ClockThứ Bảy, 10/09/2016 08:50

Thi trắc nghiệm 100% có thể là 'bước lùi' của môn tiếng Anh

Nhiều giáo viên đánh giá việc đổi mới thi tiếng Anh đang trong vòng luẩn quẩn khi liên tục chuyển từ trắc nghiệm sang tự luận.

Dự thảo thi THPT quốc gia với bài thi Ngoại ngữ gồm 40 câu trắc nghiệm làm trong 60 phút gây nhiều băn khoăn cho giáo viên tiếng Anh. Cô Bạch Thùy Linh, hiện dạy khoảng 100 học sinh THPT và gần 2.000 học sinh online nhận định: "Sau hai năm đưa kỹ năng viết vào đề thi để tăng tính thực tiễn, giờ nếu quay về với hình thức trắc nghiệm 100% thì sẽ là bước lùi trong lộ trình nâng cao trình độ tiếng Anh của người trẻ Việt Nam".

"Bước lùi" thể hiện ở chỗ trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đổ tiền vào thay đổi sách giáo khoa theo hướng dạy 4 kỹ năng, đặt ra Đề án Ngoại ngữ 2020 với tiêu chuẩn giáo viên phải đạt trình độ tương đương với chuẩn quốc tế, yêu cầu học sinh phải dùng được tiếng Anh ở nhiều kỹ năng, thì nay lại dự định thay đổi bài thi thành 100% trắc nghiệm và chỉ 40 câu.

Nhiều giáo viên lên tiếng rằng thi trắc nghiệm tiếng Anh với 40 câu khiến các em không phát triển đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết

Theo cô Linh, so với các bài thi trắc nghiệm quốc tế kiểm tra khả năng từ vựng, ngữ pháp, một số quy tắc phát âm và đọc hiểu thì 40 câu hỏi là quá ít. Ví dụ bài thi trong sách Oxford Placement Test tới 100 câu. Chưa kể thi trắc nghiệm hoàn toàn sẽ tạo ra thế hệ chỉ biết đoán, loại trừ, khoanh bừa như cái máy, nhưng viết một câu văn cũng "què cụt".

Cô Linh kể câu chuyện một học sinh thi đại học năm 2014 được 9 điểm tiếng Anh. Năm đó, các em làm 80 câu trắc nghiệm trong 90 phút. Giờ đã là sinh viên nhưng em này viết bài luận không ổn và phải đăng ký học lại tiếng Anh từ đầu. "Đó là hệ quả của nền thi cử tiếng Anh hoàn toàn trắc nghiệm. Tôi cũng như nhiều giáo viên nhận thấy, lứa học sinh thi từ các năm 2006 đến 2014 khi lên đại học gặp nhiều khó khăn trong phát triển các kỹ năng so với học sinh sau này, bởi chỉ toàn trắc nghiệm. Còn học sinh hai năm nay được làm đề có phần đòi hỏi kỹ năng viết đoạn văn", cô nói.

Giáo viên này nhận định việc đổi mới thi Ngoại ngữ đang như vòng luẩn quẩn. Trước năm 2006, học sinh làm bài thi đại học môn tiếng Anh gồm 20% trắc nghiệm và 80% tự luận. Từ năm 2006 trở đi, môn tiếng Anh thi 100% trắc nghiệm. Sau đó, dạng trắc nghiệm bị phê phán là không đánh giá đúng thực lực học sinh, xa rời kỹ năng thực hành và đề lại chuyển về 80% trắc nghiệm và 20% tự luận trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Thay đổi được 2 năm, kỳ thi 2017 lại dự định chuyển môn tiếng Anh về 100% trắc nghiệm.

Với giáo viên dạy tiếng Anh, mỗi lần thay đổi hình thức thi là phải soạn mới tài liệu. "Nếu thực sự muốn thay đổi cục diện, muốn học sinh dùng được tiếng Anh hàng ngày thì nên chuyển hẳn hình thức thi gồm 4 kỹ năng. Cứ loay hoay tăng hay giảm tỷ lệ trắc nghiệm - tự luận thì cuối cùng vẫn chỉ là ngữ pháp, từ vựng, đọc viết, không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Còn rất lâu trình độ tiếng Anh của người Việt Nam mới được cải thiện", cô Linh chia sẻ. 

Cô giáo Nguyễn Hải dạy tiếng Anh lớp 12 tại Sóc Sơn (Hà Nội) cũng cho rằng bài thi 100% trắc nghiệm không thể đánh giá được hết khả năng ngoại ngữ của học sinh, đặc biệt khi Bộ chủ trương phát triển 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Dạng đề thi trắc nghiệm hoàn toàn không phù hợp với những gì các em đang được học trên lớp.

Theo cô Hải, từ năm 2015 bài luận đã được đưa vào đề thi một cách hợp lý (chiếm 20%). Nhiều học sinh tập trung ôn luyện viết bài luận để thích nghi với cấu trúc này, qua đó khả năng viết được nâng cao. Giờ lại quay về thi hoàn toàn trắc nghiệm, phương pháp ôn luyện lại phải thay đổi, chưa kể nếu không được rèn thường xuyên, kỹ năng viết của học sinh sẽ bị mai một.

Có nhiều kinh nghiệm dạy tiếng Anh trên truyền hình, cô Mai Phương nhận định, gói gọn kiến thức tiếng Anh lớp 12 trong 40 câu trắc nghiệm là rất khó, vì ngoài ngữ pháp, câu hỏi từ vựng thuộc các chủ đề rất nhiều. Lượng câu hỏi ít dẫn đến việc nếu rơi vào chủ điểm không ôn kỹ, học sinh không làm được bài. Một đề thi với 40 câu trắc nghiệm và bỏ bài luận thì không khác gì cổ xúy các trường thi riêng, bởi nếu không tổ chức thi riêng thì chất lượng đầu vào sẽ kém.

Cô Phương đánh giá, lứa học sinh thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016 là toàn diện nhất bởi lúc này việc phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết được quan tâm đặc biệt. Đề thi có sự kết hợp của bài luận nên kỹ năng viết của các em được nâng cao. "Đề thi năm 2016 có cấu trúc hợp lý, được thầy cô và học sinh đánh giá cao. Với cấu trúc tốt như vậy, vì sao Bộ phải thay đổi?", cô đặt câu hỏi.

Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy định các thí sinh sẽ làm 5 bài thi tổng hợp, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Trừ Ngữ văn thi tự luận, 4 bài còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh cùng phòng có mã đề thi riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này được chấm bằng phần mềm máy tính. Đề thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm với 4 lựa chọn và chỉ một phương án đúng. Bài thi Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi Ngoại ngữ có 40 câu.

Đề sẽ gồm các câu hỏi ở cấp độ cơ bản nhằm xét tốt nghiệp và câu hỏi phân hóa để xét tuyển đại học, cao đẳng. Đề thi của 4 bài trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề đã được Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng. Đề thi Ngữ văn do chuyên gia, giáo viên, giảng viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm biên soạn.

Theo VnExpress

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học được đề cập tại Kết luận số 91- KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành giáo dục. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người Việt. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả sẽ gặp không ít khó khăn.

Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho học sinh tiểu học

“Tìm kiếm tài năng tiếng Anh” là cuộc thi dành cho học sinh lớp 5 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 9/11 mang đến cho các em học sinh không khí học tập sôi nổi, trải nghiệm đầy cảm hứng về môn học.

Bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho học sinh tiểu học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top