ClockThứ Ba, 09/11/2021 06:30

Từ nam sinh “rớt” đại học thành thủ khoa toàn quốc

TTH - Trong số các thủ khoa đại học (ĐH) toàn quốc năm nay, Tôn Thất Nhật Bình là trường hợp đặc biệt. Từng đánh mất cơ hội đậu ĐH năm 2020, nhưng nỗ lực đã giúp nam sinh người Huế đạt số điểm 29,75 để trở thành thủ khoa ĐH Huế năm 2021 và lọt top 8 thí sinh có điểm khối B cao nhất cả nước.

Thương mẹ tảo tần, nỗ lực học giỏi

Nhật Bình tự học ở nhà

Đứng lên sau “cú sốc”

Căn nhà trong kiệt ở đường Lê Văn Hưu (TP. Huế) vẫn sáng đèn muộn mỗi đêm, kể cả khi Tôn Thất Nhật Bình đã đậu ĐH. Ngày cũng như đêm, ngoài giờ học trực tuyến theo lịch của trường, Bình còn chăm chỉ ôn lại kiến thức, tìm tòi những kiến thức mới - cách học mà theo em là đó là kinh nghiệm nhớ đời.

Tôn Thất Nhật Bình từng “rớt” ĐH năm 2020 trước khi trở thành thủ khoa Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế năm 2021, điều khiến không chỉ bản thân Bình mà người trong gia đình, thầy cô, bạn bè của em đều bất ngờ. Xuất phát điểm là một học sinh nhiều năm liền đạt loại giỏi, tổng điểm lớp 12 cũng cao nhất khối tại Trường THPT Nguyễn Huệ, Tôn Thất Nhật Bình tự tin đăng ký nguyện vọng vào ngành y khoa và những ngành ở top trên, không mảy may ý định chọn phương án dự phòng. Năm 2020, kết quả thi của Nhật Bình đạt 26,45 điểm, song, do chọn những ngành có điểm chuẩn cao, Bình đã đánh mất cơ hội đậu ĐH. “Lúc rớt ĐH, em bị sốc và mất phương hướng. Sau này bình tĩnh nghĩ lại, em thấy do mình quá tự tin. Cứ nghĩ bản thân học tốt, đạt các giải học sinh giỏi sẽ không khó vượt qua kỳ thi, vì vậy mới chắc chắn với các nguyện vọng ngành điểm cao. Đó là một sai lầm, bài học nhớ đời”, Bình tâm sự.

Chọn học ở một trường cao đẳng được vài tháng, sự động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè đã giúp Bình lấy lại ý chí, quyết tâm. Nhật Bình dừng học cao đẳng, tập trung ôn luyện để thi lại. Phương pháp học mới của nam sinh khá đặc biệt. Từ chuyện rớt ĐH, Bình nhớ ra bài học: “Thông thường kiến thức chỉ lưu bộ nhớ ngắn hạn. Còn muốn lưu lại dài hạn, phải ôn lại”. Mỗi ngày, Bình dành nhiều thời gian để học, luyện đề thi. Bất kể học được nhiều hay ít, tối lại Bình đều ôn kiến thức đã học ban ngày, sửa đề thi, ghi chú lại những vấn đề cần rút kinh nghiệm, để đến chủ nhật mỗi tuần quay trở lại soát xét lại những điểm cần lưu ý.

Để “chắc ăn”, Bình lấy lịch thi “áp” vào thời gian ôn tập. Thời gian giải đề như đúng khuôn với thời gian thi từng môn, kể cả các môn tổ hợp để luyện tâm lý. “Em thấy, mất bình tĩnh trong phòng thi là một yếu tố ảnh hưởng kết quả thi, nên cần phải đặt mình vào tâm lý trong phòng thi, nghĩ đến không gian và thời gian thi để tập làm quen. Phương pháp này đã giúp em bớt căng thẳng khi thi thực tế”, Bình chia sẻ.

Anh Tôn Thất Hiệp, ba của Nhật Bình chia sẻ, sau khi bình tâm trở lại, Bình chăm chỉ và rất chịu khó. Không chỉ thay đổi kế hoạch học tập, dành hàng giờ đồng hồ để ôn tập, Bình còn tìm các anh chị đi trước để học tập kinh nghiệm, tìm ra những điểm sai của bản thân.

Kỳ thi năm 2021, Bình đạt điểm 10 môn toán và hóa học, riêng môn sinh học đạt 9,5. Cộng với điểm vùng, Bình đạt được 29,75 điểm, không chỉ trở thành thủ khoa của ngành y khoa, Trường ĐH Y - Dược mà còn là thủ khoa đầu vào kỳ tuyển sinh năm nay của ĐH Huế. Điều vui không kém là trong danh sách top các thí sinh có điểm khối B cao nhất toàn quốc, Bình xếp thứ 8.

Muốn làm bác sĩ tốt

Câu chuyện Tôn Thất Nhật Bình cùng rớt rồi đậu ngành y khoa năm 2020 - 2021 khiến nhiều người bất ngờ về đam mê ngành y của nam sinh từng học Trường THPT Nguyễn Huệ. Bình giải thích: “Mơ ước làm bác sĩ của em từ hồi còn học lớp 8. Thời điểm đó, ông bà nội hay đau, nhiều lần phải vào viện. Thấy hình ảnh bác sĩ chăm sóc bệnh nhân rất ý nghĩa, bỗng dưng em yêu thích nghề này”.

Đam mê thời trung học cơ sở vẫn còn nhiều lối rẽ, khi Nhật Bình có khiếu sáng tạo, thường hay mày mò, lắp ráp nhiều loại thiết bị. Thời điểm ấy, nhiều người vẫn ngỡ em chọn ngành học về kỹ thuật. Mãi đến năm lớp 12, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng ngàn y, bác sĩ tham gia tuyến đầu chống dịch, Nhật Bình ấn tượng và thấy ý nghĩa với công việc của người làm trong ngành y, quyết tâm chọn lựa ngành học để ra trường làm bác sĩ.

Nhật Bình chia sẻ, bước vào giảng đường ĐH cũng là vượt qua được cánh cửa đầu tiên để hiện thực hóa giấc mơ làm bác sĩ. Bài học đã qua vẫn còn mới và bây giờ bản thân vẫn phải nỗ lực. Nam sinh viên khẳng định, rất muốn làm một bác sĩ tốt, cứu chữa các bệnh nhân, nhưng để làm được điều đó, phải chăm chỉ học thật tốt. Vừa nỗ lực học chuyên môn để giỏi y thuật, nhưng cũng luôn rèn luyện, học các bài học về y đức, mai sau ra trường mới có thể làm bác sĩ giỏi y thuật, giàu y đức như bản thân hằng mơ ước.

Cô giáo Nguyễn Hữu Anh Thư, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Từng là giáo viên chủ nhiệm của Nhật Bình, phải khẳng định Bình rất chăm ngoan, học giỏi đều các môn. Trước những khó khăn trong học tập, Bình đều rất nỗ lực”.

Bài, ảnh: Minh Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) chuẩn bị tái định hình các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, một nghịch lý đang nổi lên rằng mặc dù nhu cầu tận dụng tiềm năng của công nghệ đang ngày càng tăng, các kỹ năng liên quan đến AI nhìn chung vẫn thiếu hụt.

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Thành công từ sự nỗ lực

Sau dịch COVID-19, chị Trần Thị Hà (sinh năm 1976, hội viên phụ nữ tổ dân phố 6, Phú Bài, TX. Hương Thủy) thất nghiệp. Cũng đã có tuổi, không việc làm, chị Hà đứng trước vô vàn khó khăn và những mối lo về gánh nặng kinh tế gia đình. Được sự động viên của người thân và sự giúp đỡ của hội liên hiệp phụ nữ các cấp, chị Hà đã mạnh dạn vay vốn để mở gia trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

Thành công từ sự nỗ lực

TIN MỚI

Return to top