ClockThứ Năm, 12/01/2023 13:30

Trang bị “năng lực số” cho sinh viên

TTH - Trong bối cảnh chuyển đổi số ở hầu hết lĩnh vực, để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ, việc trang bị năng lực số cho sinh viên (SV) hết sức quan trọng.

Nhu cầu nhân lực lớn, sinh viên cần chuẩn bị kiến thức và kỹ năngLàm được nếu kết nối doanh nghiệp tốt

Sinh viên cần nâng cao năng lực số đáp ứng công cuộc chuyển đổi số

Mới dừng lại ở kỹ năng tin học cơ bản

Làm một khảo sát nhỏ với các SV ở Huế, nhiều em thừa nhận chỉ quen với word, excel hay những kỹ năng tin học cơ bản, trong khi việc khai thác tư liệu, dữ liệu số hay vận dụng công nghệ số vào việc học vẫn còn đang lúng túng. Nguyễn Văn Nam, SV một trường đại học (ĐH) ở Huế thẳng thắn: “Ngay cả việc tìm kiếm nguồn dữ liệu mở để làm các đề tài, hay tiếp cận công nghệ để “khoe” năng lực bản thân với doanh nghiệp tuyển thực tập sinh, tuyển dụng việc làm thì em và nhiều bạn của em vẫn còn yếu”.

Chuyển đổi số được nói nhiều thời gian qua và các trường ĐH cùng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, thế nhưng, năng lực số của SV hẳn vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Dưới góc độ quản lý giáo dục, TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế trăn trở, thực tế không phải SV nào cũng khai thác tốt dữ liệu số phục vụ việc học; việc lựa chọn công cụ phần mềm sử dụng cũng có những hạn chế. SV vẫn còn yếu về kỹ thuật, kỹ năng và văn hóa sử dụng công nghệ. “Cách thức thể hiện trên không gian mạng của nhiều SV thời gian qua vẫn chưa tốt, biểu hiện rõ nhất qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp của nhiều SV còn khó khăn khi các em chưa tận dụng được lợi thế công nghệ. Thực ra, các công ty lớn đều thể hiện thông tin của mình trên không gian mạng, làm sao để SV nắm bắt được yêu cầu, mong muốn và chứng tỏ được mình đáp ứng điều doanh nghiệp cần tìm vẫn còn là bài toán”, TS. Lịch phân tích.

Sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ trải nghiệm và học tập trên nền tảng công nghệ

Hiện nay, đa phần các trường ĐH mới chỉ dừng lại ở việc giảng dạy các kỹ năng tin học cơ bản, như: word, excel, powerpoint… Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh của thời đại công nghệ và những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, dường như chừng ấy là chưa đủ. TS. Bùi Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết, hiện nay, ngoại trừ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, hầu hết các trường trong cả nước vẫn chưa xây dựng được khung năng lực số dành cho SV. Thẳng thắn nhìn nhận, năng lực số của SV vẫn còn hạn chế. Mặc dù quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu về chuẩn đầu ra liên quan năng lực số, nhưng đây là vấn đề các trường cần quan tâm.

Có lộ trình xây dựng khung năng lực số

Gần đây, đặc điểm của các ngành nghề ở Việt Nam và trên thế giới đã có những thay đổi rõ rệt. Trước thay đổi đó, yêu cầu với SV giờ đây không chỉ cần chuẩn bị cho mình hành trang phù hợp với những công việc cụ thể, đã được gọi tên trên thị trường lao động, mà còn cần sự linh hoạt và khả năng tự xây dựng bộ kỹ năng để thích ứng với bản chất thường xuyên thay đổi của các công việc trong tương lai.

Trong nhiều buổi nói chuyện với SV, lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh nhà cũng đã nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ trong công cuộc chuyển đổi số. Họ cần có các kỹ năng, năng lực số. Đó có thể là sự thông thạo và nhanh nhạy hơn trong việc sử dụng các công cụ số (như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, mạng xã hội và các nền tảng ứng dụng, phần mềm) hoặc khả năng, tư duy phản biện để đánh giá một khối lượng thông tin khổng lồ, đó cũng có thể là năng lực duy trì những tương tác an toàn và tích cực khi tham gia vào các cộng đồng số. Bên cạnh đó, SV sẽ có thêm sự sẵn sàng trong việc tự làm quen và nâng cao các kỹ năng số, phục vụ cho việc học tập và phát triển sự nghiệp của mình.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc xây dựng năng lực số phải đồng thời có sự nỗ lực từ chính bản thân người học và nhà trường. Đơn vị đào tạo cần xây dựng khung năng lực số, xác định các trụ cốt chính, trong đó điểm nào đã làm cần hoàn thiện, đồng thời bổ sung các trụ cột khác một cách phù hợp. Đối với SV, phải chủ động tự học và tìm hiểu. Chỉ khi nhập cuộc một cách chủ động, khả năng tiếp cận mới hiệu quả cao.

Các trường khi xây dựng khung năng lực, cũng có thể tham khảo mô hình mà Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đang làm khá hiệu quả. Trên cơ sở so sánh các khung năng lực quốc tế, đồng thời tham khảo cách tiếp cận của Facebook trong các khóa học We Think Digital, mô hình khung năng lực số cho sinh viên gồm 7 nhóm năng lực với 26 tiêu chuẩn được đánh giá khá phù hợp. Trong đó, 7 nhóm năng lực SV cần có là: Vận hành thiết bị và phần mềm; khai thác thông tin và dữ liệu; giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; an toàn và an sinh số; sáng tạo nội dung số; học tập và phát triển kỹ năng số; sử dụng năng lực số cho nghề nghiệp. Các năng lực cụ thể được mô tả trong từng nhóm năng lực lớn cũng có sự phân loại, sắp xếp lại theo hướng bớt đề cao yếu tố kỹ thuật trong các thao tác, tập trung vào ứng dụng công nghệ vào thực tiễn thông qua thái độ, sự thấu cảm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, đổi mới sáng tạo.

TS. Bùi Quang Vũ cho rằng, xây dựng khung năng lực số cho SV là việc nên làm để mang lại lợi ích cho người học, có thể xây dựng các khung năng lực “mềm”, đồng thời cần có lộ trình phù hợp, sát với tình hình, năng lực SV, ứng dụng vào các môn học. Trước mắt, có thể mời các chuyên gia lồng ghép trao đổi trong tuần sinh hoạt công dân, các hoạt động kỹ năng mềm… nhằm nâng cao kỹ năng, năng lực số cho người học.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Có sự chuẩn bị, khi cờ đến tay bạn mới có năng lực để phất”

Đó là những chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách đề án VinFast. Ông đang là cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup. Theo ông, thế hệ trẻ đang sống trong giai đoạn nhiều cơ hội với trí tuệ nhân tạo (AI), là “thế giới phẳng”nhưng cũng là thách thức lớn. Điều đó đòi hỏi mỗi người trẻ phải có sự thay đổi, có sự chuẩn bị, trang bị các kỹ năng để khi “cờ” đến tay mới có thể “phất” được.

“Có sự chuẩn bị, khi cờ đến tay bạn mới có năng lực để phất”
20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

TIN MỚI

Return to top