ClockThứ Hai, 16/09/2019 16:47

Mở thêm ngành mới: Mừng & lo

TTH.VN - Mở ngành mới là để đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động cũng như mở rộng quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục. Nhưng, mở ra mà khó thu hút người học, nỗi lo không chỉ là “gánh nặng” tuyển sinh mà còn là áp lực thương hiệu.

Cạn nguồn, khó tuyển bổ sungĐại học Huế tuyển bổ sung đợt 2 hơn 800 chỉ tiêuQuá kém mới rớt đại học?!!

Thí sinh tìm hiểu các ngành mới mở năm 2019

Mùa tuyển sinh 2019 dần khép, câu chuyện gần 20 ngành mới được mở ra là chủ đề được nhắc đến.

Nhìn vào số liệu tuyển sinh 2019, khá nhiều điều cần trăn trở về chuyện mở ngành mới. Trên thực tế, nhiều ngành mới mở của Đại học (ĐH) Huế có điểm chuẩn không cao, thậm chí đa phần các ngành mới tại Trường ĐH Khoa học ở mức dưới 15 điểm. Riêng các ngành tại Trường ĐH Sư phạm, dù mức điểm chuẩn lên đến 18, nhưng thực ra đó cũng chỉ ngang sàn theo quy định riêng khối ngành đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một minh chứng khác, các ngành du lịch thời gian qua có sức hút với thí sinh và Khoa Du lịch vừa mới mở ngành du lịch điện tử năm 2019, thế nhưng ngành học này lại có mức điểm chuẩn thấp nhất khoa, ở mức 15,5 điểm, chứng tỏ thí sinh chưa thực sự mặn mà.

Điểm chuẩn chỉ là một vấn đề. Trên thực tế, rất nhiều ngành mới mở đã tuyển sinh khó khăn. Theo chia sẻ của các trường, đa phần các ngành mới năm nay vẫn chưa tuyển đủ 100% chỉ tiêu, trung bình ở mức dưới 50%. Thậm chí, một số ngành như kỹ thuật sinh học, toán kinh tế, quy hoạch vùng và đô thị… chỉ có một vài thí sinh đăng ký xét tuyển.

Câu hỏi đặt ra là tại sao mở ngành mới? Cơ sở nào để mở ngành mới? Trả lời câu hỏi này, đại diện các trường khẳng định để mở ngành mới, phải trải qua quy trình kỹ lưỡng, từ khoa lên trường đến ĐH Huế phê duyệt, thậm chí cần sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Muốn mở ngành, theo các trường không thể bỏ qua khâu khảo sát thị trường lao động và nhu cầu người học. Điều này đặt ra nghịch lý, tại sao có nhu cầu mà vẫn khó tuyển (?). Rõ ràng, câu trả lời đang còn bỏ ngỏ.

Một số ngành mới mở có lượng thí sinh xác nhận nhập học không nhiều

Không phủ nhận, khó khăn cho các ngành mới là việc quảng bá khó hơn, do người học đã có tâm lý chọn ngành từ sớm, tuy nhiên trong một số trường hợp, lý do này cũng không thực sự thuyết phục bởi thời gian mở ngành phải đảm bảo đúng quy trình, và các trường có một khoảng thời gian đến vài tháng trước kỳ thi THPT Quốc gia để giới thiệu đến thí sinh, vì thế không thể đổ lỗi hoàn toàn là do thí sinh chưa biết.

Khi tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, dư luận có quyền đánh giá. Trong bối cảnh hiện nay có nhiều ngành khó tuyển, việc bổ sung các ngành mới vào danh sách khó tuyển sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của một cơ sở giáo dục, bởi giống như phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế trong hội nghị triển khai năm học 2019 – 2020: “Không có số lượng, khó bàn đến chất lượng”.

Năm học 2019 - 2020, thông tin từ PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, hướng tuyển sinh có thể mở các ngành, chuyên ngành mới. Trong khi đó, theo phương án tái cấu trúc ngành nghề được ĐH Huế định hướng, lộ trình 2018 - 2021, ĐH Huế sẽ mở đến 50 ngành/chuyên ngành đào tạo mới, ngành thí điểm và dần ổn định lại các nhóm ngành đào tạo. Điều này vừa mang lại niềm vui, vừa để lại không ít nỗi lo. Mừng vì trong cơ cấu ngành nghề, thí sinh sẽ có đa dạng cơ hội lựa chọn ngành nghề, và trong số hơn 200 ngành học hiện nay của toàn quốc, ĐH Huế sẽ có khá đầy đủ ngành (trừ một số ngành khối công an, quân đội…), song lo là vì, nhiều ngành thì tuyển sinh sẽ không dễ dàng và bài toán mở rồi lại dừng tuyển có thể phải xảy ra, điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu.

Dư luận lo một, có thể cơ sở đào tạo sẽ sốt ruột đến mười, bởi thu hút tuyển sinh và giữ thương hiệu là vấn đề sống còn của đơn vị đào tạo. Và cũng bởi vậy, trước khi ngành mới được mở ra, từ khâu xây dựng đề án, thẩm định, xét duyệt phải được tính toán, nghiên cứu thật kỹ lưỡng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top