ClockThứ Năm, 20/08/2020 06:15

Còn cơ hội xét tuyển học bạ

TTH - Với lượng thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 ở mức tương đối cùng với những thay đổi trong chỉ tiêu xét tuyển năm nay, thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển học bạ hiện nay vẫn còn cơ hội, kể cả những thí sinh ở các vùng dịch.

Đại học Huế tuyển bổ sung hơn 1.900 chỉ tiêu tuyển theo phương thức xét học bạNhiều ngành thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển học bạĐiểm trúng tuyển Đại học Huế qua phương thức xét học bạ đợt 1: Từ 18 – 25 điểm

Bên cạnh hình thức nhập học trực tiếp, năm nay nhiều trường hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nhập học trực tuyến (Ảnh minh họa)

Nhiều ngành vẫn còn chỉ tiêu

Thống kê từ Hội đồng Tuyển sinh Đại học (ĐH) Huế cho thấy, đến ngày 14/8 (kết thúc thời gian xác nhận nhập học đợt 1 phương thức xét học bạ), lượng thí sinh xác nhận nhập học vào 97 ngành của các trường thành viên, đơn vị trực thuộc là 3.507/3.797 chỉ tiêu. Bên ngành nhiều ngành đạt và vượt chỉ tiêu như: Luật, Luật Kinh tế (Trường ĐH Luật); Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (Khoa Du lịch); Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nhật (Trường ĐH Ngoại ngữ)… thì vẫn còn khá nhiều ngành thiếu nhiều chỉ tiêu.

Trong 97 ngành xét tuyển theo phương thức xét học bạ đợt 1, các ngành còn thiếu nhiều chỉ tiêu là: Kỹ thuật điện (Khoa Kỹ thuật và Công nghệ); Sư phạm tiếng Pháp, Sư phạm tiếng Trung Quốc (Trường ĐH Ngoại ngữ); Sinh học ứng dụng, Kỹ thuật trắc địa - bản đồ, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Lâm học (Trường ĐH Nông lâm); Giáo dục Công dân, Giáo dục Quốc phòng – An ninh, Hệ thống thông tin (Trường ĐH Sư phạm),  Toán ứng dụng, Triết học, Ngôn ngữ học, Xã hội học (Trường ĐH Khoa học)…

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, năm nay, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 khá lớn. Chỉ riêng số hồ sơ trúng tuyển đã có 5.457 hồ sơ/3.797 chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu xét số lượng xác nhận nhập học (3.507 thí sinh) trên số hồ sơ trúng tuyển thì chỉ đạt 64,27%, tức là có nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học.

Có khá nhiều lý giải cho vấn đề trên. Theo đại diện các trường, tuyển sinh năm nay có nhiều thay đổi, cụ thể là các đơn vị đào tạo mở ra nhiều phương thức xét tuyển hơn. Bên cạnh đó, thí sinh chờ vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2020 để tính toán khả năng trúng tuyển.

Việc thiếu chỉ tiêu xét tuyển của nhiều ngành nghề, cùng với những thay đổi trong mùa tuyển sinh năm nay khiến ĐH Huế và các cơ sở đào tạo thành viên, trực thuộc thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1. Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế đã thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển với 1.908 chỉ tiêu của 93 ngành ở 8 cơ sở đào tạo thành viên và trực thuộc ĐH Huế. PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết, nhà trường tuyển bổ sung 395 chỉ tiêu của 25 ngành. Việc tuyển bổ sung để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, song không “hạ sàn” mà tuân thủ quy định đảm bảo chất lượng.

Thí sinh từ vùng dịch có thể cân nhắc

Điều kiện xét tuyển các trường ĐH thành viên, khoa thuộc ĐH Huế và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị sử dụng kết quả học tập các môn trong tổ hợp môn xét tuyển ở cấp THPT của 2 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12 để xét tuyển. Điều kiện xét tuyển là tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải từ 18 điểm trở lên (chưa nhân hệ số và chưa cộng điểm ưu tiên).

Riêng các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên thì điều kiện xét tuyển là học sinh đã tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên và tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải từ 24 điểm trở lên (chưa nhân hệ số và chưa cộng điểm ưu tiên).

Theo đại diện Trường ĐH Nông lâm, mỗi phương thức đều xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đủ cơ sở để đào tạo và dù bất kỳ phương thức xét tuyển nào, thí sinh đều được bố trí học cùng chương trình và điều kiện học tập giống nhau, vì vậy, việc đăng ký xét tuyển theo phương thức nào tùy thuộc vào lựa chọn của thí sinh.

So với đợt 1, hiện, nhiều thí sinh trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có thể biết được kết quả thi của mình sau khi tra cứu phần giải đề. Đó cũng là cơ sở để thí sinh rà soát, tính toán lại và cân nhắc lựa chọn phương án xét tuyển, kể cả phương thức xét học bạ.

Đối với các thí sinh vùng dịch, chưa thể thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt ngày 8 – 10/8, cũng có thể nghiên cứu đến phương thức xét học bạ. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, thời gian qua đã có nhiều thí sinh từ vùng dịch hỏi đến việc xét tuyển học bạ. Theo nguyên tắc, dù đăng ký xét tuyển học bạ, thí sinh cũng cần phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp, nhưng để an tâm hơn khi kết quả học tập cấp THPT tốt, thí sinh từ vùng dịch cũng có thể cân nhắc lựa chọn phương thức xét học bạ, thông qua đăng ký hồ sơ xét tuyển trực tuyến.

Hiện, thời gian xét học bạ đợt bổ sung vẫn còn khá dài (đến 17 giờ ngày 30/8). Theo các chuyên gia giáo dục, thí sinh nên tận dụng thời gian trên để cân nhắc, lựa chọn cơ hội cho việc học sắp tới.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TƯƠNG LAI NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐÔNG NAM Á:
Động lực tài chính đang gia tăng

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao và sự tập trung vào năng lượng tái tạo ngày càng lớn để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Đông Nam Á - vùng đất sở hữu nhiều ánh nắng mặt trời và những tiến bộ trong công nghệ năng lượng mặt trời - sẽ mang đến cơ hội đáng kể cho hoạt động tài trợ năng lượng tái tạo.

Động lực tài chính đang gia tăng
Nâng tầm sản phẩm địa phương, tăng cơ hội xúc tiến thương mại

Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp (DN) Thái Lan ở quy mô lớn, những hoạt động xúc tiến xúc thương mại quy mô nhỏ với một vài đối tác cũng góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng cho những hợp đồng thương mại lâu dài.

Nâng tầm sản phẩm địa phương, tăng cơ hội xúc tiến thương mại
THỊ TRƯỜNG GIÁO DỤC ASEAN:
Xu hướng và cơ hội đầu tư

Trong bối cảnh Đông Nam Á đang tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội, vai trò của giáo dục trong việc bồi dưỡng lực lượng lao động có kỹ năng chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Giáo dục - với tư cách là động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh tế và tính di động xã hội, đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi này. Các chính phủ trên khắp khu vực đang thực hiện các cải cách đầy tham vọng và tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục chất lượng ở mọi cấp độ, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học.

Xu hướng và cơ hội đầu tư
Return to top