ClockThứ Ba, 27/06/2017 14:19

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Đổi mới tuyển sinh đã đi đúng hướng

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã chính thức khép lại với nhiều điểm mới ấn tượng. Đây được coi là bước chuyển trong công tác dạy và học, đánh giá chất lượng giáo dục. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã đi đúng hướng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 trở nên nhẹ nhàng đối với thí sinh, ít tốn kém đối với gia đình và xã hội. Ảnh: Hải Nguyễn

Kỳ thi có nhiều điểm tích cực

Sau 3 ngày diễn ra (21-24.6), kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 khép lại với dư âm tốt về những đổi mới trong công tác thi cử. Theo đánh giá của PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam - kỳ thi đã có nhiều điểm tích cực so với các kỳ trước.

Trước hết phải kể đến năm 2017, lần đầu tiên tổ chức một loại cụm thi với 2 mục đích ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở GDĐT chủ trì cụm thi, các trường ĐH, CĐ tham gia phối hợp thực hiện công tác tổ chức. PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng giao cho Sở GDĐT các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức, từ huy động giám thị, cơ sở vật chất, tổ chức hội đồng thi, chấm thi, công bố kết quả thi, xét tốt nghiệp... là hợp lý, đúng chức năng.

“Kỳ thi năm nay trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh (TS) và xã hội khi không còn cảnh TS và người nhà khăn gói lên thành phố lớn, vất vả trong mấy ngày thi; tình trạng ách tắc trong những ngày diễn ra kỳ thi không còn” - PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Mặt khác, với phương thức điểm mới tổ chức thi 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp KHTN (vật lý, hóa học, sinh học), KHXH (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đã đặt ra yêu cầu TS học đều chương trình, tránh học tủ, học lệch. Hiện tượng TS quay lưng với môn KHXH cải thiện rõ rệt. Thống kê cho thấy, tỉ lệ TS đăng ký bài thi KHXH tăng cao, chiếm hơn 50% tổng số TS đăng ký dự thi. Đặc biệt có 514.084 (59,32%) TS đăng ký thi môn lịch sử (từ năm 2016 trở về trước chỉ có chưa đến 15% TS đăng ký môn này).

Nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm, mỗi TS trong cùng một phòng thi có một mã đề riêng nên số TS vi phạm quy chế giảm nhiều. Trong cả đợt thi chỉ có 72 TS bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 TS bị đình chỉ thi), 2 cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.

Ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - nhận định: “Qua đợt kiểm tra mà cá nhân tôi cùng đoàn của bộ đi trực tiếp và qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp, tôi đánh giá đây là kỳ thi yên ả. Về độ tin cậy của kỳ thi, chúng ta có giải pháp kỹ thuật là đề thi trắc nghiệm và mỗi đề có nhiều mã khác nhau. Cán bộ ĐH giám sát. Các cán bộ coi thi đều nói rằng kỳ thi diễn ra nghiêm túc, ít có hiện tượng TS mang tài liệu vào phòng thi. Việc TS bị kỷ luật ít đã phản ánh đúng thực tế”.

Bên cạnh những mặt tích cực, phải kể đến hạn chế cần khắc phục của kỳ thi như việc phải đính chính 7 mã đề môn thi vật lý, thời gian bố trí bài thi tổ hợp chưa hợp lý khiến TS, giám thị mệt mỏi.

Các thí sinh làm thủ tục tại điểm thi Trường Marie Curie. Ảnh: Hải Nguyễn

Đổi mới tuyển sinh đã đi đúng hướng?

Với việc mỗi TS trong phòng thi có một mã đề thi riêng, dư luận cho rằng các mã đề thi không thực sự có độ khó tương đương gây thiệt thòi cho một số TS, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT - khẳng định, đó chỉ là những cảm nhận chủ quan. Theo lý thuyết khảo thí hiện đại của khoa học đo lường đánh giá, người ta tính được độ khó của cả bài thi, có thể so sánh được các bài thi đó với nhau. Nhưng chỉ khi phân tích điểm trung bình của các mã đề thi này mới chứng minh được các đề này có độ khó dễ như thế nào.

Bên cạnh đó, các đề thi trắc nghiệm khách quan có 24 mã đề thi được xây dựng từ 4 mã đề gốc, các câu đảo theo cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Mỗi cấp độ được xem là một khối. Vị trí các câu hỏi chỉ đảo trong một khối. “Như vậy, đảm bảo không có độ vênh nhau giữa các đề” - TS Sái Công Hồng nói.

Về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được đánh giá là tổ chức thành công khẳng định khâu đổi mới trong thi cử, tuyển sinh đã đi đúng hướng; những mục tiêu đổi mới thi cử về cơ bản đã đạt được. Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã và đang đi đúng hướng, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra”.

Với những kết quả đạt được từ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khẳng định, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới.

Năm 2018, các trường sẽ tự quyết định điểm sàn

Theo kế hoạch, ngày 25.6, bắt đầu công tác triển khai chấm thi cho kỳ thi tại các Hội đồng thi. Ngày 7.7, các Hội đồng thi sẽ công bố kết quả bài thi của TS. Sau khi có kết quả các bài thi, chậm nhất đến ngày 14.7, có xét công nhận tốt nghiệp THPT và giấy chứng nhận kết quả thi. Chậm nhất là ngày 17.7, các TS sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - cả nước có khoảng 866.000 TS dự thi THPT quốc gia, chỉ có gần 73,9% TS có nguyện vọng xét tuyển ĐH. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Sau khi có kết quả thi, TS được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, còn các trường không được điều chỉnh thông tin xét tuyển đã công bố.

Bà Phụng cho rằng, hầu hết các trường sẽ được xét tuyển ở đợt 1, vì vậy các đợt xét tuyển bổ sung sẽ không quá nặng nề. “Vì TS chỉ được trúng 1 nguyện vọng nên chắc chắn năm nay tỉ lệ ảo sẽ không lớn, vì thế các trường không thể áp dụng kinh nghiệm của các năm trước để gọi quá nhiều TS. Nếu trường nào vượt tuyển chỉ tiêu sẽ bị xử lý mạnh tay” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói.

Trong quy chế tuyển sinh hiện nay, các quy định về điểm sàn áp dụng trong năm 2017, còn từ năm 2018 các trường tự xác định điểm sàn.

Bà Phụng nêu ra điều kiện bổ sung các trường cần thực hiện để có thể tự quy định mức sàn: Các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ hoàn chỉnh, trong đó, thực hiện những quy định về công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường; công khai tỉ lệ việc làm của sinh viên về từng ngành đào tạo tốt nghiệp trong hai năm gần nhất; công khai tỉ suất đầu tư để bảo đảm đào tạo sinh viên trong một năm học.

Theo Lao động

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị trước kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình mới

Bắt đầu từ năm 2025, các em học sinh cuối cấp trung học phổ thông (THPT) sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Việc thay đổi hình thức ra đề thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp với chương trình giáo dục mới đang được các nhà trường, thầy cô giáo, học sinh và xã hội đặc biệt quan tâm.

Chuẩn bị trước kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình mới
NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
HỘI NGHỊ CẤP CAO TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI (WMS) LẦN THỨ SÁU:
Hướng đến đổi mới, đoàn kết xây dựng tương lai chung

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Truyền thông thế giới (WMS) lần thứ sáu đang diễn ra, các chuyên gia truyền thông từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia vào các cuộc thảo luận sôi nổi, đưa ra những hiểu biết sâu sắc về các cơ hội mới nổi, cùng nhau điều hướng giải quyết nhiều thách thức cấp bách và khám phá những hướng đi mới cho tiến trình cộng tác.

Hướng đến đổi mới, đoàn kết xây dựng tương lai chung
Return to top