ClockThứ Ba, 28/05/2019 14:32

Nhóm ngành kiến trúc: Nhiều tiềm năng, ít người biết

TTH - Một thời là ngành “hot” và hiện có nhiều tiềm năng về việc làm, học bổng cũng như môi trường thực tập và cơ hội hợp tác quốc tế, song các ngành liên quan đến kiến trúc đang có ít thí sinh lựa chọn.

Nghề kiến trúc: Cần đam mê & cả dấn thân nữaNhững điểm cần lưu ý để làm tốt bài thi môn vẽ

Một buổi học của sinh viên khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học

Nhiều nguyên nhân

Thống kê từ bộ phận công tác tuyển sinh Đại học (ĐH) Huế cho biết, tính đến nửa cuối tháng 5/2019, mới có 162 hồ sơ đăng ký vào nhóm ngành kiến trúc, trong đó chỉ có 82 nguyện vọng 1. Đáng nói, trong hai ngành thuộc nhóm ngành kiến trúc, thì ngành quy hoạch vùng và đô thị vẫn chưa có hồ sơ. Điều lo lắng là nguy cơ nguyện vọng ảo, bởi một số trường hợp đăng ký vẫn chưa đóng lệ phí thi năng khiếu.

Kiến trúc là một trong những ngành “hot” thuộc khối ngành năng khiếu, còn ngành mới mở quy hoạch vùng và đô thị cũng là ngành có sức hút tại các cơ sở đào tạo về kiến trúc, xây dựng. Trước năm 2015, ngành kiến trúc có số lượng thí sinh đầu vào khá ổn định (hơn 150 thí sinh mỗi năm). Những năm gần đây, lượng thí sinh giảm dần và đến mùa tuyển sinh 2018 chỉ tuyển được 57 thí sinh.

Trường hợp nhóm ngành kiến trúc tuyển sinh khó khá bất ngờ, trái ngược với điều kiện của cơ sở đào tạo. TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng, phụ trách Khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết, thí sinh thường quan tâm đến chính sách hỗ trợ, điều kiện học tập và việc làm sau khi ra trường thì các ngành kiến trúc đều đáp ứng tốt, song lại khó thu hút. “Tỷ lệ sinh viên (SV) ra trường có việc làm sau 1 năm luôn đạt gần 90%, trong đó với tính chất đặc thù, đây là ngành nhiều SV có thể tự tạo việc làm hoặc khởi nghiệp. Khoa có đến gần 10 nguồn học bổng khác nhau, không chỉ hỗ trợ tiền mặt mà còn hỗ trợ học thuật. Nổi bật hơn là hoạt động hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học của khoa rất tốt, ngay tại Huế có nhiều dự án về kiến trúc, di sản. Nhờ đảm nhận và phối hợp thực hiện nhiều dự án, SV có thể thừa hưởng hoặc cùng tham gia học hỏi kinh nghiệm để thực hiện các đề tài, đồ án tốt nghiệp. Đáng tiếc, đó là thế mạnh mà thí sinh có thể chưa biết”, TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng phân tích.

Thực ra, có khá nhiều nguyên nhân của vấn đề trên, trong đó phải kể đến truyền thông của đơn vị còn hạn chế khiến thí sinh thiếu thông tin. Minh chứng là theo thí sinh Nguyễn Tuấn Vũ, dự định thi nhóm ngành năng khiếu, hiện có quá nhiều thông tin tuyển sinh của các đơn vị. Thông tin nào cũng nói về số lượng chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh còn những điểm nổi bật của ngành thì chưa thấy. Cũng vì thiếu thông tin chính sách hỗ trợ SV, tâm lý thí sinh cho rằng học ngành liên quan đến kiến trúc sẽ tốn nhiều kinh phí, hoàn cảnh khó khăn sẽ không theo nổi.

Nguyên nhân khác là do thay đổi quy chế thi. Những năm gần đây, quy chế cho phép thí sinh thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia tại địa phương, trong đó với các thí sinh năng khiếu, phải thi tiếp thêm một kỳ thi nữa ngay tại Huế, dẫn đến thí sinh ngại đi. Trong bối cảnh được phép lựa chọn nhiều nguyện vọng học, thí sinh dễ dàng chọn ngành học khác.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng, tiềm năng nhiều nhưng ít thí sinh lựa chọn là điều khó hiểu. Từ Huế ra Vinh chỉ có Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế đào tạo nhóm ngành kiến trúc, trong khi đó nhu cầu của thị trường lao động về đội ngũ kiến trúc sư không hề ít. Ngoài những nguyên nhân nói trên, theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, lý do khiến thí sinh có thể nhầm lẫn là Trường ĐH Khoa học chỉ đào tạo những ngành cơ bản.

Sẽ có điều chỉnh

Năm 2019, Khoa Kiến trúc đã tổ chức cho học sinh các trường THPT tại Huế và tỉnh Quảng Trị trải nghiệm thi vẽ, như hình thức thi năng khiếu, đồng thời tham quan, trải nghiệm mô hình đào tạo, cơ sở vật chất giảng dạy tại trường ĐH.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương cho biết, ĐH Huế đang nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh trực tiếp ngay tại các địa phương. Theo đó, có thể tổ chức kỳ thi đánh giá năng khiếu ngay tại các tỉnh, thành và không tập trung tại một điểm để tránh vất vả cho thí sinh. Ngoài ra, việc quảng bá tuyển sinh sẽ được tiến hành có chiều sâu thông tin hơn, thông qua nhiều kênh, cơ sở giáo dục sẽ đẩy mạnh giới thiệu những thế mạnh, điểm nổi bật của ngành học.

Giải pháp quan trọng và lâu dài là điều chỉnh trong chương trình đào tạo. Theo đại diện Khoa Kiến trúc, thời gian tới có thể rút ngắn chương trình đào tạo xuống 4,5 năm. Ngoài ra, sẽ thiết kế lại chương trình đào tạo, một số nội dung linh hoạt chuyển tải dưới dạng gameshow, sân chơi tạo ra hứng thú cho SV; đồng thời, đẩy mạnh thực tập, thực tế nhiều hơn vừa mang lại hiệu quả đào tạo, vừa tạo ra điểm nhấn nổi bật.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top