ClockChủ Nhật, 26/05/2024 08:21

Tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT phù hợp đối tượng học sinh

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 29/6 với hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi. Hiện nay, bên cạnh công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức, các địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường giải pháp ôn thi giai đoạn cuối phù hợp từng đối tượng học sinh nhằm giúp các em nắm vững kiến thức, kỹ năng làm bài, vững tâm tham dự kỳ thi đạt kết quả.

Trên 12.850 thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Hướng nghiệp cho học sinh

 Giờ ôn thi của học sinh Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội).

Hiện nay, công tác ôn thi của các trường THPT đã chuyển sang giai đoạn cuối cùng, chủ yếu là hệ thống lại kiến thức và hướng dẫn kỹ năng làm bài cho học sinh. Để kỳ thi đạt kết quả, ngành giáo dục nhiều địa phương đã đề ra các giải pháp ôn thi, củng cố kiến thức hiệu quả. Tại tỉnh Bắc Giang, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bạch Đăng Khoa, ngành giáo dục địa phương tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12.

Căn cứ kết quả thi thử, các trường tăng cường giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng ôn tập; giúp học sinh rèn luyện tâm lý, kiến thức, kỹ năng làm bài. Quá trình ôn tập tổ chức thi thử, các nhà trường cho học sinh làm quen cấu trúc đề thi tốt nghiệp; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và học sinh trong công tác chuẩn bị kỳ thi sắp tới.

Kỳ thi này không chỉ đánh giá kết quả học tập của học sinh mà còn là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc việc đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh từng học kỳ và cả năm học, bảo đảm trung thực, khách quan. Các trường cũng so sánh, đối chiếu kết quả học tập qua các đợt kiểm tra để đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh, từ đó tổ chức ôn tập phù hợp đối tượng.

Trong giai đoạn “nước rút” hiện nay, các cơ sở giáo dục đã phân công giáo viên có năng lực chuyên môn, nhiều kinh nghiệm giúp đỡ giáo viên ít kinh nghiệm trong tổ chức ôn thi; cử học sinh khá giỏi hỗ trợ những học sinh có lực chưa tốt. Trong quá trình tổ chức ôn thi, Sở sẽ thường xuyên kiểm tra để kịp thời chỉ đạo và hỗ trợ cho các trường.

Tại Hà Nội, bên cạnh việc tổ chức cho học sinh ôn thi tại trường đến sát ngày thi, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích học sinh ôn tập trên truyền hình. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, năm 2024, toàn thành phố có hơn 100 nghìn học sinh lớp 12 cùng khoảng 5.000 thí sinh tự do trên địa bàn sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Vì vậy, ngoài việc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giảng dạy, ôn thi cho học sinh trên lớp, Sở đã lựa chọn giáo viên giỏi ba môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh của các trường THPT trên địa bàn để tổ chức ôn tập cho học sinh trên truyền hình và các nền tảng số. Đội ngũ giáo viên giỏi được phân công sẽ có trách nhiệm xây dựng nội dung bài giảng, bài tập củng cố kiến thức ở mỗi tiết ôn tập đến ngày 26/6, nhằm hỗ trợ học sinh tự học đạt hiệu quả cao nhất.

Nhiệm vụ lúc này của các trường là bám sát tình hình ôn tập; hệ thống hóa kiến thức, giúp học sinh nắm chắc bốn mức độ yêu cầu của đề thi là: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Học sinh Bùi Thị Khánh Linh, lớp 12D, Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, hằng ngày, các thầy, cô giáo giao đề ôn thi và chấm chữa ngay trên lớp; các bạn học yếu hơn tiếp tục được bổ sung thêm kiến thức. “Buổi sáng và chiều em cùng các bạn ôn thi trên lớp. Buổi tối em tự ôn lại kiến thức và luyện thêm các dạng đề thi để tránh mắc sai lầm ở những câu hỏi ở mức độ cơ bản. Chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, em đã nắm vững quy chế cũng như kiến thức, kỹ năng làm bài thi”- Linh chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Tiền Phong cho biết, các thầy giáo, cô giáo ôn tập cho học sinh luôn hướng dẫn các em phân bổ thời gian ôn thi và làm bài thi hợp lý. Cô giáo Mai Anh chia sẻ: “Với vai trò vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa dạy môn Ngữ văn, tôi là cầu nối giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với phụ huynh học sinh để giúp các em ôn tập, nắm bắt thông tin nhanh, hiệu quả nhất”.

Thầy giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) cho hay, trên cơ sở bám sát đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như kết quả khảo sát học sinh, thời điểm này, trường tổ chức ghép lớp ôn tập theo nguyện vọng, trình độ của học sinh để phù hợp yêu cầu thực tế.

Từ ngày 15/5, trường khảo sát, tập duyệt làm bài để sàng lọc từng đối tượng học sinh, từ đó tổ chức lớp học bồi dưỡng riêng đối với học sinh yếu mà ba lần làm bài kiểm tra khảo sát có điểm dưới 5. Đối với học sinh chưa thuộc bài do nhận thức chậm hoặc lười học, giáo viên sẽ đề nghị phụ huynh học sinh kiểm tra lại tại nhà thông qua đề cương đã gửi bằng hình thức ghi hình trả lời câu hỏi. Trường hợp học sinh chưa trả bài đúng quy định thì giáo viên chủ nhiệm phối hợp giáo viên bộ môn yêu cầu học sinh đến trường học, trả bài cho giáo viên khi nào hiểu thì mới nghỉ.

Trường cũng đề nghị phụ huynh học sinh quan tâm đến sức khỏe, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống tai nạn thương tích, nhất là xây dựng kế hoạch tự ôn tập đối với các em để đạt kết quả cao.

Theo các chuyên gia giáo dục, để nâng cao chất lượng ôn tập, các trường cần tăng cường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn phân tích những dạng đề, mức độ, nội dung trong đề thi tham khảo đã được công bố, từ đó điều chỉnh kế hoạch phù hợp năng lực học sinh. Giáo viên cần định hướng, hướng dẫn cho học sinh làm quen với nhiều dạng đề khác nhau với nội dung có liên quan đến đơn vị kiến thức từ đề tham khảo, chuẩn bị những bộ đề thi thử để học sinh ôn tập và làm thử.

Mặc dù theo yêu cầu của đề thi năm nay không có quá nhiều thay đổi, nhưng khối lượng kiến thức được yêu cầu trải rộng cho nên giáo viên vừa phải dành thời gian ôn lại kiến thức, vừa phải thực hiện việc rà soát mức độ, kỹ năng làm bài thi cho học sinh...

Năm 2024 là năm cuối kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Vì vậy, công tác ôn thi cơ bản ổn định, chỉ có một số điều chỉnh nội dung liên quan đến vận dụng kiến thức thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phẩm chất người học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Nội dung ôn thi năm 2024 bám sát bốn mức độ của đề thi là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; phù hợp với các mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp.

Trên cơ sở năng lực người học, các trường phân loại, tổ chức ôn tập cho học sinh những dạng đề có độ phân hóa ở mức độ vận dụng, vận dụng cao bảo đảm yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các trường cần bám sát yêu cầu của kỳ thi, linh hoạt tổ chức công tác ôn tập phù hợp đối tượng học sinh...

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên tục bắt giữ các đối tượng tổ chức đánh bạc

Ngày 20/12, Công an TP. Huế cho biết, trong đợt ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố đã liên tục phối hợp bắt giữ nhiều đối tượng tổ chức đánh bạc.

Liên tục bắt giữ các đối tượng tổ chức đánh bạc
Lời cảnh tỉnh từ vụ án tổ chức mang thai hộ

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận các trường hợp phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại, giúp mang thai hộ cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con, ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, nếu người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác là vi phạm pháp luật hình sự và phải “ra trước vành móng ngựa”.

Lời cảnh tỉnh từ vụ án tổ chức mang thai hộ

TIN MỚI

Return to top