PGS. TS. Nguyễn Quang Linh
Nhìn chung, tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2017 phạm vi toàn quốc thành công. Nói như vậy vì năm nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD & ĐT) đã tạo ra một diễn đàn tuyển sinh chung, có cơ sở dữ liệu chung; các trường đại học, cao đẳng căn cứ vào kết quả kỳ thi phổ thông quốc gia để xét tuyển là rất thuận lợi. Điểm xét tuyển vào các trường có chung một đầu mối của Bộ. Đồng thời, xét tuyển năm nay chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng trong “n” nguyện vọng. ĐHH và nhiều trường không những tuyển đủ trong đợt 1 mà còn có số lượng thí sinh trúng tuyển vào các ngành học cao hơn so chỉ tiêu Bộ giao.
Tổng số thí sinh trúng tuyển vào ĐHH trong đợt 1 đạt 104,2%. Đến ngày 7/8, tỷ lệ nhập học trong toàn ĐHH đạt 77%, thuộc top cao trong các trường ĐH trên toàn quốc. Dự kiến, ĐHH sẽ tuyển được khoảng 80% trong đợt 1 (so với năm 2016 tỉ lệ này chỉ là 70%).
Xu hướng chung của giáo dục đại học trong tương lai là “mở” đầu vào, nhiều nước cũng thực hiện phương thức này. Đầu vào dễ và mở để thí sinh được quyền lựa chọn học các trường tùy theo trình độ, năng lực và điều kiện của mình. Nhưng để có chất lượng giáo dục đại học cao đòi hỏi các trường đại học trong quá trình đào tạo phải sàng lọc và tỉ lệ sàng lọc tốt, chất lượng giáo dục đại học càng được nâng lên.
Ông đánh giá thế nào về điểm chuẩn vào các ngành của ĐHH năm nay?
Đại học Huế, có nhiều ngành với điểm chuẩn cao hơn những năm trước từ 1,5 - 2 điểm, như các ngành thuộc y dược, luật, du lịch.
Một số ngành truyền thống khác: chăn nuôi, thú y, công nghệ thông tin, giáo dục mầm non và các ngành như công nghệ thực phẩm, báo chí, công tác xã hội có thể xét tuyển thí sinh có điểm trúng tuyển cao nhưng vẫn xét trúng tuyển với mức điểm sàn để lấy bù cho ngành khác có tỷ lệ trúng tuyển thấp. Điều này dẫn đến bất cập là việc lựa chọn sinh viên cho ngành truyền thống tốt đó sẽ không chọn được sinh viên có đầu vào cao.
Chất lượng sinh viên ra trường tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong quá trình đào tạo. Ảnh: Phan Thành
Bất cập khác là khi tuyển đủ cho cả trường thì sẽ nâng số lượng sinh viên ngành ấy lên và quá trình đào tạo sau này phải sàng lọc nhiều hơn, đơn vị đó phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn. Một số ngành mới nhưng nhu cầu xã hội cao, sinh viên nhập học đông, điều này dẫn đến áp lực cho giảng viên.
Đối với những ngành điểm trúng tuyển chỉ ở mức ngang sàn và trên sàn, ĐHH có hướng đào tạo thế nào để sinh viên ra trường đạt chuẩn đầu ra tốt?
Chất lượng sinh viên ra trường tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong quá trình đào tạo. Đầu vào là một yếu tố quan trọng nhưng không phải quyết định tất cả. Tại sao nhiều trường đại học ở nước ngoài không thi đầu vào nhưng chất lượng sinh viên ra trường vẫn rất tốt? Vì trong quá trình đào tạo họ sàng lọc rất tốt. Đối những ngành tuyển ngang điểm sàn, ĐHH sẽ tăng kiểm soát kiểm định, giám sát để quy trình đào tạo chặt chẽ hơn và sàng lọc tốt hơn. Như vậy chất lượng sinh viên đầu ra sẽ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Năm nay tình hình tuyển sinh các ngành năng khiếu có khả quan hơn những năm trước không, thưa ông?
Riêng các trường, ngành năng khiếu: Nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Phân hiệu ĐHH vẫn khó khăn trong tuyển sinh từ 2015 đến nay, nhất là các ngành nghệ thuật. Bên cạnh đó, những ngành khoa học cơ bản, một số ngành khoa học xã hội nhân văn và cả một số ngành sư phạm cũng trong tình trạng khó tuyển. Riêng ngành Kiến trúc của Trường đại học Khoa học, ngành Sư phạm Mầm non của Trường đại học Sư phạm, nhu cầu xã hội lớn, tỉ lệ thí sinh đăng ký nhập học cao. Điều này cho thấy, có lẽ nhu cầu xã hội về một số ngành năng khiếu giảm và ĐHH cần phải xem xét lại cơ cấu ngành nghề. Để đánh giá toàn diện, chúng ta phải có khảo sát tốt và đầy đủ về nhu cầu xã hội, nguồn nhân lực phát triển của các ngành, năng lực đào tạo của các trường cũng như việc chuyển đổi ngành nghề hay định hướng nghề của thanh niên và tuổi trẻ.
Để có chất lượng giáo dục đại học cao đòi hỏi các trường đại học trong quá trình đào tạo phải sàng lọc và tỉ lệ sàng lọc tốt. Ảnh: Phan Thành
ĐHH có tính đến phương án dừng đào tạo đối với những ngành khó tuyển trong nhiều năm liền?
Có chứ. Các ngành 3 năm trở lại đây không tuyển được hoặc ít sinh viên như như ngành Điêu khắc, Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHH sẽ xem xét về nhu cầu xã hội có nữa hay không, hoặc Nhà nước có tiếp tục đầu tư đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực cho xã hội? Một vấn đề khác là đối với những ngành khó tuyển, ĐHH áp dụng hình thức xét tuyển căn cứ vào học bạ nhưng tỷ lệ thí sinh xác nhận học trên cũng rất thấp. Dường như nhu cầu xã hội với những ngành này không còn và nếu nhu cầu xã hội không còn thì ĐHH sẽ không đào tạo nữa bởi nếu cố gắng đào tạo thì sẽ rất thua lỗ và sẽ không tự chủ đại học được theo chủ trương của Chính phủ hiện nay.
Mặc dù ĐHH là cơ sở giáo dục đại học uy tín ở miền Trung - Tây Nguyên nhưng nhiều người vẫn chọn học Đại học Đà Nẵng thay vì ĐHH. Nhiều ý kiến cho rằng vị thế của ĐHH đang chững lại? Ông đánh giá thế nào về điều này và theo ông, ĐHH cần làm gì để thu hút thí sinh cũng như giữ được vị thế của mình trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay?
Huế được xem là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo tốt và có truyền thống hơn Đà Nẵng nhưng nếu truyền thống này cứ giữ mãi mà không thay đổi môi trường học tập, môi trường giáo dục đào tạo và nhất là môi trường tiếp cận nghề nghiệp thì dần dần, người học sẽ tìm đến những nơi khác có môi trường tiếp cận nghề nghiệp tốt hơn. Cho dù Huế có lợi thế về đội ngũ giảng viên, học ở Huế chi phí thấp hơn và môi trường tự nhiên, văn hóa, an ninh Huế tốt hơn những nơi khác nhưng bản thân người học sẵn sàng chấp nhận môi trường văn hóa, tự nhiên không tốt và chi phí học tập cao hơn nhưng môi trường tiếp cận nghề nghiệp tốt hơn, để đến học.
Lâu nay, có thể nói Đà Nẵng áp đảo Thừa Thiên Huế về thông tin đại chúng, ở chỗ môi trường kinh tế năng động “thành phố đáng sống”. Do vậy, nhiều thanh niên, học sinh từ Hà Nội vẫn chọn Đà Nẵng để học đại học. Không so sánh được ở đâu có giáo dục tốt hơn nhưng rõ ràng, môi trường tiếp cận nghề nghiệp Đà Nẵng tốt hơn Huế nên hấp dẫn người học hơn. Do vậy, không riêng chỉ ĐHH, mà tỉnh Thừa Thiên Huế phải tăng cường thông tin đại chúng để cả nước biết rằng, Huế là nơi thực sự an toàn, môi trường văn hóa, an ninh tốt và đầu tư chi phí học tập thấp hơn nhưng chất lượng vẫn duy trì rất tốt.
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn FDI ở các địa phương phía Nam đánh giá cao sinh viên Huế về đức tính cần cù, chịu khó, năng động và có tay nghề tốt. Bản thân ĐHH cũng phải luôn cải tiến chất lượng đào tạo, mở ra các điểm tư vấn khoa học công nghệ, nghề nghiệp không chỉ ở Huế mà nhiều nơi khác nhau trong cả nước. Bên cạnh đó, phải nuôi dưỡng hoài bão trong thế hệ trẻ, các trường phải đào tạo theo hướng phát huy tư duy của sinh viên để không lãng phí trí tuệ của những sinh viên top trên và có khả năng khởi nghiệp khi ra trường. Ngoài ra, ĐHH không chỉ cạnh tranh với Đại học Đà Nẵng mà phải là cả nước, cạnh tranh thông qua thương hiệu các ngành đào tạo được nâng lên…
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ngọc Hà (thực hiện)