ClockThứ Tư, 17/04/2019 10:50

Thư viện của học trò nghèo

TTH - Kể từ ngày Trường tiểu học Phú Hồ (Phú Vang) có phòng thư viện, phụ huynh yên tâm hơn khi con ở lại học bán trú. Thư viện cũng chính là nơi các em được nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ em nghèo.

Lan tỏa văn hóa đọc

Thư viện Trường TH Phú Hồ luôn thu hút học sinh

Trong ký ức của cô giáo Lê Thị Diễm Trang, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hồ (Phú Vang), hình ảnh về ngôi trường cũ với những khó khăn chồng chất vẫn còn vẹn nguyên. Ngày đó, việc kêu gọi phụ huynh đóng góp là phương án mà nhà trường không dám tính đến. Phụ huynh đa phần là thuần nông, thuộc diện nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa nên  phó mặc hoàn toàn việc dạy học cho giáo viên.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến phòng thư viện là cách trang trí đẹp mắt. Ngày trước, phòng thư viện, nói đúng hơn là phòng học được tận dụng chắp vá để thành nơi đọc sách. Đầu sách nghèo nàn, đọc mãi cũng hết mà bọn trẻ thì ngày nào cũng háo hức đến đọc. Vào những ngày trời mưa thư viện tạm đóng cửa vì dột trước, ướt sau khó bảo quản được sách.

Còn giờ đây, phòng thư viện khá khang trang khi đầy đủ sách báo và tài liệu cho giáo viên, học sinh tham khảo. Cửa thư viện luôn mở, đó cũng là nơi tá túc buổi trưa của trên 70 trẻ khi các em ở lại bán trú. Chị Nguyễn Thị Út, phụ huynh có con đang học lớp 2 tại Trường tiểu học Phú Hồ, nói: Nhờ có thư viện mà các em học hành tốt hơn khi thường xuyên được đọc sách. Nhiều em bố mẹ sang Lào làm ăn nên không ai đưa đón, từ ngày có thư viện, các cháu có được nơi nghỉ ngơi buổi trưa mát mẻ phụ huynh rất yên tâm.

Toàn trường có trên 340 học sinh, trong đó, có đến 25 hộ nghèo, cận nghèo. Số còn lại cũng không khá giả khi nhiều năm liền các cháu không có đồng phục để đến lớp, các em có gì mặc nấy, trông rất nhếch nhác. Năm học 2018 - 2019, nhà trường bắt đầu vận động phụ huynh mua đồng phục cho con. Cô giáo Bạch Thị Túy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, kể: “Đầu năm học, trường tổ chức thu 120.000 đồng/em để mua đồng phục, bảng tên, sổ liên lạc... nhưng hầu như học sinh nghèo, cận nghèo đều không có khả năng đóng. Chúng tôi không nhắc nhở vì sợ các em nghỉ học”. Thế nên, bình quân mỗi năm học, nhà trường phải “bù lỗ” khoảng 4 triệu đồng cho các khoản đóng này của các em.

Trước đây, một số học sinh nữ học đến lớp 4, lớp 5 thì nghỉ học, lao động sớm để có thêm thu nhập giúp bố mẹ. Bây giờ nhiều giáo viên là người địa phương, nắm rõ hoàn cảnh của các em nên đến nhà vận động phụ huynh đưa con trở lại trường lớp. Cô Võ Thị Hà, giáo viên lớp 2/2 chia sẻ, có em theo bố mẹ sang Lào làm ăn hơn 1 tháng, song, chúng tôi vẫn kiên nhẫn, thuyết phục bố mẹ đưa cháu về học. Cuối cùng gia đình đã đồng ý và giáo viên kèm cặp, bổ túc chương trình học để các em theo kịp chương trình”.

Ở vùng trũng như xã Phú Hồ, hễ mưa to, đường ngập nước là phụ huynh cho con em nghỉ học dài ngày vì sợ đuối nước, giáo viên phải nỗ lực tăng tiết để các em theo kịp chương trình. Điều mà giáo viên ở trường tâm đắc là phải nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều giáo viên không có mùa hè, tình nguyện về trường bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu. Nhờ đó, các em không chỉ trưởng thành hơn, bớt nhút nhát hơn, mà nhiều em còn đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện.

Con số 68% học sinh được khen thưởng là minh chứng cho sự nỗ lực của thầy và trò Trường tiểu học Phú Hồ. 100% học sinh 6 tuổi vào lớp 1, không có học sinh bỏ học. Học trong ngôi trường an toàn, thân thiện, giáo viên giỏi, tâm huyết, vì thế, học sinh theo học ngày một tăng, chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách cũ

Tôi không phải là một người yêu sách cũ cho đến một ngày, khi bất chợt gặp một cuốn sách lướt qua mắt, trên dòng thời gian của một trang facebook cá nhân.

Sách cũ
Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ

Đó là chủ đề của buổi workshop diễn ra vào chiều 7/12 tại 23 - 25 Lê Lợi (TP.Huế) với sự chia sẻ của giảng viên Nguyễn Chí Ngàn - Bộ môn Nhân học, Khảo cổ học, Văn hóa Du lịch, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoạt động do Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức.

Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện

Sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động truyền thông của thư viện. Nếu làm tốt công tác truyền thông thì cộng đồng sẽ dễ dàng nhận diện rõ được vai trò, đóng góp của thư viện, giúp cộng đồng nhận biết, có ấn tượng tốt, kích thích việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của thư viện nhiều hơn. Đó là một trong nhiều nhận định được các chuyên gia, những người làm công tác thư viện đưa ra khi bàn về việc truyền thông, quảng bá văn hóa đọc trong đời sống hiện nay.

Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện
Return to top