Trong khi điểm chuẩn của nhiều trường ĐH tốp đầu, nhiều ngành tăng mạnh thì năm nay, điểm chuẩn của mốt số trường sư phạm lại rất thấp. Một số trường lấy điểm chuẩn rất thấp chỉ bằng điểm sàn ĐH (15,5 điểm).
Không chỉ trường ĐH Sư phạm lấy điểm thấp mà Hệ Cao đẳng (CĐ) thông báo lấy thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn thi khiến nhiều người lo ngại chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Đội ngũ giáo viên quyết định rất lớn đến chất lượng giáo dục (ảnh minh họa)
Việt Nam đang thực hiện đổi mới giáo dục nên trình độ, chất lượng đào tạo của đội ngũ giáo viên có vai trò hết sức quan trọng. Với mức điểm đầu vào thấp như vậy, nhiều ý kiến cho rằng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên trong tương lai gần.
Tiến sĩ (TS) Giáp Văn Dương, người sáng lập và đang điều hành cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà giúp người học tiếp cận với những tri thức tiên tiến, mới mẻ trên thế giới nêu quan điểm: Nếu các trường sư phạm cứ chạy theo thành tích tuyển sinh, hạ điểm chuẩn miễn sao đủ chỉ tiêu, thì không chỉ tạo ra những lứa giáo viên kém chất lượng, gây ảnh hưởng kéo dài hàng chục năm, mà còn tiếp tay cho tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” mà xã hội đang kêu ca.
Các trường sư phạm phải có sự dũng cảm, không đánh đổi chất lượng với số lượng, không tuyển người có năng lực học tập quá yếu vào trường để sau này đi dạy học.
“Nếu không thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, nếu nhà giáo không sống được bằng lương, thì mọi cải cách giáo dục trước sau gì cũng sẽ thất bại”- TS Giáp Văn Dương nhấn mạnh.
Không nên tuyển sinh dưới mức điểm sàn
Trước vấn đề siết chặt nguồn tuyển sinh vào các trường sư phạm, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm cho rằng, mặc dù Bộ GD-ĐT đã bỏ điểm sàn hệ CĐ nhưng để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh “đầu vào”, các trường ĐH Sư phạm phải lấy điểm chuẩn trên mức điểm sàn.
Luật Giáo dục ĐH đã cho phép các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, vì chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai và vì uy tín đào tạo, các trường ĐH Sư phạm cần phải cân nhắc kỹ khi lấy thí sinh dưới mức điểm sàn.
Chỉ với 3 điểm/môn, thí sinh có thể vào học tại trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh
GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý, năm 2016, nước ta có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đây là hệ lụy việc buông lỏng quản lý “đầu vào” nên mới có thực trạng nhiều trường ĐH tuyển sinh bằng mọi giá để có thể tồn tại. Nếu bây giờ các trường ĐH Sư phạm lấy điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn thì chất lượng đào tạo giáo viên sẽ xuống dốc.
Nước Mỹ có nền giáo dục phát triển được định hình rất rõ. Sau khi học hết THPT, ngành giáo dục nước này phân chia rõ những học sinh nào sẽ vào học hệ Cao đẳng, ĐH.
Còn ở nước Anh, mỗi năm đều tổ chức một kỳ thi THPT Quốc gia chung. Kết quả điểm thi được phân rõ trình độ của từng thí sinh sẽ được chia vào học theo từng loại trường ĐH phù hợp.
Dù không công bố điểm sàn nhưng với những hình thức trên cũng được coi là có một ngưỡng đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh “đầu vào”.
Từ mô hình của các nước có nền kinh tế và giáo dục phát triển, chúng ta cần phải tính toán kỹ, siết chặt nguồn tuyển sinh vào các trường ĐH, chứ không phải là tuyển sinh bằng mọi giá, kể cả lấy điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn./.
Theo VOV