ClockThứ Hai, 30/09/2019 05:45

Tự hào học sinh Kỹ thuật Huế

TTH - Chúng tôi, những cựu học sinh của Trường trung học Kỹ thuật Huế (nay là Trường cao đẳng Công nghiệp Huế) thân thương, nay hầu hết đã qua tuổi tri thiên mệnh; tuy mỗi người có vị trí công tác, hoàn cảnh khác nhau và đều đã nghỉ ngơi cùng con cháu, chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ những kỷ niệm về thầy cô, bạn bè dưới mái trường Kỹ thuật Huế. Hằng năm, vẫn đều đặn họp mặt vừa là để thăm nhau vừa ôn lại kỷ niệm một thời. Ai cũng tự hào về trường xưa, bạn cũ với tấm lòng trân trọng.

Cựu học sinh ban toán Kỹ thuật Huế khóa 1970-1975

Nhớ về trường xưa

Có thể nói phần lớn học sinh Kỹ thuật Huế chúng tôi thời ấy đều xuất thân là con em nhà nghèo, vừa ao ước được học chữ lại vừa được học nghề nên rất muốn vào học Trường trung học Kỹ thuật Huế. Thi đỗ vào Trường trung học Kỹ thuật Huế lúc bấy giờ có mấy điều lợi là vừa có kiến thức phổ thông rất cơ bản, vừa thành thạo được một nghề về kỹ thuật và vừa được kéo dài thêm một năm khỏi bị chế độ cũ bắt đi lính. Đó là lý do năm nào số học sinh dự tuyển vào trường cũng rất đông, tỷ lệ chọi khá cao so với các trường khác như Quốc Học, Hàm Nghi… Trung học Kỹ thuật Huế cũng là địa chỉ đào tạo có uy tín, là ngôi trường danh giá thời bấy giờ.

Hầu hết học sinh Kỹ thuật sau khi tốt nghiệp khoá học (từ lớp 8 đến lớp 12), dù học hệ toán hoặc hệ chuyên nghiệp đều ít nhất có một nghề thành thạo tương đương trung cấp nghề bây giờ. Nếu có điều kiện, có thể thi tuyển vào học các trường đại học; nếu khó khăn thì có thể hành nghề kiếm sống đàng hoàng.

Vừa học chữ vừa học nghề nên chúng tôi có điều kiện thuận lợi để liên hệ ứng dụng giữa lý thuyết và thực hành, rèn luyện đức tính chịu khó, cần cù, tháo vát, tính tổ chức, kỷ luật, tinh thần tập thể, phẩm chất trung thực, khiêm tốn… Môi trường học tập và rèn luyện như vậy đã giáo dục cho chúng tôi biết yêu quý thành quả lao động, thấu hiểu và trân trọng người lao động.

Không chỉ giỏi học chữ, học nghề, học sinh Kỹ thuật Huế có phong trào thể dục, thể thao khá mạnh; trong trường (ở đường Phùng Hưng bây giờ) có cả sân bóng rổ, sân bóng chuyền; học sinh Kỹ thuật Huế thường đoạt giải cao các giải bóng chuyền, bóng rổ, đồng diễn thể dục do ngành giáo dục tổ chức hằng năm. Những tay bóng chuyền nổi tiếng như anh Hoàng Thịnh, anh Nguyễn Bé… về bóng rổ có anh Trần Hào, Trương Vinh Dũng…

Cùng với sinh viên, học sinh miền Nam thời ấy, học sinh Kỹ thuật Huế cũng đồng hành với phong trào bãi khóa, xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh của sinh viên học sinh Huế phát triển khá mạnh vào đầu những năm 1970. Nhiều bạn cũng đã ngấm ngầm tham gia hoạt động cách mạng khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1973 thầy Võ Văn Đông đã dạy cho chúng tôi bài hát “Ca ngợi chị Võ Thị Sáu” ngay trên lớp học. Truyền thống của học sinh Kỹ thuật Huế là đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, tương trợ nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống; lớp trên, lớp dưới có tôn ty, trật tự rõ ràng trong quan hệ cũng như cách xưng hô, lớp trên là anh, lớp dưới là em, không thể cá mè một lứa. Tuy vậy, họ vẫn luôn tôn trọng sự khác biệt của nhau trong tư tưởng. Có lẽ vì thế mà quý thầy, các bạn tham gia hoạt động cách mạng không bao giờ bị bại lộ ngay trong trường Kỹ thuật Huế.

Từ môi trường học tập và rèn luyện ấy, sau này chúng tôi được biết, Trường trung học Kỹ thuật Huế có một bề dày truyền thống cách mạng vẻ vang. Nhiều thế hệ thầy, trò của trường đã lên đường tham gia cách mạng, là cái nôi đào tạo nên nhiều thế hệ cách mạng kiên cường, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhiều lĩnh vực khác, nhiều người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Những dấu ấn về thầy cô

Chúng tôi học hệ toán nên nhiều kỷ niệm nhất vẫn là quý thầy cô giáo dạy toán. Thầy giáo Hà Thúc Trạch với đôi kính cận dày cộp, người tầm thước, điển trai, mập mạp, trắng trẻo dạy toán lớp 8, rồi lớp 10; cô Nguyễn Thị Thanh Thanh vừa tốt nghiệp á khoa Đại học Sư phạm Huế liền được phân công về dạy toán lớp 12… Hồi ấy quý thầy cô lên lớp chỉ với mấy viên phấn trắng trên tay… Suốt cả mấy tiết dạy không bao giờ thấy thầy cô nhìn sách vở hay giáo án như sau này. Thầy cô luôn là niềm tự hào của chúng tôi với lối truyền thụ kiến thức một cách tự tin, nghệ sỹ, thấu đáo, tận tình với học sinh, truyền được cảm hứng cho học sinh yêu thích môn học. Thật hào hứng khi đã chuẩn bị tốt tâm thế để đi cùng bài giảng của thầy cô, nhưng cũng thật là ngại ngùng nếu đến lớp mà chưa chuẩn bị bài kỹ lưỡng; đối với thầy Trạch đó là nỗi khiếp sợ; đối với cô Thanh lại là điều xấu hổ vì cô chỉ hơn trò khoảng 5 tuổi lại xinh đẹp.

Có thể nói, chúng tôi được học với những thầy cô giáo có tiếng tăm về chuyên môn thời ấy như thầy Âu Xuân Ha với môn kỹ nghệ họa, thầy Tôn Thất Đào với môn vẽ mỹ thuật, thầy Bửu Nghị với môn hình học họa hình, thầy Võ Văn Đông, thầy Vĩnh Công với môn Anh văn, thầy Nguyễn Định Chu với môn điện kỹ thuật…

Có thể nói rằng, thầy cô có ảnh hưởng rất lớn, tạo tiền đề cho nhiều anh em trong chúng tôi sau này trở thành những công dân tốt của xã hội. Nhiều bạn trở thành giáo viên dạy toán có uy tín trong ngành giáo dục; ở ĐHSP Huế có PGS.TS. toán học Lê Văn Hạp, anh Trần Dư Sinh (tốt nghiệp thủ khoa ĐHSP Huế), anh Nguyễn Thanh Tiên…; giáo viên dạy toán các trường phổ thông có các bạn Lê Trọng Tín, Bùi Hữu Lập, Trần Phi Hùng, Trần Hữu Cánh, Nguyễn Vinh, Trình Minh, Hồ Minh…, trong đó có những bạn trở thành những nhà quản lý giáo dục có uy tín như Lê Văn Hạp, Nguyễn Vinh, Trần Phi Hùng, Trần Hữu Cánh; nhiều bạn tham gia hoạt động ở lĩnh vực công tác Đảng, công tác báo chí, tham gia quân đội như Lê Ngọc Hai, Lê Chí Quốc Bảo, Nguyễn Thành, Nguyễn Đình Luyện…; các kỹ sư lành nghề như Trương Diên Lâm, Lê Văn Bôn, Nguyễn Diểu…

Giờ đây, trên mỗi bước đường đời, chúng tôi luôn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp của tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết, luôn tự hào và nhiều cảm xúc khi nhớ về một thời được học tập và rèn luyện tại Trường trung học Kỹ thuật Huế – Ngôi trường đã chắp cánh cho chúng tôi vào đời mà hôm nay nhìn lại tất cả đều chững chạc, chín chắn, là công dân tốt của xã hội.

Bài, ảnh: Nguyễn Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Tự hào 80 năm truyền thống vẻ vang

Quân đội ta là quân đội của dân, do dân, vì dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Từ Nhân dân mà ra nên đội quân ấy luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”… “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành danh hiệu gần gũi và rất đỗi tự hào của quân đội ta. Sự tôn vinh của Nhân dân chính là sự tôn vinh thiêng liêng và cao quý nhất.

Tự hào 80 năm truyền thống vẻ vang
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top