Nghiên cứu y học phục vụ cộng đồng
Một trong những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật nhất trong năm qua của Trường ĐH Y Dược Huế là cụm công trình khoa học“Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số của Trường ĐH Y Dược Huế”do GS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế làm chủ nhiệm. Đây là cụm công trình đã được tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của nhà trường và bệnh viện trường dày công nghiên cứu qua nhiều năm với mục đích phục vụ cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và GS. Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam trao giải Nhất Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Y Dược cho GS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế (thứ nhất, từ trái sang)
Trong cụm công trình, đề tài thứ nhất “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc bệnh lý tiền sản giật – sản giật và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng” nghiên cứu về ba nội dung rất mới và chuyên sâu về bệnh lý tiền sản giật – sản giật. Đây là bệnh lý thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và thai nhi trong thai kỳ, là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm nhất. Những phụ nữ có bệnh lý này thường đến bệnh viện muộn và khi đã có bệnh lý rồi, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà còn gây biến chứng lâu dài. Trong khi đó, những nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh, việc phát hiện và can thiệp sớm sản giật – tiền sản giật vẫn chưa được thực hiện nhiều.
Xuất phát tình hình đó, nhóm tác giả Trường ĐH Y Dược Huế đã tập trung nghiên cứu mô hình dự báo bệnh, nghiên cứu quy trình chuẩn xác định biến dị di truyền và biểu hiện mRNA ở một số gen liên quan và nghiên cứu xây dựng phác đồ điều trị dự phòng. Trong thời gian nghiên cứu, đề tài đã thực hiện sàng lọc, theo dõi cho gần 3.500 thai phụ tuổi thai từ 11-13+6 tuần thai kỳ. Đề tài đã xây dựng được mô hình dự báo có tỷ lệ phát hiện tiền sản giật phát triển trước 34 tuần lên đến gần 82%, tỷ lệ phát hiện tiền sản giật phát triển sau 34 tuần là gần 46% chỉ với tỷ lệ dương tính giả 5%, kết quả sàng lọc này tỏ ra vượt trội so với các phương pháp sàng lọc truyền thống. Đây là mô hình sàng lọc kết hợp được nghiên cứu áp dụng đầu tiên tại nước ta cũng như công trình nghiên cứu về tiền sản giật trên cỡ mẫu lớn nhất được công bố ở Việt Nam.
PGS.TS.Nguyễn Thị Hoài, Trưởng Khoa Dược, Trường ĐH Y Dược Huế (thứ hai, phải sang) là một trong hai nhà khoa học nữ xuất sắc nhận giải thưởng L’Oreal – UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học 2017.
Đề tài thứ 2 (trong cụm đề tài này) “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp điều trị vô sinh do vòi tử cung-phúc mạc bằng phẫu thuật nội soi cho vùng miền Trung và Tây Nguyên” đã phát hiện được một số yếu tố nguy cơ và nguyên nhân liên quan đến vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc, các nguyên nhân chủ yếu như nhiễm trùng, tiền sử phẫu thuật, do bệnh lý lạc nội mạc tử cung của phụ nữ khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đề tài cũng cho thấy hiệu quả của phương pháp phẫu thuật nội soi trong điều trị vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc với tỉ lệ thông vòi tử cung sau phẫu thuật đạt gần 80%, tỉ lệ có thai trong buồng tử cung sau mổ là hơn 21% và chỉ xảy ra ở những trường hợp tổn thương vòi tử cung mức độ 1 và 2.
Đề tài thứ 3 “Nghiên cứu tình hình nhiễm Human Papilloma Virus (HPV) sinh dục và tổn thương cổ tử cung của phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế và đề xuất giải pháp phòng chống” được thực hiện với cách tiếp cận nghiên cứu cộng đồng trên 3 huyện thị đại diện cho 3 vùng địa lý-kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế là huyện Nam Đông, TP.Huế và huyện Phú Vang. Trên cơ sở các kết quả của đề tài đã đưa ra một số giải pháp phòng chống nhiễm HPV sinh dục nữ cho người dân và giúp triển khai ứng dụng rộng rãi phương pháp VIA để sàng lọc ung thư cổ tử cung tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, đặc biệt là ở tuyến huyện và xã, nơi điều kiện nguồn lực còn hạn chế. Nhờ những phát kiến khoa học mới với tính ứng dụng cao của cụm công trình nghiên cứu y học vào việc phục vụ cộng đồng này, tháng 12/2017 vừa qua Trường ĐH Y Dược Huế đã vinh dự được trao Giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 lĩnh vực y dược.
Ngày 12/1/2018, chương trình Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L’Oreal – UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017 và học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học vật liệu và Khoa học đời sống, có quá trình nghiên cứu khoa học, đóng góp lâu dài vào sự phát triển của khoa học Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược - Trường Đại học Y Dược Huế với những cống hiến trong các nghiên cứu tìm kiếm các hoạt chất có hoạt tính sinh học từ nguồn dược liệu y học dân tộc cổ truyền, nghiên cứu phát triển tìm kiếm thuốc mới trong định hướng phát triển sản phẩm giảm cân, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh suy giảm trí nhớ ở người già, đã vinh dự là một trong hai nhà khoa học nữ xuất sắc của năm được nhận Giải thưởng.
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua hợp tác quốc tế
Trường ĐH Y Dược Huế còn là điểm sáng trong hệ thống các trường ĐH y dược trong cả nước về hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ phát triển khoa học công nghệ, đào tạo và chăm sóc sức khỏe người dân. Thông qua chương trình hợp tác dài hạn với Chính phủ và các ĐH, tổ chức của Ý, Trường ĐH Y Dược Huế đã xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm Carlo Urbani gồm hệ thống phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 với trang thiết bị hiện đại nhằm chẩn đoán các vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm; đồng thời thành lập Đơn vị hồi sức cấp cứu với trang thiết bị hiện đại để chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế; hình thành Viện nghiên cứu Y Sinh học để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy và cung cấp dịch vụ khoa học, và đặc biệt là đào tạo nguồn cán bộ khoa học có chất lượng cao cho nhà trường.
Trao giải Nhất cho các tác giả đoạt giải tại hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII năm 2017, trong đó có Trường ĐH Y Dược Huế
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, mô hình hợp tác quốc tế trong việc xây dựng chương trình đào tạo Thạc sĩ y sinh học tiên tiến đã hình thành, được phê duyệt và triển khai từ năm 2012 đến nay giúp nhà trường đào tạo được 47 học viên cao học, trong đó 26 học viên đã tốt nghiệp nhận bằng thạc sĩ. Các học viên tốt nghiệp đều có việc làm tại các trường ĐH, viện nghiên cứu trong khu vực miền Trung và cả nước.
Mô hình và kinh nghiệm từ quá trình hợp tác của Trường ĐH Y Dược Huế với đối tác Ý và ĐH Sassari là một mô hình hay, có thể vận dụng và áp dụng cho các trường ĐH của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác đào tạo với các đối tác quốc tế. Tại Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII năm 2017, Trường ĐH Y Dược Huế đã đạt giải Nhất với đề tài “Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học y sinh học thông qua hợp tác quốc tế: Mô hình thành công của Trường ĐH Y Dược Huế”.
PGS. Nguyễn Vũ Quốc Huy