dễ tiếp cận và hiểu học sinh nên dễ dàng hỗ trợ các em phát triển năng lực ngôn ngữ, và có những bài thi, đánh giá phù hợp với sự tiến bộ học sinh. Thế nên, khi họ đứng lớp hoàn toàn sẽ không gặp phải những khó khăn hay bỡ ngỡ.
Mục đích của đề án là khá hay, nhưng ngay cả khi người nước ngoài dạy tiếng Anh tăng cường trong trường học thì số học sinh theo học vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và nguồn lực đầu tư. Cũng theo ông Tiến, các trường nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh về tính cần thiết của đề án phổ cập ngoại ngữ. Khi phụ huynh hiểu rõ chắc hẳn họ sẽ sắp xếp thời gian, tiền bạc hợp lý để cho con theo học. Cùng lúc, chất lượng đội ngũ giáo viên phải được nâng lên. Mỗi khi phụ huynh bỏ kinh phí cho con học, chất lượng cũng phải xứng với “đồng tiền bát gạo”. Học sinh phải thấy giờ học thực sự lý thú, hấp dẫn mới thu hút các em tự nguyện tham gia.
Bài, ảnh: Huế Thu