ClockThứ Năm, 30/06/2022 07:30

Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu

TTH - Các viện nghiên cứu, trường đại học (ĐH) là cái nôi để tạo ra tri thức và nhiều kết quả, sản phẩm, sáng chế có khả năng chuyển giao, thương mại hóa; ứng dụng và phát triển trên thị trường. Song, vẫn còn những “điểm nghẽn” đang cần tháo gỡ.

Đào tạo nghề gắn với nghiên cứu khoa họcDuyên với sản phẩm thảo dượcMất ngủ vì gừng

Trường đại học Nông Lâm hướng đến giải pháp gắn nghiên cứu với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Còn những điểm khó

Theo thống kê từ Ban Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế ĐH Huế, giai đoạn 2016-2020, ĐH Huế có 34 sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp với tổng trị giá khoảng 4,95 tỷ đồng; năm 2021 có 12 sản phẩm chuyển giao trị giá gần 1,1 tỷ đồng. Song, nếu so sánh với nguồn lực đội ngũ, năng lực nghiên cứu thì vẫn thấy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm chưa thực sự xứng tầm với ĐH Huế.

Tại một báo cáo liên quan, TS. Nguyễn Chí Bảo, Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế ĐH Huế cho biết, số lượng các sản phẩm KH&CN được chuyển giao, thương mại hóa cũng như nguồn thu từ hoạt động này còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ĐH Huế. Loại hình nghiên cứu ứng dụng từ các đề tài, nhiệm vụ KH&CN các cấp cũng như các nhóm nghiên cứu mạnh còn ít. Sự liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ hiệu quả chưa cao.

Các trường đang có chính sách hỗ trợ cán bộ, người học về các hoạt động KH&CN

Theo đại diện ĐH Huế, việc thành lập doanh nghiệp và hướng đến doanh nghiệp KH&CN trong cơ sở giáo dục ĐH vẫn còn gặp phải những vướng mắc nhất định. Có nhiều sản phẩm KH&CN rất tiềm năng và ĐH Huế có thể tự thương mại được thay vì phải tìm kiếm doanh nghiệp để chuyển giao, song khi chưa thành lập được doanh nghiệp sẽ có những khó khăn khi thương mại hóa sản phẩm như: Đăng ký nhãn hàng hóa để phân biệt sản phẩm; Giấy phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh theo quy định của từng ngành; Giấy phép lưu hành (mã số lưu hành) sản phẩm trên thị trường Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp phép... Mặt khác, thủ tục pháp lý trong việc chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước. Các đơn vị triển khai nghiên cứu phải có văn bản xin chuyển giao quyền kết quả nghiên cứu từ cơ quan chủ quản, điều này gây ra những khó khăn nhất định về thủ tục và thời gian để đẩy mạnh việc chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu tiềm năng…

Những vấn đề trên không chỉ là tồn tại, khó khăn mà còn là những “điểm nghẽn” trong công tác chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học từ các trường ĐH. Thực tế, nguồn thu từ hoạt động KH&CN trong giai đoạn vừa qua mới chiếm 5-10% tổng nguồn thu của ĐH Huế, trong khi đó, định hướng của ĐH Huế là hướng đến xây dựng và phát triển một ĐH nghiên cứu.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, Hội đồng ĐH Huế ban hành Chiến lược phát triển ĐH Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó ĐH Huế phấn đấu trong giai đoạn 2021-2026, có ít nhất 20-25 sản phẩm KH&CN được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, 20-25 công nghệ/sản phẩm được chuyển giao có nguồn thu từ 300 triệu đồng trở lên. Đồng thời, tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động KH&CN trong tổng thu của ĐH Huế đạt ít nhất là 15% năm 2022 và ít nhất là 20% đến năm 2026.

Chuyển giao, thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu là nhiệm vụ quan trọng

Để làm được điều đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ ở các cấp. Theo đại diện Ban Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế ĐH Huế, một trong những giải pháp quan trọng là ĐH Huế cần điều chỉnh, bổ sung quy chế khai thác thương mại các tài sản trí tuệ tại ĐH Huế sau khi Nghị định quy định hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục ĐH ban hành. Kết nối với Sở KH&CN tỉnh để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm KH&CN có tiềm năng ứng dụng của ĐH Huế lên sàn giao dịch công nghệ tỉnh.

Ngoài đề tài KH&CN cấp ĐH Huế, cần bổ sung thêm dự án sản xuất thử nghiệm cấp ĐH Huế. Điều chỉnh quy định quản lý đề tài KH&CN cấp ĐH Huế, đặc biệt đối với sản phẩm của loại hình đề tài nghiên cứu ứng dụng. ĐH Huế cần tiếp tục giao chỉ tiêu thi đua về sản phẩm chuyển giao - thương mại hóa và đăng ký sở hữu trí tuệ. Đẩy mạnh việc hợp tác nghiên cứu khoa học với các viện trường, địa phương, doanh nghiệp để giải quyết vấn đề cấp bách của địa phương, theo đơn đặt hàng doanh nghiệp, giải quyết bài toán cho doanh nghiệp.

Theo đại diện ĐH Huế, về phía các bộ, ngành cũng cần có giải pháp đơn giản hóa các thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển giao công nghệ, nhằm tạo động lực cho các đơn vị và tác giả tham gia ứng dụng và phát triển sản phẩm KH&CN để chuyển giao. Có thể phát triển các tổ chức trung gian về thị trường KH&CN. Cần thiết thành lập một cơ quan chức năng trong việc định giá công nghệ ở địa phương để thuận tiện trong việc định giá công nghệ trước khi chuyển giao cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành các quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp KH&CN trong các cơ sở giáo dục ĐH nhằm thương mại hóa sản phẩm KH&CN.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế khẳng định, ĐH Huế sẽ kết nối các nguồn lực, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các giải pháp để thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa các sản phẩm KH&CN để phát triển ĐH Huế đúng theo chiến lược đặt ra.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

Đưa đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du lịch được xem là một trong những loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc. Huế có nhiều lợi thế lĩnh vực này, song việc khai thác các tiềm năng và thế mạnh của đông y vào du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK) vẫn chưa phát huy hết các giá trị.

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

TIN MỚI

Return to top