ClockThứ Sáu, 25/08/2017 06:35

Nên để các trường tự chủ tuyển sinh

Công tác tuyển sinh ĐH vốn kéo dài từ đầu năm đến cuối năm, được coi một trong những phần việc quan trọng nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Đến mức trong suốt nhiều năm liền, Bộ GD-ĐT gắn liền với cái tên "bộ thi".

Ảnh minh họa. Ảnh: Tuổi trẻ

Tuy nhiên, với kỳ thi THPT quốc gia năm nay, việc tuyển sinh ĐH, CĐ có vẻ như đã nhẹ nhàng hơn. Chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thừa nhận "Bộ GD-ĐT ngày xưa được mệnh danh là "bộ thi" thì đến năm nay đã bớt được cái tên này". Dù vậy, tổng kết kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, lãnh đạo nhiều trường ĐH lẫn các sở GD-ĐT đều bày tỏ không ít băn khoăn về cách tổ chức kỳ thi quốc gia cũng như việc xét tuyển ĐH.

Tại hội nghị triển khai năm học mới vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cho rằng có một số điểm kỹ thuật mà Bộ GD-ĐT nên lắng nghe, tiếp thu, cầu thị để chỉnh sửa cho kỳ thi năm sau. Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cũng đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo rút kinh nghiệm, phân tích những hạn chế tồn tại của kỳ thi THPT quốc gia để khắc phục. Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đề xuất trong kỳ thi 2018, Bộ GD-ĐT thay đổi đề thi môn tổ hợp, không chia thành từng môn trong bài thi tổ hợp nữa vì như vậy gây khó khăn trong công tác xét tuyển.

Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc lấy kết quả thi phổ thông xét vào ĐH khó chính xác vì bản chất của hai kỳ thi vốn không giống nhau. Do đó, nên để các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh. Đối với kỳ thi THPT quốc gia, hiện nay chúng ta đang nói kỳ thi này đáp ứng 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ nhưng thi phổ thông là để công nhận tốt nghiệp của học sinh sau 12 năm học, còn việc tuyển sinh là việc của các trường ĐH. Tùy theo yêu cầu, đặc thù của mình mà trường có cách tuyển phù hợp. "Chúng ta đang lấy phổ thông áp vào thi ĐH. Trong khi đó, tuyển sinh ĐH là tuyển những em có năng lực phù hợp nhất với từng ngành nghề" - ông Bình nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh kỳ thi năm tới sẽ cải tiến về kỹ thuật, tập trung vào khâu đề thi. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT làm việc với các trường, xem xét lại việc tổ chức các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với 3 môn thi riêng lẻ (vốn để phục vụ cho các trường tuyển sinh), tránh gây mệt mỏi cho thí sinh cũng như phức tạp cho các trường. Liên quan đến việc tuyển sinh của các trường ĐH, Phó Thủ tướng cho rằng đó là việc của các trường ĐH. Kỳ thi THPT quốc gia chỉ cung cấp dữ liệu để các trường tham khảo tuyển sinh chứ không phải là căn cứ duy nhất. Điều này đồng nghĩa với việc nếu muốn, các trường hoàn toàn có thể xét tuyển sinh theo cách của riêng mình, tổ chức một kỳ thi để chọn học sinh phù hợp.

Theo NLĐ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động

Ngày 15/11, Trường đại học Phú Xuân, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện “PXUni Job Festival 2024” với sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mang đến hơn 500 cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên và người lao động.

Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động
NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Return to top