Các thiết bị tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm năm 2018
Ứng dụng cao, chi phí thấp
Hai giảng viên Ngô Viết Anh Văn và Nguyễn Hữu Chúc, Khoa Cơ khí, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế vừa chế tạo ra chiếc máy in 3D. Chiếc máy có thể sản xuất chiếc ly nhựa hoặc bất cứ vật dụng nào khác mà nó được yêu cầu. Anh Ngô Viết Anh Văn giải thích về cơ chế hoạt động của máy: “Máy in 3D tạo ra vật thể từ vật liệu nhựa kết dính. Sợi nhựa được đưa vào máy in 3D qua đầu in có hình dáng như một chiếc hộp với một vòi phun. Một cơ cấu truyền động sẽ đẩy từng phần nhựa xuống đầu in. Trước khi nhựa bị đùn ra từ đầu kim in, sợi nhựa đi qua một ống nhiệt, hóa lỏng và khô cứng rất nhanh ngay khi ra ngoài không khí. Quá trình in 3D có thể diễn ra trong vài phút, vài giờ, thậm chí nhiều ngày phụ thuộc vào kích thước và khối lượng của sản phẩm”.
Với sinh viên học môn “Vẽ và thiết kế trên máy tính”, việc chỉ được tiếp cận với lý thuyết và thực hành trên máy tính tạo sự nhàm chán với môn học. Để tạo mối liên kết giữa lý thuyết và thực hành, cần phải có các thiết bị thí nghiệm để sinh viên có cơ hội tự tạo ra sản phẩm. Trên thị trường hiện có nhiều loại máy in 3D nhưng giá thành tương đối cao, việc chế tạo máy in 3D tự làm với giá chỉ bằng 1/2 giá thị trường vừa giúp sinh viên có thiết bị học tập vừa tiết kiệm được kinh phí của nhà trường.
Tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, nhiều giáo viên khác cũng tự làm các thiết bị dạy học. Anh Tô Hữu Tuyến, giảng viên Khoa Điện - Điện tử tự làm mô hình cánh tay Robot 4 bậc tự do với giá thành khá rẻ, vật tư dễ kiếm.
Theo anh Tô Hữu Tuyến, trong xu thế hiện nay, việc thay thế nhân công bằng robot dần trở nên phổ biến, do giá thành robot ngày càng rẻ, trong khi chi phí nhân công ngày càng tăng. Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, dễ dàng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới là một trong nhiều mục tiêu các cơ sở đào tạo nghề hướng đến.
Cầu nối giữa thực tiễn và đào tạo
Đầu tháng 6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thi thiết bị đào tạo tự làm năm 2018. Các tác giả, nhóm tác giả đến từ 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã mang đến hội thi 60 thiết bị, tạo nên một phong trào tự làm thiết bị đào tạo tại các cơ sở GDNN. Chị Nguyễn Cữu Thanh Thanh, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông cho rằng: “Thiết bị đào tạo tự làm thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng GDNN, là một phần không thể thiếu trong các cơ sở GDNN và việc phát động phong trào nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo tự làm phù hợp với yêu cầu phát triển của GDNN trong giai đoạn hiện nay”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 36 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN. Từ năm 2017, quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDNN bắt đầu tăng khi một lượng lớn học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT đã chuyển sang học nghề, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng nghề nghiệp với số lượng lớn. Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách thông qua chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn vệ sinh lao động như hiện nay không thể đáp ứng nhu cầu về trang thiết bị của các cơ sở GDNN. Ở nhiều trường, số giờ thực hành còn thấp, ảnh hưởng đến việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người học. Vì vậy, việc sản xuất, chế tạo các thiết bị tự làm phục vụ cho việc dạy và học được đặt ra như một nhiệm vụ chuyên môn, có vai trò quan trọng trong công tác đào tạo của các cơ sở GDNN.
Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Việc tự làm các thiết bị đào tạo được ứng dụng trên lớp giúp học sinh tiếp cận kiến thức, kỹ năng tay nghề nhanh chóng và hiệu quả hơn so với việc “dạy chay”, nặng về lý thuyết hơn thực hành. Trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, việc sáng chế thiết bị đào tạo cũng là yếu tố góp phần không nhỏ cho sự thành công của cơ sở đào tạo”.
Ông Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế cho rằng: “Nhiều thiết bị phục vụ cho một chu trình đào tạo, một kỹ năng của sinh viên, đào tạo theo các công việc cụ thể nên khi ra nhà máy, sinh viên rất tự tin khi làm việc trên hệ thống thật”.
Bài, ảnh: Minh Hiền