ClockThứ Năm, 06/10/2022 06:30

Khả năng nhiều ngành không tuyển sinh đủ chỉ tiêu

TTH - Tuyển sinh năm 2022 có nhiều biến động. Mặc dù trải qua 2 đợt tuyển sinh, nhưng khả năng vẫn sẽ có những ngành thiếu chỉ tiêu và khó tuyển bổ sung do cạn nguồn tuyển.

Tuyển sinh đại học 2022: Cân nhắc để không ‘sập bẫy’ điểm sànĐiểm chuẩn đợt tuyển bổ sung của Đại học Huế cao nhất 26 điểm

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Sư phạm

Khó đủ chỉ tiêu tất cả ngành

Trải qua tuyển sinh đợt 1 và thời gian thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1, TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học (ĐH) Huế cho biết, có hơn 11.000 thí sinh trúng tuyển nhập học và gần 2.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đợt bổ sung. Nếu xét về tổng chỉ tiêu, lượng thí sinh trúng tuyển đợt 1 và bổ sung đợt 1 cơ bản đáp ứng được, nhưng ở từng đơn vị, sẽ có nhiều ngành thiếu chỉ tiêu so với đề án tuyển sinh.

Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, phải đợi sau khi công bố kết quả tuyển sinh đợt bổ sung và thí sinh làm thủ tục nhập học mới xác định được tỷ lệ tuyển sinh cụ thể. Song, qua tính toán, nhiều khả năng tuyển sinh năm nay vẫn sẽ có những ngành không đủ chỉ tiêu, trong đó có một số ngành thuộc nhóm nông - lâm - ngư, các ngành khoa học cơ bản, một số ngành tuyển sinh năng khiếu tại Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Nghệ thuật và các ngành đào tạo tại Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị.

Bức tranh chung các ngành sư phạm năm nay tuy có “sức hút” lớn, nhưng một số ngành có liên quan về năng khiếu vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Theo đại diện Khoa Giáo dục mầm non, ngành giáo dục mầm non năm nay có 603 chỉ tiêu nhưng mới tuyển được khoảng 1/4 so với chỉ tiêu, ngành sư phạm âm nhạc 69 chỉ tiêu nhưng cũng mới tuyển được khoảng 1/3.

Năm nay, với những biến động trong tuyển sinh, rất nhiều cơ sở giáo dục ĐH trong toàn quốc phải tuyển bổ sung. Tính đến ngày 30/9, đã có hơn 100 trường ĐH trong cả nước thông báo xét tuyển bổ sung ở nhiều ngành đào tạo, với số lượng từ vài chục đến vài trăm chỉ tiêu; điểm sàn xét tuyển từ 14 đến hơn 28 điểm. Trong đó, năm nay, nhiều trường ĐH khối ngành sức khỏe cũng phải xét tuyển bổ sung. Riêng tại ĐH Huế, kỳ tuyển bổ sung đợt 1 cũng tuyển thêm 3.028 chỉ tiêu (hơn 90 ngành, chương trình đào tạo) của các phương thức từ 12 trường thành viên và đơn vị đào tạo thuộc, trực thuộc ĐH Huế, trong đó có 1.853 chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 1.096 chỉ tiêu phương thức xét học bạ và 79 chỉ tiêu theo phương thức riêng. Những đơn vị có chỉ tiêu tuyển bổ sung đợt 1 khá cao là Trường ĐH Ngoại ngữ có 302 chỉ tiêu, Trường ĐH Nông Lâm 595 chỉ tiêu, Trường ĐH Sư phạm 684 chỉ tiêu, Trường ĐH Khoa học 521 chỉ tiêu. Ngay cả Trường ĐH Y - Dược cũng tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu… Tuy nhiên, theo đại diện ĐH Huế, tình hình chung và kinh nghiệm các năm đều cho thấy, rất khó để tuyển đủ 100% chỉ tiêu.

Lo nguồn tuyển đã cạn

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 10 đến 12/2022, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học trên hệ thống. Trước ngày 31/12, cơ sở đào tạo phải báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2022 về Vụ Giáo dục ĐH. Trên thực tế, khả năng để tuyển bổ sung đợt tiếp theo là không dễ, do vừa qua rất nhiều đơn vị trong toàn quốc đã tuyển bổ sung và nỗi lo nguồn tuyển cũng đã cạn.

ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho rằng, qua nghiên cứu các năm gần đây cho thấy, sau đợt tuyển bổ sung đợt 1, nếu có thêm đợt tuyển bổ sung cũng rất khó tuyển thêm bởi nếu tuyển, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển còn lại cũng rất thấp.

TS. Nguyễn Công Hào cũng cho rằng, tuy phải đợi xem xét, đánh giá kết quả tổng thể về tuyển sinh, Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế mới đưa ra phương án có tuyển thêm ở những ngành còn thiếu chỉ tiêu hay không, tuy nhiên, dự báo cũng sẽ có ngành tuy còn thiếu chỉ tiêu nhưng không tuyển tiếp vì cạn nguồn tuyển.

Đối với tuyển sinh năng khiếu, theo TS. Nguyễn Tuấn Vĩnh, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, vừa qua nhà trường đã tiến hành khảo sát nhu cầu thi năng khiếu đợt 2 của thí sinh, từ đó đưa ra quyết định sẽ tổ chức đợt thi năng khiếu nữa, dự kiến vào giữa tháng 10. Đây cũng là cơ hội bổ sung cho các ngành còn thiếu chỉ tiêu và cho thí sinh có nhu cầu học hai ngành giáo dục mầm non, sư phạm âm nhạc.

Lãnh đạo nhiều đơn vị đào tạo ĐH cho biết, sau hai đợt tuyển sinh ở các phương thức, hiện nay sẽ tập trung hoàn thành công tác nhập học cho thí sinh và kế hoạch giảng dạy, đảm bảo kết thúc học kỳ 1 và cả năm học 2022 - 2023 đúng tiến độ.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam

Hồi 13 giờ ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới vào quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Dự báo, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam với gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam

TIN MỚI

Chuyên ngành quản trị marketing Đại học Duy Tân
Return to top