ClockThứ Bảy, 05/10/2019 07:00

Trường học hạnh phúc.

TTH - Dự án “Trường học hạnh phúc tại Việt Nam” lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, ứng dụng mô hình học tập cảm xúc và xã hội do Giáo sư Hà Vĩnh Thọ (Giám đốc Eurasia Learning Institute for Happiness and Well-Being, nguyên Giám đốc Trung tâm Tổng hạnh phúc Quốc gia Bhutan) xây dựng được chính thức triển khai vào tháng 4/2018.

Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học, xây dựng trường học hạnh phúc“Trường học hạnh phúc”

Học sinh tham gia đối thoại “Vì một môi trường học đường hạnh phúc” tại Trường THPT Hai Bà Trưng 

Đối với ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Thừa Thiên Huế nói chung và các trường THPT nói riêng, mô hình này cần được triển khai và nhân rộng nhất là khi Huế là nơi lần đầu tiên được dự án “Trường học hạnh phúc ở Việt Nam” chọn thí điểm tại 6 trường công lập (tháng 4/2018).

Có thể hiểu, trường học hạnh phúc là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và học sinh. Trường học hạnh phúc là nơi để thầy cô và các em học sinh có cơ hội gần gũi, giao tiếp với nhau thông qua sự sẻ chia, thấu cảm và yêu thương; cũng là mái nhà chung, ở đó mỗi ngày học sinh đến trường là mỗi ngày vui, giáo viên đến trường mỗi ngày là một niềm hạnh phúc. Đôi khi hạnh phúc cũng chỉ là những việc làm hữu ích thầm lặng, những niềm vui nho nhỏ, những nụ cười, những ánh mắt thân thương.

Thời đại 4.0 đem lại nhiều lợi ích cho giáo dục, nhưng điều đó không có nghĩa là robot và internet có thể thay thế vai trò, vị trí của người thầy. Xây dựng những tập thể nhà giáo, các cơ sở giáo dục đó đủ năng lực làm thay đổi kết quả giáo dục hành vi, nhân cách của học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, khắc phục những biểu hiện tiêu cực hiện nay trong đội ngũ nhà giáo là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm.

Ban Giám hiệu Trường THPT Hai Bà Trưng giải đáp ý kiến của học sinh tại đối thoại “Vì một môi trường học đường hạnh phúc”

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, hiệu trưởng là “đầu tàu”, là linh hồn của một ngôi trường. Hiệu trưởng phải luôn hướng tất cả các hoạt động của nhà trường vào mục tiêu vì học sinh thân yêu, xây dựng nhà trường thành ngôi nhà hạnh phúc.

Trong nhà trường, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở cán bộ, giáo viên về nhận thức, năng lực nghề nghiệp, tình cảm và sự thân thiện đối với học sinh. Nếu mỗi thầy cô đều hiểu vai trò của nghề giáo thì tự thân phải cố gắng để đáp ứng mong mỏi của xã hội. Dù làm được một việc nhỏ nhưng có ích cho nhà trường, cho học sinh, thầy cô sẽ cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc của thầy cô đem đến hạnh phúc cho học sinh, cho cha mẹ học sinh và nhiều người trong xã hội.

Học sinh phải được chú trọng – bởi đó là nhân vật trung tâm của sự nghiệp giáo dục. Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh đều được hạnh phúc. Đó là nơi học sinh không chỉ học mà còn vui chơi, giải trí; là nơi học sinh học làm người. Các em không chỉ được truyền thụ tri thức mà còn được thể hiện năng lực bản thân, được chăm sóc, bảo vệ. Đó là nơi không có bạo lực học đường, là nơi để thầy cô và các em học sinh có cơ hội đến gần với nhau hơn. Những áp lực về điểm số, về những băn khoăn, vướng mắc của học sinh, áp lực về công việc, về giáo trình giảng dạy, về thay đổi sách giáo khoa của giáo viên… được “hóa giải”.

Để thực hiện được những điều này, cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh trong nhà trường phải nỗ lực không ngừng, với nhiều giải pháp thiết thực.

Thầy cô giáo phải luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh, biết chia sẻ, động viên các em vượt lên hoàn cảnh để vươn tới những ước mơ và khát vọng. Phải tạo cho các em cơ hội để nói lên suy nghĩ, được thực hiện “quyền được tham gia”, “quyền được bày tỏ ý kiến”, được quan tâm, yêu thương, tôn trọng… Ngay từ đầu năm học, nhà trường cần tạo diễn đàn để các em mạnh dạn trao đổi những tâm tư, nguyện vọng, nói lên những đề xuất, kiến nghị. Thầy cô giáo cùng các ban, các tổ chức, đoàn thể phải hành động để đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của học sinh. Từ cán bộ quản lý đến mỗi giáo viên, cần nói đi đôi với làm, giải quyết những vướng mắc của học sinh; đồng thời, giải trình để các em hiểu những ý kiến, đề xuất nào không đáp ứng được và tại sao, bởi các em có quyền “được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội”, các em chính là đối tượng trung tâm và là chủ nhân của “trường học hạnh phúc”.

Nhà trường phải thường xuyên tổ chức các buổi tiếp học sinh, phụ huynh để kịp thời nắm bắt về hoàn cảnh, nguyện vọng để phối hợp với gia đình trong giáo dục học sinh. Xây dựng hộp thư “Điều em muốn nói” để học sinh có thể chia sẻ, trải lòng với giáo viên, nhà trường... Ban tư vấn cần xây dựng hộp thư điện tử, đường dây nóng để các em kịp thời trao đổi khi cần.

Đồng thời, khuyến khích học sinh trồng và chăm sóc cây xanh, tạo thêm những không gian xanh trong lớp học, trường học; xây dựng ngôi trường không có khói thuốc lá; căn tin nhà trường phải luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhà trường phải thắt chặt an ninh, không để cho ma túy và tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học...

Để xây dựng trường học hạnh phúc không chỉ có thầy cô, hiệu trưởng, những người công tác trong ngành giáo dục phải thay đổi, học sinh phải nỗ lực cố gắng, mà phụ huynh học sinh và xã hội cũng cần hỗ trợ để “giấc mơ” sớm trở thành hiện thực. Đây là mô hình giáo dục mang tính xã hội – nhân văn cao. Vì thế, các trường THPT trên địa bàn cần quan tâm xây dựng và phát triển mô hình này.

Bài, ảnh: TS. NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Chuyện về những giáo viên không cầm phấn

Thật ngạc nhiên và cảm động khi chứng kiến một lớp học không cần bảng đen, những giáo viên dạy trẻ khiếm thị chỉ bằng tiếng gõ lạch cạch, cái sờ tay và bằng cả trái tim yêu thương.

Chuyện về những giáo viên không cầm phấn
Return to top