ClockThứ Bảy, 16/03/2024 11:16

9 năm thực hiện đổi mới tuyển sinh: Minh bạch, công bằng, thuận lợi cho thí sinh

Trong 9 năm qua, ngành giáo dục đã có rất nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh với mục tiêu tạo sự thuận lợi hơn, minh bạch hơn, công bằng hơn và giảm áp lực, tốn kém cho học sinh, phụ huynh.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinhTuyển sinh Đại học 2024: Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thíchTuyển sinh đại học 2024: Xuất hiện những ngành mới trong trường top đầu

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN) 

Những đổi mới trong công tác tuyển sinh 9 năm qua đều hướng tới mục tiêu ngày càng thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất người học; các cơ sở đào tạo vừa đảm bảo tinh thần tự chủ nhưng cũng nâng cao chất lượng.

Đây là nhận định của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015-2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 15/3.

Hàng loạt đổi mới

Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia với mục tiêu “hai trong một” khi kết quả thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học. Tuyển sinh đại học chính thức bước sang một trang mới khi không còn các kỳ thi quy mô toàn quốc theo từng khối với ba đợt thi như giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, cùng với việc thi “hai trong một”, năm 2015 cũng trở thành một năm “vỡ trận” trong tuyển sinh đại học khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh được rút hồ sơ sau khi đăng ký vào trường này để nộp sang trường khác, khiến cho điểm chuẩn của các trường “nhảy múa” như chứng khoán. Phụ huynh, học sinh khóc ròng khi phút chốc từ đỗ thành trượt. Các trường đại học học cũng quay cuồng với vòng thay đổi rút-nộp hồ sơ liên tục của thí sinh.

Sau sự cố 2015, trong 9 năm qua, ngành giáo dục đã có rất nhiều đổi mới ở nhiều góc độ trong công tác tuyển sinh với mục tiêu tạo sự thuận lợi hơn, minh bạch hơn, công bằng hơn và giảm áp lực, tốn kém cho học sinh, phụ huynh.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy, những đổi mới thể hiện ở 8 vấn đề. Đó là, đổi mới tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đổi mới đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; đổi mới ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; đổi mới trong quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng; đổi mới trong quy trình xét tuyển và lọc ảo; đổi mới về cơ sở dữ liệu; đổi mới về chỉ tiêu tuyển sinh và một số điểm đổi mới khác như đề án tuyển sinh, xác nhận nhập học, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, xác nhận nhập học trực tuyến…

Kết quả tuyển sinh qua các năm. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo) 

Cụ thể, từ gần như một phương thức tuyển sinh duy nhất, các trường đại học đã đa dạng hóa nhiều phương thức xét tuyển. Việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng được chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến với số lần điều chỉnh không giới hạn trong thời gian quy định.

Số lượng nguyện vọng xét tuyển từ chỗ chỉ hạn chế ở 4 nguyện vọng được mở rộng đến không giới hạn, có những thí sinh đăng ký đến trên 100 nguyện vọng. Điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng được điều chỉnh theo hướng giảm dần để đảm bảo sự công bằng hơn giữa các nhóm thí sinh.

Từ chỗ quy định điểm sàn chung cho toàn hệ thống, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao quyền tự quyết về điểm chuẩn cho các trường, chỉ đặt ngưỡng điểm sàn với khối ngành sư phạm và sức khỏe. Cơ sở dữ liệu tuyển sinh ngày càng được hoàn thiện, kết hợp liên thông thông tin các phương thức tuyển sinh để lọc ảo chung trong toàn hệ thống. Từ cơ chế “xin-cho” khi Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh, các trường được tự chủ về chỉ tiêu dựa trên năng lực đào tạo.

Bên cạnh đó là nhiều điểm mới khác như xác nhận nhập học trực tuyến, đóng lệ phí xét tuyển trực tuyến…

Theo Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên Nguyễn Hữu Công, đổi mới tuyển sinh đã tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo.

Nếu như năm 2015, số thí sinh nhập học đại học chính quy là trên 400.000 thí sinh thì năm 2023, con số này đã tăng lên gần 546.700 em. Năm 2023, số thí sinh trúng tuyển đã nhập học là 546.686 em; tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu là 82,45%; tỷ lệ nhập học/số dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông là 53,12%.

Cần khắc phục những hạn chế

Đánh giá về công tác tuyển sinh trong 9 năm qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định cách thức tuyển sinh ngày càng đi vào ổn định và ngày càng tốt hơn cho thấy sự tăng trưởng bền vững. Điều này thể hiện ở số lượng tuyển được, tỷ lệ tuyển được.

Các điều chỉnh lớn, nhỏ qua mỗi năm đều theo hướng ngày càng thuận lợi cho thí sinh, cơ sở đào tạo, công tác quản lý nhà nước. Việc thí sinh ở bất cứ nơi đâu cũng có thể tiến hành đăng ký xét tuyển tạo sự thuận tiện, hiệu quả với các trường. Công tác tuyển sinh ngày càng công khai, minh bạch, từ việc công khai đề án tuyển sinh đến việc xét tuyển qua các hệ thống, phần mềm… Các cơ sở giáo dục cùng hợp tác trong các khâu tuyển sinh như lọc ảo, xét tuyển chung đồng thời cạnh tranh lành mạnh, các trường tuyển sinh kém phải điều chỉnh, cải thiện để nâng chất lượng tốt hơn.

 Kết quả tuyển sinh qua các năm. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

“Cả hệ thống giáo dục đại học cố gắng cùng nâng cao chất lượng. Niềm tin của xã hội vào chất lượng giáo dục đại học, vào nhân lực trình độ cao nâng lên,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Bên cạnh những mặt làm được, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác tuyển sinh giai đoạn từ 2015 đến nay.

Theo đó, dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh hiện nay cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Do đó, Thứ trưởng lưu ý việc đa dạng trong phương thức tuyển sinh là tốt nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh.

Mặc dù công khai, minh bạch tuyển sinh, song hiện tại chưa có có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Vì vậy, các trường cần phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong việc này, cần sử dụng nhiều công cụ, phương pháp so sánh.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp chưa nghiêm túc trong thực hiện quy chế tuyển sinh, phổ biến nhất là tuyển vượt chỉ tiêu. Nếu tiếp tục xảy ra hiện tượng này, các trường không thể giữ được niềm tin, sự tin tưởng của xã hội và người học.

Theo Thứ trưởng, những vấn đề tồn tại này cần được điều chỉnh.

Năm 2024, ngành giáo dục tiếp tục duy trì ổn định, phát huy kết quả đạt được để làm đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. Thứ trưởng giao Vụ Giáo dục Đại học và các trường hoàn thiện, công khai kế hoạch tuyển sinh, hoàn thiện phần mềm, cơ sở dữ liệu tuyển sinh, nhất là kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả học tập Trung học phổ thông hoặc kết quả thi những năm trước.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, định hướng tuyển sinh từ năm 2025 cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung./.

Theo vietnamplus.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp

Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã tạo hành lang pháp lý cho HĐND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top