Chọn khối thi phải nên bắt đầu sớm, tốt nhất là vào năm học lớp 11. Đây là lúc thời gian rảnh còn nhiều. Quá trình học, nếu cảm thấy khối thi lựa chọn không tốt thì có thể chuyển sang khối thi mới từ hè và đầu năm lớp 12. Chọn được khối thi sớm, lên lớp 12, ta không phải phân tâm, chỉ cần tập trung hoàn toàn vào việc ôn thi để đạt được mục tiêu đề ra. Còn nếu thay đổi quyết định ở “phút 89” thì khả năng trúng tuyển sẽ rất thấp vì không có nhiều thời gian ôn tập.
Có nhiều yếu tố tác động, tuy nhiên, gói gọn lại vẫn phải xuất phát từ sở thích và năng lực. Xã hội phát triển, ngành nghề do thế cũng ngày càng phong phú nên cũng cần phải biết cách lựa chọn. Tốt nhất vẫn là bắt đầu từ sở thích gắn với những hiểu biết về ngành nghề và có sự đối chiếu với tính cách của mình. Đã có không ít trường hợp học sinh thi đỗ vào các trường đại học lớn như bách khoa hay kinh tế đã bỏ học vì nhận thấy ngành học không phù hợp, thật đáng tiếc.
Nếu sở thích và đam mê là cần thiết thì việc nhìn nhận đúng năng lực lại vô cùng quan trọng. Bạn có thể căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông để xác định cho mình khối thi phù hợp. Sau đây là một tham khảo. Đầu tiên, bạn lấy điểm trung bình từng môn trong khối thi bằng cách cộng điểm trung bình năm học của từng môn ở cả 3 năm lớp 10, 11 và 12. Do đề thi được ra chủ yếu là chương trình lớp 12 nên điểm của lớp 12 cần được xem xét quan trọng hơn bằng cách nhân hệ số 2. Để biết điểm trung bình năm học của một môn nào, ta lấy tổng điểm của môn đó (nhân hệ số 2 cho điểm năm lớp 12) rồi chia 4, cộng điểm trung bình 3 môn ta sẽ được điểm học tập của khối.
Ví dụ, bạn có điểm trung bình môn toán: (9,7 + 9,0 + 8,9 × 2)/4 = 9,1; ĐTB môn hóa: (8,4 + 8,0 + 8,3 × 2)/4 = 8,25; điểm trung bình môn sinh: (8,0 + 8,4 + 8,0 × 2)/4 = 8,1. Như vậy, điểm học tập khối B sẽ là: 9,1 + 8,3 + 8,1 = 25,5 điểm. Còn vài yếu tố nữa ảnh hưởng nhưng điểm thi của bạn sẽ dao động từ 24,5 đến 26,5. Đối chiếu với kết quả tuyển sinh năm 2017, giấc mơ chọn học khối B để trở thành bác sĩ của bạn đang gặp thử thách.
Câu “trèo cao té đau” có thể áp dụng vào trong việc chọn khối thi. Thế nhưng, như đã nói, chọn khối thi chưa phải là chọn nghề. Vậy nên, sau khi đã xác định được sở thích và khả năng, bạn cũng nên có sự mạnh dạn chọn khối thi phù hợp. Ví dụ chọn thi khối B, nếu không lọt vào bác sĩ đa khoa thì học ngành bác sĩ dự phòng, y học cổ truyền (cũng là ngành y) hay chuyển sang các ngành khác như công nghệ sinh học, cũng đang là ngành học được nhiều bạn trẻ lựa chọn và có nhiều triển vọng tốt về tương lai nghề nghiệp.
Đan Duy