Chân dung thầy giáo Nguyễn Trường Vũ
Ba năm qua, thầy giáo Nguyễn Trường Vũ trở nên nổi tiếng với cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức bởi số lượng sáng kiến gửi dự thi cực kỳ ấn tượng: 34 sáng kiến. Không chỉ là con số, tất cả được đánh giá chất lượng, phù hợp với thực tế việc dạy và học. Năm 2020, sáng kiến “Sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý phổ thông mới” của thầy Vũ lọt vào top 15 sáng kiến xuất sắc.
Trao đổi với Thừa Thiên Huế Online, anh nói: “Cuộc thi là môi trường tốt, lành mạnh cho các trí thức trẻ rèn luyện bản thân. Qua các năm, các sản phẩm của tôi ngày càng hoàn thiện”. Sau sáu năm công tác trong ngành giáo dục, tôi có khoảng 50 sáng kiến tất cả. Trong số đó, tôi đã áp dụng vài chục sáng kiến vào việc giảng dạy. Hiệu quả lớn nhất mà các sáng chế mang lại là sự đam mê, yêu thích vật lý của học sinh.
Một số phụ huynh có kể lại với tôi rằng, con họ sau này muốn trở thành người như tôi. Tôi vui mừng vì điều đó và lấy đó làm động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê, “truyền lửa” cho những học trò của mình.
- Có sản phẩm lọt vào vòng chung khảo công trình, sáng kiến vì giáo dục cảm xúc của anh như thế nào?
Khác với năm 2017 chỉ có 326 đề tài, cuộc thi năm nay (2020) có đến 1.132 đề tài tham dự cuộc thi. Nên tôi rất vui và tự hào khi vượt qua được nhiều đề tài để vào vòng chung khảo cuộc thi năm nay. Đó là một quá trình tôi luôn nỗ lực, cố gắng tìm tòi bằng niềm đam mê, tình yêu với nghề nghiệp. Và vui hơn, khi được góp mặt, tranh tài với những sáng kiến của nhiều thầy cô giáo khác trên cả nước gửi về.
- Quá trình nghiên cứu, đưa ra những sáng chế có gặp khó khăn không, thưa anh?
Trong quá trình nghiên cứu đưa ra những sáng chế, tôi thường gặp khó khăn về mặt kiến thức và kĩ thuật. Khác với việc dạy lý thuyết, việc sáng chế ra thiết bị mới cần có nhiều kiến thức hơn và phải biết kĩ thuật gia công, lắp ghép các thiết bị lại với nhau sao cho có hiệu quả phù hợp.
Để vượt qua những khó khăn này, tôi luôn tìm tòi kiến thức mới thông qua các trang mạng trong nước và nước ngoài để tự nâng cao kiến thức. Về mặt kĩ thuật, tôi cần thử nghiệm và làm đi làm lại nhiều lần để có sản phẩm ưng ý. Nhiều sản phẩm tôi mất vài năm để hoàn thiện.
- Nếu mua một thiết bị bên ngoài, và sáng chế của anh, cái nào đắt hơn, tính tiện dụng trong quá trình thí nghiệm?
Nếu so với thiết bị trên thị trường thì các sản phẩm của tôi có nhiều cải tiến như tính gọn nhẹ, dễ sử dụng hơn rất nhiều, do vậy mà giá thành cũng rẻ hơn. Một số sản phẩm sáng tạo của tôi chưa có sản xuất hay bán trên thị trường.
- Là giáo viên hiếm hoi của Huế có sáng kiến lọt vào các cuộc thi sáng kiến toàn quốc, anh thấy môi trường sáng chế hiện nay trong giáo dục ra sao?
Tôi thấy môi trường sáng chế trong giáo dục ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong mảng giáo dục STEM (là chữ viết tắt tiếng Anh của bốn từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật, Math - toán học).
Ngày càng có nhiều giáo viên đam mê với thực nghiệm hơn, nhiều trung tâm giáo dục thực nghiệm ra đời và phát triển. Điều này kích thích và giúp các giáo viên có nhiều hơn các sáng chế, để vừa áp dụng vào giảng dạy vừa nâng cao tư duy cũng như thích ứng với môi trường giáo dục ngày càng thay đổi.
Thầy giáo Nguyễn Trường Vũ (thứ 2, từ phải vào) nhận bằng khen của ban tổ chức cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” vừa diễn ra tại Hà Nội
- Việc sáng chế, chế tạo ra các công trình có vai trò quan trọng như thế nào với người dạy lẫn người học, thưa anh?
Theo suy nghĩ cá nhân tôi, việc sáng chế, chế tạo ra các công trình mới là động lực để giáo viên tự nâng cao kiến thức của bản thân, nâng cao tay nghề, sự khéo léo. Đồng thời, nó còn giúp ích cho người học cảm thấy thú vị hơn trong học tập.
Tôi cho rằng việc áp dụng thí nghiệm thực hành vào trong giảng dạy không hề lấn áp với lý thuyết. Đa số các lý thuyết mà học sinh học ở phổ thông được suy ra từ thực nghiệm. Thực hành sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên và học sinh trong việc hình thành kiến thức mới. Nó biến các kiến thức vật lý trở nên dễ hiểu và không còn trừu tượng.
- Anh đánh giá như thế nào về môi trường sáng chế giữa giáo viên trên địa bàn tỉnh so với các tỉnh thành khác?
Theo tôi, Huế có một môi trường sáng chế năng động không thua kém so với các tỉnh thành khác. Giáo dục ở Huế được các cấp lãnh đạo quan tâm, lấy giáo dục làm nền tảng và tạo điều kiện để phát triển.
Và để kích thích môi trường sáng chế, đưa ra những sáng chế hay, áp dụng vào môi trường giáo dục hiện nay, theo tôi, việc cần làm trước khi kích thích môi trường sáng chế phát triển là sử dụng hiệu quả các thiết bị sẵn có ở các trường. Nhiều trường được trang bị nhiều thiết bị thí nghiệm hiện đại, đầy đủ nhưng việc sử dụng chúng vào dạy học vẫn còn hạn chế. Thiết bị khi bị lỗi thì không có ai sửa, bảo quản.
P. Thành (thực hiện)