ClockThứ Bảy, 09/05/2020 13:30

Tự chủ tuyển sinh không đồng nghĩa giảm chuẩn đầu vào

TTH - Vấn đề trên được PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Huế nhấn mạnh khi trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về xu hướng tự chủ tuyển sinh.

Các cơ sở giáo dục Đại học chủ động phương án tuyển sinh phù hợpHuế sẽ đào tạo ngành hộ sinh hệ đại họcHướng tới công nhận một phần dạy và học trực tuyến trong đào tạo đại học chính quy

PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương phân tích, theo Luật Giáo dục và các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau giai đoạn 2017 – 2020 kết thúc hình thức tổ chức kỳ thi chung, Bộ sẽ có phương án cho kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2021 và các trường ĐH có quyền “tự chủ hoàn toàn” trong việc quyết định phương án thi, xét tuyển. Song, điều đó không có nghĩa các cơ sở đào tạo ĐH thiếu quan tâm chất lượng đầu vào mà hạ chuẩn hay tìm mọi cách thu hút người học. Với vai trò ĐH vùng, ĐH Huế cũng sẽ xem xét kỹ trước khi duyệt phương án tuyển sinh của các đơn vị.

PGS có thể nói rõ hơn về xu hướng tự chủ tuyển sinh sắp tới?

Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, từ kỳ tuyển sinh năm 2021, các ĐH, trường ĐH sẽ hoàn toàn tự chủ trong tuyển sinh, xét tuyển.

Khi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực, về mặt pháp lý các ĐH, trường ĐH hoàn toàn tự chủ về tuyển sinh. Khi tự chủ tuyển sinh, sẽ có nhiều phương án xét tuyển. Ngoài xét tuyển dựa vào kết quả học bạ hay kết quả kỳ thi tốt nghiệp, các ĐH có thể tổ chức kỳ thi riêng, thi đánh giá đầu vào dựa vào đặc thù mà nhiều cơ sở giáo dục hiện nay hay gọi là kỳ thi đánh giá năng lực hoặc các hình thức khác để tuyển đầu vào.

ĐH Huế đang khởi động vấn đề này. Dù chưa có phương án cụ thể và cần phải nghiên cứu kỹ, nhưng khả năng ĐH Huế sẽ có phương án xét tuyển độc lập và hoàn toàn tự chủ theo tiệm cận chuẩn mà các trường ĐH thế giới đã thành công. Chẳng hạn, có thể tổ chức thi riêng đối với một số ngành hay phỏng vấn thêm, kiểm tra một số vấn đề đầu vào đối với thí sinh theo ngành, nhóm ngành. Các vấn đề tuyển sinh lúc đó hoàn toàn độc lập chứ không phụ thuộc vào sự bị động thay đổi như hiện nay.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (Ảnh minh họa)

Nếu tổ chức kỳ thi riêng, liệu có xảy ra chuyện mỗi trường một kỳ thi, kiểu thi không, thưa PGS?

Quan điểm chung là sẽ không đi ngược với quá trình đổi mới giáo dục, tức là không quay lại hình thức cũ, mỗi trường tổ chức một kỳ thi dẫn đến tốn kém và gây khó cho thí sinh.

Chúng tôi sẽ nghiên cứu cơ cấu các phương thức tuyển sinh hợp lý. Một số trường có thể sử dụng phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp để xét hay sử dụng một phần chỉ tiêu xét học bạ. Riêng một số đơn vị, ngành, nhóm ngành đòi hỏi đầu vào cao và mang tính đặc thù có thể tổ chức thi riêng, nhưng không phải là kỳ thi đánh giá năng lực mà có phương án thi khác. Đơn cử, một số ngành Trường ĐH Y dược có thể tổ chức một kỳ thi thêm để chọn người tài, bởi thực tế vẫn còn lo ngại trong việc chạy điểm từ học bạ dẫn đến khó tuyển người tài, phù hợp ngành nghề.

Khi tổ chức kỳ thi riêng, cần chuẩn bị kỹ. Chỉ riêng ngân hàng đề là một vấn đề đáng phải bàn. Có hai cách, một là ĐH Huế tự tạo ngân hàng đề hoặc có thể mua ngân hàng đề từ Bộ. ĐH Huế muốn 3 ĐH vùng cùng xây dựng hoặc tiếp cận chung 1 ngân hàng đề sau đó 3 ĐH vùng trong cả nước cùng thi một lúc, mang lại sự thuận lợi và hiệu quả hơn.

Học phí là nguồn thu chính. Tự chủ tuyển sinh có dẫn đến tình trạng các trường “dễ dãi” trong xét tuyển đầu vào, tăng tỷ lệ xét tuyển học bạ?

Theo quy chế cũ, tổng chỉ tiêu xét học bạ không quá 20% nhưng khi tự chủ tuyển sinh, có thể sẽ có thay đổi. Lâu nay, xã hội nghi ngờ chuyện xét học bạ vì nỗi lo trong việc khách quan đánh giá kết quả học tập, chạy điểm… Trên thực tế, xét tuyển dựa vào kết quả thi có tính sàng lọc và được tin tưởng hơn.

Đã gọi là tự chủ thì có quyền quyết định, lựa chọn phương án xét tuyển. Tuy nhiên, ĐH Huế là ĐH vùng. Theo các nghị định và thông tư liên quan, ĐH vùng là một đầu mối được toàn quyền quyết định công tác tuyển sinh ĐH và sau ĐH, các trường đề xuất và còn có ĐH Huế xét duyệt, chứ giao hoàn toàn cho các trường thì không đúng tinh thần như các quy định pháp luật hiện hành. Vì thế, không có chuyện tự chủ tuyển sinh đồng nghĩa để các trường giảm chuẩn đầu vào không đúng định hướng chung.

Xây dựng ngân hàng đề cũng không thể làm tự do, mà phải qua một quy trình và buộc phải thông qua cơ quan thẩm định thuộc Bộ GD&ĐT hoặc các chuyên gia về khảo thí theo từng lĩnh vực.

Ngay cả phương thức xét tuyển học bạ, cũng không thể hạ chuẩn. Xét học bạ nhưng phải đảm bảo ngưỡng đầu vào do hội đồng tuyển sinh ĐH Huế quy định, không thể cho phép 3 môn dưới 15 điểm. Quan điểm chung là 3 môn phải trên 15 điểm và tinh thần phải đẩy lên cao hơn. Cần nhấn mạnh, đó mới là ngưỡng điểm đầu vào, còn điểm xét tuyển sẽ khác.

Theo PGS, khi tự chủ tuyển sinh, giải pháp nào sẽ giúp xã hội yên tâm về chất lượng?

Với các ngành đòi hỏi đầu vào cao thì phương án thi rất cần, bởi có quá trình sàng lọc kỹ rất tốt, nhất là khi đơn vị đào tạo ĐH có thể tự tạo ra thước đo. Bên cạnh đó, nếu hệ thống đảm bảo chất lượng THPT tốt thì có thể yên tâm vấn đề xét học bạ cho một số ngành, nhất là những ngành không đòi hỏi đầu vào khắt khe vì như đã nói, mỗi đơn vị, mỗi ngành đều tổ chức thi, tập trung hàng ngàn sinh viên cũng rất khó khăn.

Từ bậc phổ thông đến ĐH, theo tôi thời gian qua hệ thống đảm bảo chất lượng chưa thực sự tốt, vì thế nảy sinh một số vấn đề tiêu cực mà báo chí đã phản ánh.

Hệ thống đảm bảo chất lượng tốt thì xã hội sẽ tin tưởng. Tại Anh, Pháp đã bỏ kỳ thi THPT Quốc gia và họ vẫn làm tốt bởi vì hệ thống đảm bảo chất lượng của họ hiệu quả từ cấp THPT. Vấn đề trên thời gian tới cần quan tâm nhiều hơn. Thanh tra, giám sát, đảm bảo không để xảy ra tiêu cực, báo chí theo dõi, vào cuộc; giáo viên nhận thức được vấn đề khách quan, công tâm trong đánh giá kết quả thì sẽ có hệ thống đảm bảo chất lượng tốt.

Khi tự chủ tuyển sinh, chuyện đáng lo không kém là thí sinh ảo, PGS nghĩ sao về vấn đề này?

Với các kỳ thi chung vừa qua, các trường tham gia các nhóm lọc ảo chung qua phần mềm của Bộ GD&ĐT. Nhưng khi tự chủ, Bộ có thể sẽ bỏ lọc ảo, vì thế nỗi lo thí sinh ảo là tất yếu.

Tình trạng ảo khó nói, bởi năm nay Bộ còn lọc ảo trong khi các trường chưa làm theo hình thức mới nên chưa thể đánh giá. Có thể đến giai đoạn đó, ĐH Huế kết hợp các ĐH để chạy lọc ảo. Thậm chí có thể mua phần mềm lọc ảo của Bộ nhưng điều chỉnh hợp lý, đơn cử hiện nay việc thí sinh di chuyển các nguyện vọng trong ĐH Huế chúng tôi đều có thể nhìn thấy và kiểm soát được.

Sắp tới, ĐH Huế có giải pháp gì để chuẩn bị cho xu hướng tự chủ tuyển sinh, thưa PGS?

Dự kiến, thời gian tới, ĐH Huế sẽ họp Ban xây dựng đề án tuyển sinh tự chủ hoàn toàn giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có mời các chuyên gia, có nhiều kinh nghiệm về khảo thí và bảo đảm chất lượng và lãnh đạo ĐH Huế am hiểu vấn đề này để bắt đầu xây dựng đề án trên nền tảng xem xét các phương thức xét tuyển, các vấn đề liên quan đến tự chủ tuyển sinh. Qua đó, xây dựng các phương án phù hợp và tiệm cận mô hình các ĐH, trường ĐH trên thế giới đang làm hiệu quả.

Xin cảm ơn PGS!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Tuyển sinh Đại học 2024: 551.479 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

Tối 27/8, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc thời gian đăng ký nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống tuyển sinh chung có 551.479 thí sinh xác nhận học/673.586 thí sinh trúng tuyển, đạt 81,87%. Như vậy, có 122.107 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.

Tuyển sinh Đại học 2024 551 479 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

TIN MỚI

ngành báo chí truyền thông Đại học Duy Tân
Return to top