Hiện nay, ĐH Huế đã áp dụng bảo vệ luận văn theo hình thức trực tuyến
Có thể xét tuyển online
Đầu tháng 7/2021, Đại học (ĐH) Huế vừa ban hành hướng dẫn tạm thời xét tuyển nghiên cứu sinh và dự bị tiến sĩ theo hình thức trực tuyến. Đáng chú ý, đối tượng xét tuyển theo hình thức trực tuyến là cá nhân đang sống và làm việc tại các vùng dịch theo thông báo hiện hành của Bộ Y tế, không thể đến dự tuyển tập trung tại ĐH Huế.
Hình thức xét tuyển trực tuyến cũng là nhu cầu của nhiều người học giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Theo Nguyễn Ngọc Thường, cựu sinh viên ĐH Huế (sống tại Bình Định), học sau ĐH, làm nghiên cứu sinh là nhu cầu chính đáng của nhiều người. Tuy nhiên, nếu phải đến dự tuyển tập trung giai đoạn dịch bệnh cũng có rất nhiều khó khăn, người học một số tỉnh, thành không chỉ phải tuân thủ quy định cách ly tập trung 21 ngày mà việc di chuyển cũng để lại nhiều nỗi lo.
Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, việc áp dụng xét tuyển trực tuyến vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào, nhờ các quy định khá nghiêm ngặt. Ngoài việc thí sinh và đơn vị đào tạo chuẩn bị khâu hồ sơ, thủ tục; ĐH Huế và ứng viên trang bị kỹ hệ thống kỹ thuật phục vụ tốt xét tuyển trực tuyến, thì các phần mềm trực tuyến phải được lựa chọn theo khuyến cáo trong công văn liên quan của Cục An toàn Thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông. Trình tự buổi xét tuyển trực tuyến cũng được quy định rõ. Ngoài khâu kiểm tra kỹ thuật kết nối của ĐH Huế và ứng viên thì trưởng tiểu ban điều hành buổi xét tuyển chính thức phải kiểm tra việc kết nối giữa ứng viên và tiểu ban chuyên môn đảm bảo thông tin thông suốt. “Diễn biến của buổi xét tuyển trực tuyến được ĐH Huế ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ kèm theo hồ sơ của người học. Các biên bản buổi xét tuyển trực tuyến do thư ký tiểu ban chuyên môn chịu trách nhiệm ghi chép và công khai ngay trong buổi xét tuyển”, TS. Nguyễn Công Hào cho biết.
PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho rằng, xét tuyển nghiên cứu sinh và dự bị tiến sĩ theo hình thức trực tuyến hiện nay là cần thiết. Đồng thời, có thể áp dụng song song cùng hình thức xét trực tiếp với những thí sinh không đến từ vùng dịch. Hai hình thức đều đảm bảo được tính công bằng, thí sinh đều phải trình bày đề cương nghiên cứu và quy trình liên quan theo quy định, chỉ khác là gặp trực tiếp hội đồng hay trình bày qua nền tảng kết nối trực tuyến. “Vừa qua, ĐH Huế và các trường đã áp dụng hiệu quả việc bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ theo hình thức trực tuyến. Vấn đề đầu ra còn khó hơn xét tuyển đầu vào. Trên cơ sở kinh nghiệm đã làm, có thể áp dụng để xét tuyển trực tuyến”, PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền đánh giá.
Tháo gỡ “điểm nghẽn”
TS. Nguyễn Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho rằng, các đơn vị đào tạo của ĐH Huế thu hút nhiều người học từ khắp các địa phương trong cả nước. Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn. Nếu vẫn chỉ áp dụng hình thức xét tuyển trực tiếp, sẽ khó khăn cho cả người học và kế hoạch tuyển sinh các đơn vị đào tạo.
Ngày 28/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 18 (Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT) về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ 15/8/2021 và thay thế Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài lưu ý đến những thay đổi đầu vào, đầu ra theo quy định của bộ thì trong điều kiện dịch bệnh, các đơn vị đào tạo cũng cần linh hoạt giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi để tuyển sinh.
Lãnh đạo các trường cho rằng, hình thức bảo vệ luận án online tháo gỡ được “điểm nghẽn” đầu ra, cũng đồng thời mở ra cơ hội để tháo gỡ khó khăn đầu vào trong bối cảnh dịch bằng hình thức xét tuyển trực tuyến. Quan trọng là đã có các quy định, hướng dẫn, cần vận dụng hiệu quả và triển khai tại đơn vị bằng các giải pháp đảm bảo được điều kiện kỹ thuật và tính khách quan, trung thực.
Bài, ảnh: Hữu Phúc