ClockThứ Tư, 13/06/2018 14:03

Lo thí sinh “ảo”

TTH - Mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng và có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia. Điều này khiến các trường lo ngại về khả năng thí sinh “ảo”.

Tuyển sinh trung cấp, cao đẳng: Vẫn sẽ chật vật?Tổ chức ngày hội tuyển sinh, tuyển dụng lao độngVẫn cộng điểm thi nghề phổ thông trong tuyển sinh năm 2018-2019Tuyển sinh Đại học Huế 2018: Nhiều điểm mớiĐiểm ưu tiên tuyển sinh đại học sẽ được điều chỉnh giảm

Thí sinh nhập học vào Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế năm 2017

Nguy cơ cao

Kết quả dữ liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sau đợt thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học (ĐH) cho thấy, tỷ lệ thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng trong mùa tuyển sinh năm nay vẫn lớn, thậm chí có nhiều trường hợp đăng ký hơn 10 nguyện vọng. PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế đánh giá, từ nguyện vọng 3 trở đi, khả năng nhập học của thí sinh rất thấp, nguy cơ thí sinh “ảo” sẽ cao. Đây tiếp tục là nỗi lo của các trường ĐH trên toàn quốc nói chung và ĐH Huế nói riêng.

Theo đại diện các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế, qua kết quả khảo sát ban đầu từ đợt đăng ký xét tuyển của thí sinh, đa phần đều đạt chỉ tiêu tuyển sinh đặt ra song điều này chưa làm các trường yên tâm. Điển hình như Khoa Du lịch - ĐH Huế có lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển lớn (tổng số nguyện vọng là hơn 7.700 thí sinh trong tổng số 1.050 chỉ tiêu) nhưng Khoa vẫn lo thí sinh “ảo”. PGS. TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch nêu ví dụ: “Năm 2017, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào khoa cũng lớn. Khoa đã lấy 125% thí sinh so với chỉ tiêu, song thực tế thí sinh chỉ nhập học 85%, tức là “ảo” đến 40%. Năm nay, dù tình hình thí sinh đăng ký khá cao, ngay nguyện vọng 1 đã vượt chỉ tiêu nhưng vẫn khó xác định được tỷ lệ chắc chắn thí sinh sẽ xác nhận nhập học. Trong khi đó khoa không được phép lấy số lượng quá cao, như thế sẽ trái quy định của Bộ GD&ĐT”.

Tại những trường có lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 thấp hoặc dao động quanh mức chỉ tiêu (cao hơn không nhiều so với chỉ tiêu), nỗi lo thí sinh “ảo” càng lớn. Ths. Trần Võ Văn May, Thường trực Ban Tư vấn quảng bá tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm chia sẻ, khi có kết quả thi THPT Quốc gia, thí sinh thường sẽ có sự điều chỉnh nên rất khó xác định được mức độ “ảo”. Không ít trường hợp khi có kết quả điểm thì chuyển sang học nghề, đi lao động hoặc đi học các trường ngoài công lập. Nỗi lo thí sinh "ảo" là vấn đề rất khó giải quyết và là trăn trở của hầu hết các trường.

Nhiều giải pháp

PGS. TS. Huỳnh Văn Chương chia sẻ, hiện nay ĐH Huế đang phối hợp với nhóm các trường phía Nam để tiến hành "lọc ảo". Quy trình "lọc ảo" có phần mềm, được thực hiện kỹ, phối hợp chặt chẽ giữa các trường nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, ngay sau khi thí sinh thi THPT Quốc gia, ĐH Huế sẽ đưa ra các chiến lược, giải pháp tiếp theo để thu hút thí sinh, có thể là đợt quảng bá tuyển sinh theo hình thức khác. “Hiện, ĐH Huế đã làm việc với ngành bưu chính về vấn đề gửi thư bảo đảm. Đây là giải pháp lần đầu ĐH Huế áp dụng nhằm gửi các giấy tờ liên quan đến thí sinh nhanh và tránh thất lạc. ĐH Huế phối hợp các đơn vị giáo dục thành viên để có các giải pháp giúp thí sinh hoàn thành các thủ tục nhập học nhanh, như qua online với mong muốn thu hút thí sinh nhanh nhất. Riêng về nhóm ngành năng khiếu khó tuyển, ĐH Huế đã liên lạc với từng thí sinh theo hồ sơ đăng ký để xác định khả năng chọn ngành, chọn trường của các em để có giải pháp quảng bá tuyển sinh tiếp theo”, ông Chương nói.

Các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế tiếp tục triển khai quảng bá tuyển sinh qua hình thức trực tuyến, trong đó chú trọng kênh mạng xã hội facebook. Ngoài ra, các đơn vị cũng đang đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh, trả lời các thắc mắc của thí sinh và người nhà qua nhiều kênh khác nhau nhằm mang lại những thông tin hữu ích cho sĩ tử, qua đó thu hút họ chọn lựa các ngành học của đơn vị mình.

Đại diện cán bộ tuyển sinh ở một số trường thành viên ĐH Huế cho biết, sau kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, sẽ có các đợt quảng bá tiếp theo. Nội dung quảng bá tập trung vào nhóm thông tin tỷ lệ việc làm, cơ hội học tập và làm việc tại nước ngoài, các chính sách ưu đãi, học bổng cho thí sinh.

Một số trường còn tranh thủ nguồn lực đoàn viên, sinh viên làm tình nguyện viên các kỳ thi để hỗ trợ thông tin, tư vấn quảng bá nhằm đưa các thông tin tuyển sinh đến thí sinh và thu hút thêm người học.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Ngày 13/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Return to top