Theo đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu học nghề mỹ thuật kiến trúc
Phân luồng sau THCS trở thành vấn đề lớn trong hệ thống giáo dục nhiều năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề và trung cấp vẫn còn thấp. Lựa chọn nghề của học sinh vẫn theo tâm lý đám đông, chạy theo bằng cấp. Các em đều có xu thế hướng học lên THPT hoặc học hệ bổ túc, rồi tiến đến học đại học như một hướng đầu tư vào tương lai của mình. Trần Ngọc Minh, học sinh lớp 9 Trường THCS Hùng Vương, cho hay: Nếu không đậu vào các trường công lập, em sẽ học bổ túc, rồi tiếp tục thi đại học. Học nghề sau này làm công nhân vất vả, lương tiền thấp.
Hệ thống văn bản pháp quy khá đầy đủ, nhưng thực tế trong quá trình triển khai bộc lộ những bất cập khi thiếu chính sách khuyến khích học sinh THCS học nghề và khuyến khích các trường nghề tuyển học sinh THCS. Chế độ lương, đãi ngộ đối với những người tốt nghiệp trung cấp và học nghề còn nhiều bấp bênh. Quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu phân luồng học sinh...
Nhiều trường THCS thừa nhận, thực tế, công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường chưa hiệu quả. Mặc dù đã có đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp nhưng phần lớn giáo viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp là giáo viên kiêm nhiệm nên cách truyền đạt vẫn chưa thực sự thuyết phục.
Vấn đề mà nhiều người phân vân mỗi khi thực hiện công tác phân luồng học nghề sau khi học xong THCS, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường.
Nhà trường phải hướng dẫn để học sinh tìm hiểu, tham khảo nhiều kênh thông tin khác nhau về ngành, nghề đào tạo. Doanh nghiệp cũng cần cung cấp thông tin về nhu cầu lao động ngành nghề và có thể đặt hàng đào tạo, giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Phụ huynh cần quan tâm đến sức học, năng lực, sở trường và nguyện vọng của các em để định hướng chọn ngành, nghề phù hợp. Có như vậy, mới góp phần “khơi thông” những bất cập trong công tác phân luồng học sinh để kịp về đích như mục tiêu đã đề ra.
"Năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức thi kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 ở tất cả các trường trên địa bàn TP. Huế. Chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh được thực hiện trên cơ sở đảm bảo mục tiêu phân luồng sau tốt nghiệp THCS. Những học sinh đủ điều kiện đỗ vào các trường phổ thông sẽ tiếp tục học lớp 10 phổ thông theo đúng năng lực, số còn lại sở sẽ phối hợp với các trường dạy nghề để phân luồng học sinh", ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin. Đây được xem là một tín hiệu vui để giúp các em chọn nghề phù hợp với năng lực, tránh lãng phí nguồn lao động có chất lượng.
Bài, ảnh: THU HUẾ