Trở lại trường sau mùa dịch COVID-19
Bảo đảm an toàn sức khỏe
Hai ngày 29 và 30/8, các trường học trong toàn tỉnh tổ chức khử khuẩn, tổng vệ sinh. Chuẩn bị cho khai giảng năm học mới vào ngày 5/9, các trường kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, điều kiện, cơ sở vật chất, vật tư y tế theo quy định; chuẩn bị tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh đến toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh; tập huấn kiến thức phòng, chống dịch...
Với phương châm “An toàn để dạy học”, ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền cho biết: Phòng chỉ đạo các trường chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho công tác phòng chống dịch COVID -19, các trường kiện toàn Ban phòng chống dịch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn ngoài sân trường, trong lớp; chuẩn bị khẩu trang dự phòng cho các em học sinh... Phong Điền có 187 học sinh và giáo viên (trong đó, có 29 giáo viên và 158 học sinh) có hộ khẩu tại tỉnh Quảng Trị vào học tập và giảng dạy tại các trường học trên địa bàn. Trường THPT Trần Văn Kỷ và các trường liên quan đã tổ chức phân công giáo viên bộ môn tổ chức dạy online cho học sinh hoặc tổ chức dạy bù nếu gặp khó khăn do dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trong điều kiện học sinh không thể đến trường do tác động của dịch bệnh COVID - 19, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các ngành liên quan tổ chức dạy học qua truyền hình cho các học sinh lớp 9 và 12. Ngoài ra, khuyến khích các hình thức dạy học online, ra bài tập về nhà thông qua email… Việc dạy học trên truyền hình và online ngoài góp phần củng cố kiến thức và hoàn thành chương trình đúng tiến độ quy định, còn có tác động tích cực trong việc thay đổi hình thức dạy và học. Học sinh năng động và ứng phó tốt hơn với các tình huống và giáo viên được tạo cơ hội và động lực nâng cao trình độ ứng dựng công nghệ thông tin.
Dạy và học tốt trong trạng thái mới
Năm học mới đã bắt đầu nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn. Do học sinh nghỉ học dài ngày nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục các cấp học, đặc biệt là các lớp cuối cấp. Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông cơ sở chỉ đạt 21%. Chất lượng và số lượng thi tốt nghiệp THPT quốc gia tỷ lệ có tăng nhưng so với toàn quốc thì thứ hạng không tăng, nhiều môn chưa đạt mặt bằng chung. Các thiết chế phục vụ cho nhiệm vụ phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh chưa đảm bảo. Đã có chương trình kiên cố hóa trường lớp học, tuy nhiên khó khăn nguồn vốn hạn chế nên nhiều trường chưa được đầu tư.
Bàn về nhiệm vụ năm học mới, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, nhấn mạnh tới diễn biến tình bệnh COVID-19 vẫn đang khó lường, đề nghị ngành giáo dục duy trì việc dạy học trong trạng thái mới, vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học. Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn ngành giáo dục và đào tạo địa phương đổi mới, nghiên cứu nội dung giảng dạy phù hợp để đào tạo tạo ra một thế hệ học sinh năng động, có kỹ năng sống, vừa giỏi ngoại ngữ, công nghệ thông tin, tiếng Việt, vừa nắm và hiểu rõ lịch sử dân tộc, địa phương...
Nhiệm vụ đặt ra trong năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp theo của Thừa Thiên Huế là tiến hành rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp đáp ứng sự phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới; đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp, bậc học; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, nhất là lớp 1 theo hướng có sự chỉ đạo chung trong việc lựa chọn sách giáo khoa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; thực hiện chuyển đổi số bằng cấp, học bạ... trong giáo dục và đào tạo.
Bài, ảnh: HUẾ THU