Cô cháu gái học lớp 8 của tôi cứ ỉu xìu mỗi khi đến giờ học thể dục. Nó bảo, học không vui, trời nắng mà cứ tập thể dục ngoài công viên rất mệt. Chưa kể, các bài tập không hấp dẫn, lui tới cũng chạy, nhảy xa, nhảy cao, đánh cầu lông… Mẹ của cháu nhận xét, các tiết thể dục trong trường học hầu như vẫn giữ nguyên hình thức tập luyện như thời chị đi học cách đây mấy chục năm. Đáng lý, các trường có thể cập nhật môn thể dục mới hoặc các điệu nhảy sôi động để thu hút học sinh.
Thực tế, học sinh ở các trường đang có sự “so bì”. Nếu trường nào đạt chuẩn quốc gia, có nhà đa năng trong trường học thì thầy và trò sẽ êm ru khi mưa hay nắng cũng chẳng ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Các em còn có thêm địa điểm học kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động tập thể, các trò chơi dân gian, sinh hoạt các câu lạc bộ âm nhạc, thể thao... giúp các em rèn luyện thể lực đều đặn để phát triển toàn diện.
Còn những trường thiếu nhà đa năng đành chấp nhận tình trạng “liệu cơm gắp mắm”. Có trường cho các em học thể dục ngay tại sân trường, tất nhiên, các em phải giữ trật tự để không làm ảnh hưởng đến tiết học của các môn khác. Cách học này khiến nhiều em ức chế khi môn học vận động lại phải ở trạng thái đi nhẹ, nói khẽ… Nhiều trường linh hoạt hơn khi mượn nhà văn hóa cộng đồng hoặc ra công viên dạy thể dục cho học sinh. Bất tiện ở chỗ, mỗi khi trời mưa các em phải nghỉ học, còn trời nắng, cả thầy và trò đều phải “rèn luyện” thể thao dưới cái nóng gay gắt, khó chịu. Thế nên, giáo viên dạy thể dục phải tự linh động dạy bù cho học sinh những tiết còn thiếu để đảm bảo tiến trình môn học.
Cũng do thiếu nơi học thể dục, rèn luyện thể thao đúng nghĩa nên những giờ học thể dục ở nhiều trường chủ yếu “khởi động” là chính. Thực tế trong các trường học, năng lực giáo viên dạy giáo dục thể chất chưa được khai thác tối đa. Vướng mắc chính ở đây là điều kiện về cơ sở vật chất. Đặc thù của giáo dục thể chất và thể thao học đường đòi hỏi điều kiện sân bãi, thiết bị, dụng cụ phải đáp ứng được nhu cầu tập luyện từ cơ bản đến nâng cao. Nhưng các trường học hiện nay, hầu hết đều không đảm bảo không gian hoạt động, cơ sở để triển khai học tập và luyện tập các môn thể dục thể thao theo hướng mở. Trao đổi với một số giáo viên dạy giáo dục thể chất đều cho rằng, đa số học sinh không thích môn thể dục vì quá đơn điệu. Thế nên, môn này vẫn bị xem là môn “phụ” với 1 - 2 tiết/tuần cùng các bài tập nhàm chán.
Nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa kể, đội ngũ giáo viên thể dục còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, cấp tiểu học chỉ có khoảng 20% số trường có giáo viên chuyên trách; hơn 90% giờ học thể dục ở cấp tiểu học do giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy. Cấu trúc nội dung chương trình của các cấp học chưa cân đối, nhiều nội dung còn mang nặng tính kỹ thuật.
Năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục - đào tạo sẽ chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và 27 Chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Trong đó, đáng chú ý là môn giáo dục thể chất lần đầu tiên có sách giáo khoa dành cho học sinh như các môn học khác.
Chương trình sẽ mang tính mở, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân và điều kiện của nhà trường. Thế nên, ngoài việc đảm bảo nội dung chương trình, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, còn phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất như: sân bãi, trang thiết bị, nhà tập đa năng, bể bơi, mua sắm trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Trước mắt, các trường sẽ vận dụng tối đa điều kiện cơ sở vật chất sẵn có để tổ chức dạy các môn học giáo dục thể chất. Ngoài ra, sẽ chủ động phối hợp với các trung tâm văn hóa thể thao ở xã/phường và các câu lạc bộ văn hóa TDTT tại địa phương để đa dạng hóa cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường. Trước thực tế quỹ đất của các trường cũng như nguồn vốn nhà nước còn hạn chế thì việc xây dựng nhà đa năng rất cần được thực hiện theo tiêu chí xã hội hóa để học sinh được học đầy đủ, thuận lợi các môn học từ văn hóa đến giáo dục thể chất trường học.
Huế Thu