ClockThứ Tư, 13/04/2022 15:10

Tự chủ để phát triển Đại học Huế

TTH - Tự chủ đại học (ĐH) là xu hướng tất yếu và ĐH Huế cùng các trường thành viên, đơn vị trực thuộc cũng không ngoại lệ. Mặc dù có những khó khăn nhưng ĐH Huế đang thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng chiến lược tiến đến tự chủ tài chính, phát triển cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.

Đại học Huế thông báo tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩSáng tác mỹ thuật về chủ đề “Đại học Huế - Ngôi nhà chung”Trường Đại học Nông Lâm tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Đại học Huế

Đại học Huế và các trường triển khai nhiều giải pháp để tăng nguồn thu

Đặt chiến lược, gỡ khó khăn

Hơn 5 năm qua, ĐH Huế đã huy động nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; phát triển hệ thống cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên và phục vụ người học. Nguồn tài chính của ĐH Huế các năm qua tăng trưởng bình quân từ 10 - 12%/năm.

Kết quả trên một phần mang lại tín hiệu lạc quan, nhưng để tiến đến tự chủ ĐH, vẫn còn những nỗi lo. Theo đại diện các trường, đa phần đang còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí, trong khi các nguồn thu về chuyển giao công nghệ và các nguồn thu khác còn thấp. Tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng của tự chủ ĐH, nếu không đảm bảo về nguồn thu sẽ là thách thức lớn. “Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ những năm qua mới đạt khoảng 5% trên tổng nguồn thu, đây vẫn là một trăn trở”, TS. Trần Đăng Huy, Phó trưởng ban Kế hoạch, Tài chính và Cơ sở vật chất ĐH Huế cho biết.

Bài học thực tiễn cho thấy, phụ thuộc vào nguồn thu học phí khó đảm bảo. PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho rằng, tuyển sinh khó khăn và nhiều biến động, nguồn thu học phí trở nên có nguy cơ rủi ro cao nếu nhu cầu thị trường lao động bão hòa.

Theo lãnh đạo ĐH Huế, thời gian qua, ĐH Huế và các đơn vị rất trăn trở đến vấn đề trên và có nhiều thảo luận tìm giải pháp. Hiện, ĐH Huế cũng đã vạch ra chiến lược “Tiến đến tự chủ tài chính, phát triển cơ sở vật chất khang trang, hiện đại”.

TS. Trần Đăng Huy cho biết, ngay từ đầu năm 2022, ĐH Huế và các đơn vị thực hiện lộ trình tự chủ, trong đó nhóm 1 (mức 1) có Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Luật tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Nhóm 2 có Trường ĐH Y - Dược, Trường ĐH Ngoại ngữ tự đảm bảo chi thường xuyên. Các trường khác thuộc nhóm 3, thực hiện tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và hoạt động theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước.

Trong chiến lược của ĐH Huế, sẽ đa dạng hóa nguồn thu đảm bảo bình quân hằng năm tăng 10 - 12%, đến năm 2026 tổng nguồn thu đạt 2.000 tỷ đồng với cơ cấu: từ ngân sách Nhà nước 20 - 25%; thu từ hoạt động khoa học công nghệ và khởi nghiệp 7% - 10%, thu hoạt động sự nghiệp và dịch vụ 65% - 73%. Bên cạnh đó, nỗ lực hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược Huế. Đồng thời, định hướng sẽ hoàn thành hạ tầng và đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Khu đô thị ĐH tại phường An Tây và phường An Cựu, TP. Huế theo hướng hiện đại và thông minh; hoàn thành xây dựng Trường ĐH Y - Dược theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia; xây dựng Trường ĐH Sư phạm trọng điểm quốc gia; xây dựng Viện Công nghệ sinh học thành Trung tâm Công nghệ Sinh học cấp quốc gia.

Gắn nhiệm vụ và giải pháp

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế cho biết, ĐH Huế đang nỗ lực phát triển thành ĐH Quốc gia. Trong tiến trình phát triển, ĐH Huế đang rà soát và giao quyền thực hiện tự chủ tài chính cho các trường ĐH, viện thành viên, đơn vị trực thuộc.

ĐH Huế đang tập trung khai thác nguồn từ ngân sách Nhà nước và triển khai các dự án như: Chi thường xuyên; dự án đền bù, giải phóng mặt bằng; dự án đầu tư xây dựng nhà làm việc và thư viện các trường thuộc ĐH Huế; Dự án đầu tư xây dựng ĐH Huế giai đoạn III; dự án đầu tư tăng cường năng lực cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số; chương trình ngoại ngữ quốc gia 2020 - 2025; chương trình nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học; Chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; dự án đầu tư xây dựng Viện Công nghệ sinh học…

ĐH Huế cũng sẽ giao kế hoạch và chỉ tiêu nguồn thu từ đào tạo, khoa học công nghệ và các dịch vụ khác. Tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ, phục vụ đào tạo và giảng dạy của giảng viên là 2/3/5. Đồng thời, sẽ phát triển các nguồn thu từ chương trình đào tạo liên kết đồng cấp bằng với nước ngoài, chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh thiết bị, gắn các ngành đào tạo mạnh với các phòng thí nghiệm.

Theo lãnh đạo ĐH Huế, ĐH Huế đã, đang và sẽ sắp xếp lại các đơn vị thành viên và các đơn vị trực thuộc theo hướng liên thông, kết nối, chia sẻ và sử dụng tối đa nguồn lực dùng chung. Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ theo sản phẩm có khả năng sử dụng, chuyển giao, thương mại hóa và có nguồn thu. Ngoài ra, sẽ quy hoạch đảm bảo phòng học, phòng thí nghiệm và cơ sở hạ tầng lâu dài cho các khoa tại Khu đô thị ĐH; chuyển đổi công năng một số cơ sở nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng không hiệu quả, tập trung đầu tư xây dựng Đô thị ĐH Huế tại phường An Tây và phường An Cựu, TP. Huế.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

TIN MỚI

Return to top