Học sinh Trường tiểu học Thuận Thành trong giờ chào cờ
Lắng nghe cảm xúc của học sinh
Trường tiểu học Phú Cát (TP. Huế) có 930 học sinh. Phụ huynh đa phần buôn bán nhỏ, đi làm ăn xa nên nhiều người ít có thời gian quan tâm đến con cái. Trước đây, không ít học sinh hay quậy phá, đánh nhau... khiến giáo viên khá vất vả trong quản lý lớp.
Từ khi được chọn làm trường điểm để thực hiện dự án “Trường học hạnh phúc”, giáo viên hướng dẫn các em cách quản lý cảm xúc, quản lý bản thân và cùng học sinh trải nghiệm qua các bài thực hành chú tâm, kiểm tra cảm xúc, quản lý cảm xúc và lắng nghe…
Ngày mới ở Trường tiểu học Phú Cát của các em bắt đầu bằng vài phút tĩnh lặng, tập hít thở đúng cách, tập quan sát suy nghĩ của mình. Sau đó, các em lại cùng nhau ngồi thành vòng tròn, chia sẻ chuyện của chính mình và nghe bạn bè cùng kể chuyện. Sau giờ học, các em lại ra vườn, chăm cây, tưới rau...
Cô giáo Phan Thị Hương Giang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Cát (TP. Huế), chia sẻ: “Chúng tôi muốn giáo dục cho học sinh có ước mơ để các em xây dựng tương lai chứ không đuổi theo thành tích. Các thầy cô lắng nghe cảm xúc của học sinh, hiểu được từng cá thể, tôn trọng và từ đó giúp các em tiến bộ, không tạo áp lực học tập. Tuy nhiên, các em đều có kết quả học tập và hạnh kiểm vượt bậc so với những năm trước”.
Để học sinh nói ra cảm xúc, từ đó, rèn luyện ý thức và khả năng tập trung của các em là điều cần thiết. Nhưng, tạo ra một môi trường mà học sinh cảm thấy muốn được chia sẻ phụ thuộc vào thái độ tích cực của giáo viên. Chính họ phải là những người hạnh phúc, mới tạo ra vòng tròn lan tỏa. “Giáo viên phải hiểu được cảm xúc của mình, phải mạnh dạn thay đổi bản thân mới có thể giúp học sinh thay đổi”, cô Giang bày tỏ.
Kỹ năng quản lý cảm xúc
Bắt đầu từ tháng 4/2018 đến nay, giáo viên ở nhiều trường từ tiểu học đến trung học phổ thông được tham gia các lớp tập huấn về cơ chế vận hành của ngôi trường hạnh phúc. Giáo viên phải trải nghiệm những điều sẽ áp dụng với học sinh của mình. Họ học ngồi thiền, học cách chia sẻ và học cả cách lắng nghe. Chương trình là một ứng dụng mô hình học tập cảm xúc và xã hội (Social and Emotional Learning).
Sau khi tham gia các lớp tập huấn, khả năng quản lý cảm xúc của giáo viên tốt hơn. Họ mạnh dạn thừa nhận mình đang nóng, đang giận và chịu trách nhiệm khi không kiềm chế được cảm xúc. Sự chân thành, thẳng thắn của giáo viên khiến phụ huynh bao dung, chia sẻ và có sự đồng hành với giáo viên. Cô Lê Mai Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành (TP. Huế), cho hay.
Bất cứ đứa trẻ nào cũng được quyền hạnh phúc, nhưng muốn có được hạnh phúc, chúng ta cần có kỹ năng. Cô Lan đưa ra dẫn chứng: Trong trường, có một học sinh thường xuyên không làm bài tập về nhà. Nếu như trước đây, giáo viên sẽ trách mắng học trò và gọi điện nhờ phụ huynh nhắc nhở. Như vậy, mỗi lần vi phạm, cậu bé bị mắng hai lần nhưng tình hình không được cải thiện. Tuy nhiên, khi áp dụng vòng tròn hạnh phúc, cậu học trò tiết lộ, chứng kiến bố mẹ liên tục cãi nhau khiến cậu không thể nào tập trung làm bài tập. Hiểu được nỗi buồn của em, cô giáo dành thời gian cho em xử lý bài tập về nhà tại lớp. Thành tích học tập của cậu bé được cải thiện đáng kể.
Để tạo ra trường học hạnh phúc, những tác động ở trường là chưa đủ, còn cần đến sự đồng hành của gia đình và xã hội. Cha mẹ cần làm gương cho trẻ để các em nhìn vào đó học tập. Từ đó, hình thành cho trẻ kỹ năng lắng nghe và có lòng bao dung, vị tha.
Bài, ảnh: Huế Thu