Trong thư viện
Chung tay
Phường Hương Vân có địa bàn rộng, dân thưa, đời sống người dân dựa vào làm ruộng, đi rừng còn khá nhiều, mức sống phân hoá cao, điều kiện đến trường của con em trong phường vì thế không đồng nhất. Bên cạnh một bộ phận có điều kiện và chăm lo cho con em, Hương Vân còn rất nhiều trẻ sinh ra và lớn trong gia đình ba mẹ đầu tắt mặt tối chỉ để lo đủ ăn đủ mặc, ít có diều kiện quan tâm đến việc học của con em. Khó nhất của giáo dục ở đây là công tác xã hội hoá (XHH) cơ sở để phát triển giáo dục, cũng như bảo đảm tỷ lệ trẻ đến trường...
Vượt qua khó khăn, Trường TH Hương Vân được công nhận trường đạt chuẩn mức I khá sớm. Đây là niềm tự hào của giáo dục Hương Trà, vì nhiều lẽ: bên cạnh sự nỗ lực của trường về các điều kiện nội thân như chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh... trong hành trình xây dựng trường đạt chuẩn, Hương Vân đã tranh thủ địa phương để có quỹ đất rộng rãi, thuận tiện phát triển các hạng mục theo hướng trường chuẩn quốc gia và làm tốt công tác tham mưu để được đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) tương đối đồng bộ. Hiện trường có 26 phòng/12 lớp/gần 400 HS; có đủ các phòng tin học, âm nhạc, tiếng Anh, thư viện... với hệ thống trang thiết bị tương đối.
Được sự hỗ trợ của Dự án CI, Trường TH Hương Vân còn xây dựng một không gian đọc với nguồn sách, tài liệu dồi dào, không gian thoáng mát theo hướng “thư viện xanh” và có cả góc đọc dành cho phụ huynh. 100% HS Trường TH Hương Vân học 2 buổi/ngày, trong đó hơn 20% học chương trình bán trú. Đây là một cố gắng lớn vì so với các trường khác, điều kiện phụ huynh ở Hương Vân rất khó khăn.
Xét trên bình đẳng giáo dục cũng như chất lượng của mô hình bán trú, những nhà giáo cũng như phụ huynh ở đây đều nhận thấy tính ưu việt của mô hình này. Nhưng mức sống người dân Hương Vân không đồng nhất nên đây là hành trình vất vả của trường. Nguồn XHH từ phụ huynh khó không làm Ban giám hiệu nản chí mà hướng tới những mạnh thường quân... Hè 2016, ông Trần Đắc Sinh, một người con xa quê của phường đã hỗ trợ 380 triệu đồng cho hoạt động bán trú. Với sự đóng góp này, diện mạo của mô hình bán trú đã thay đổi về CSVC. Bên cạnh đó, trường còn kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ trực tiếp cho HS nghèo, mỗi suất 270.000 đồng/tháng, để các em có cơ hội học bán trú. Đây không chỉ là thành công trong công cuộc vận động XHH mà còn là dấu ấn yêu thương của người thầy, của xã hội dành cho những em nhỏ vùng quê nghèo Hương Vân trước một mô hình giáo dục ưu việt.
Phấn đấu cho tương lai
Trong bối cảnh xã hội nói chung và địa phương nói riêng, việc đầu tư xây dựng CSVC trường học chưa đáp ứng với yêu cầu giáo dục hiện đại. Nhưng, để xây dựng học hiệu, một trong những định hướng của trường vẫn là nâng cao số và lượng HS năng khiếu, phấn đấu 8/12 lớp đạt phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp”. Xây dựng nền tảng để HS tham gia và có thành tích trong các hoạt động như Giao lưu Olympic môn học, thi vẽ tranh trên máy tính…, đặt mục tiêu về chất lượng môn học như dạy mỹ thuật theo hướng phát triển năng lực cho HS; 100% lớp 3 - 5 học chương trình tin học mới. Tập cho trẻ yêu thiên nhiên, tôn trọng môi trường sống, nhà trường còn có ý định lập khoảng rừng tự nhiên phía sau trường học để tạo cho các em một không gian sinh học đa dạng... Với mục tiêu “Từ nhà trường tạo ra sự lan tỏa đến gia đình, cộng đồng địa phương về nâng cao nhận thức, hành vi giữ gìn bảo vệ môi trường”, trường rất coi trọng giáo dục HS có trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường sống quanh mình.
Năm học này, Trường TH Hương Vân hiện tiếp tục vận động phụ huynh, cơ quan đoàn thể, các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng trường xanh - sạch - đẹp. Trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu để được địa phương quan tâm duy trì CSVC trường chuẩn quốc gia mức I, bảo đảm chất lượng để được kiểm định lại sau 5 năm; phấn đấu hoàn thiện không gian đọc để được công nhận Thư viện xuất sắc và từng bước hoàn thiện các điều kiện để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức II vào năm 2019...
Bài, ảnh: Phước Châu