Điều quan trọng vẫn là tấm lòng.
Cô Nguyễn Thị Trung, trường tiểu học Đoàn Kết (Hà Nội) dẫn chứng, ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường, điển hình như: giáo viên ở Hải Phòng ép học trò uống nước giẻ lau bảng; cô giáo ở Long An phạt học sinh quỳ gối; phụ huynh đuổi đánh thầy giáo ở Bình Phước... gây bức xúc dư luận thời gian qua. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ và đều bị xử lý. Việc đưa ra một điều luật xử phạt hành chính áp dụng cho giáo viên là không cần thiết và không phù hợp với môi trường giáo dục.
Ranh giới giữa hành vi xúc phạm hay không rất mong manh
Lí giải về điều này, cô Trung cho rằng, nhà giáo ngoài trọng trách truyền thụ kiến thức cho học sinh còn phải dạy các em cách làm người, biết đúng/sai, nhận lỗi... Để làm điều này, đôi khi thầy cô sẽ đưa ra hình phạt, nói nặng với học trò. Ranh giới giữa hành vi xúc phạm hay không rất mong manh. Một cái đánh tay với người này có thể là bình thường, nhưng người khác cho là ghê gớm, tuỳ vào quan điểm và góc nhìn mỗi người mức độ sự việc là khác nhau.
Mặt khác, theo cô Trung, qua vài chục năm làm nghề tôi thấy, hầu hết giáo viên đều yêu thương học sinh của mình, các em có hư đến đâu cũng không thể bỏ mặc, chữ tâm của nhà giáo nó đặc biệt lắm. Cho nên việc ban hành dự thảo hay không cũng không quá quan trọng với những giáo viên thực sự tâm huyết với nghề. Học sinh và phụ huynh hiểu được tấm lòng của thầy, cô giáo mới là điều đáng mừng, cô Trung khẳng định.
Theo thầy Nguyễn Đức Mạnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường (Bắc Giang) cho rằng: “Ưu điểm của Nghị định này là có thêm một biện pháp nữa để nhắc nhở những người làm công việc liên quan đến công tác giáo dục, đồng thời cũng tạo ra được vùng cấm an toàn cho giáo viên.
Thế nhưng càng ra nhiều luật, càng chi tiết thì các thầy cô giáo càng thu mình lại, các giáo viên sẽ tìm cách nào đó để giữ bản thân mình an toàn. Nghị định này mang nặng tính hành chính, còn nhiều điểm mơ hồ, chưa được làm rõ đồng thời tạo ra những áp lực không cần thiết.
"Không khác nào thầy cô chỉ là người truyền đạt kiến thức. Sau khi truyền đạt xong, thầy cô hết trách nhiệm, đồng thời thầy cô sẽ không có chia sẻ, giao lưu với học sinh. Quan trọng, chúng ta phải làm sao khơi lại được ý thức, tình yêu nghề, trách nhiệm của giáo viên thay vì quá chú trọng vào các điều khoản quy định xử phạt ra sao. Các thầy cô giáo nên cởi mở đón nhận, đừng quá chăm chăm bàn tán về dự thảo, cứ dạy tốt thì những xử phạt này là xa vời" - thầy Mạnh đưa ra lời khuyên.
Ngược lại, thầy giáo Trần Văn Tuấn, giáo viên trường trung cấp nghề Hà Nội cho rằng, có thể nếu Nghị định này được ban hành thì giáo viên chúng tôi sẽ yên tâm hơn trên lớp học. Đối tượng học sinh của tôi là các em đi học nghề, ngoan có, hư có, ngổ ngáo cũng có; tôi xin phép dùng từ “mạnh động” là chuẩn xác.
Đã từng có trường hợp, thầy giáo trẻ đang dạy thực hành, học sinh dưới lớp gây gổ đánh nhau với lí do đơn giản “nhìn ngứa mắt nên đánh”, giáo viên can ngăn, học sinh lại quay ra buông lời lẽ tục tũi, nên thầy giáo đành ngó lớ đi vì sợ mang hoạ vào thân. Như vậy là không có một chút tôn trọng hay đạo đức tối thiểu nào ở đây cả.
Có thể các ở sở giáo dục bậc trung học, hay các trường Cao đẳng, Đại học lớn thấy không cần thiết với quy định này, nhưng với những môi trường giáo dục đặc thù như chúng tôi, rất cần điều này, hơn thế nữa thì càng tốt cho các giáo viên như tôi.
Cấm dạy thêm… lương phải tốt hơn.
Khép lại vấn đề xử phạt khi hành vi xúc phạm, xâm phạm học sinh và giáo viên. Một vấn đề cũng đang rất được quan tâm trong dự thảo này là việc phạt dạy thêm, học thêm không đúng quy định.
Theo dự thảo, giáo viên có thể bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 40.000.000 khi không đảm bảo cơ sở vật chất; chương trình dạy; trình độ giáo viên dạy lớp; hoặc ép buộc học sinh học thêm…
Đưa ra quan điểm cá nhân, cô giáo Trần Thu Thảo (Hà Nội) cho rằng, dạy thêm, học thêm đều xuất phát từ nhu cầu của học sinh và phụ huynh đăng kí với nhà trường.
Giáo viên là người đáp ứng nhu cầu đó với mục đích bồi dưỡng các em học tốt hơn, không bị bỏ lại quá xa so với các bạn cùng lớp. Thế nhưng, theo quy định, mỗi giáo viên được hưởng 75% tổng số tiền do học sinh đóng góp trong một buổi học. Lương bình quân một buổi học chưa đến 200.000 đồng, một tháng giáo viên thu nhập thêm được khoảng 1.000.000 đồng.
“Thực trạng là số tiền này cũng đâu có đủ trang trải cuộc sống gia đình của các thầy cô, vậy mới xảy ra câu chuyện phụ huynh mời giáo viên đến nhà kèm một nhóm học sinh. Do đó, tôi cho rằng, nếu áp dụng xử phạt dạy thêm rõ ràng như vậy thì nên có cơ chế giúp thu nhập lương giáo viên được tốt hơn, để chúng tôi yên tâm công tác”, cô Thảo hi vọng.
Đồng quan điểm, cô Lê Hằng (Phú Thọ) bàn luận, nếu thẳng thắn nói lên nguyện vọng của mình, tôi tin đa số các giáo viên đều muốn được dạy thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập. Nhưng dạy thêm được vài đồng cộng với lương thấp, nhỡ có bị phát hiện thì chúng tôi lấy đâu tiền để nộp phạt. Vừa không có tiền nộp phạt, vừa mất thi đua cả năm học nên đành dặn lòng “chớ có dạy thêm dạy nếm”. Luật đã cấm để tránh những chuyện biến tướng xảy ra thì giáo viên cũng đành ngậm ngùi tự nguyện tuân thủ.
Thế nhiên ở góc độ khác, tôi lại đồng tình với mức xử phạt này, vì đâu đó vẫn có những giáo viên dạy thêm học sinh tại nhà với giá 40.000 đồng đến 100.000 đồng/ buổi học. Chưa kể đến chuyện học sinh đi học thì được ôn tập trọng tâm hơn, điểm kiểm tra tốt hơn; hoặc phụ huynh thấy con bạn đi học mà con mình không đi học cũng lo lắng nên chính vì vậy đã vô tình tạo ra những lớp học “chui”. Nếu cứ ngó lơ mãi vậy thì làm sao có được bình đẳng giữa học sinh, cô Hằng tâm sự.
Theo Dân trí