Bộ GD&ĐT quy định: Thí sinh đã nhập học thì không được tham gia xét tuyển các trường khác/ đợt tiếp theo.
Sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành
Bộ GD&ĐT yêu cầu, các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia: Xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và một số phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển, thủ tục điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, phương thức xét tuyển và đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Các trương sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT thẩm định việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp.
Theo Quy định của Bộ GD&ĐT, những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.
Điểm ưu tiên khu vực
Quân nhân dự thi đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách, ưu tiên theo khu vực thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn.
Chỉ xét học sinh tốt nghiệp có học lực lớp 12 xếp loại giỏi
Với nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề: Căn cứ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển; nếu xét tuyển học bạ, chỉ xét học sinh tốt nghiệp có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.
Phải thực hiện tất cả các bước trong quy trình xét tuyển
Trước khi thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển, các trường công bố các thông tin cần thiết lên trang thông tin điện tử của trường để thí sinh đăng ký xét tuyển: mã số trường, mã số ngành, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, tổ hợp xét tuyển, quy định chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp, các điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển và các quy định khác không trái với quy định của Quy chế tuyển sinh; nhập đầy đủ các thông tin về tuyển sinh của trường lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong thời hạn quy định.
Riêng ngưỡng điểm nhận đăng ký xét tuyển có thể quy định sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và phù hợp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Quy chế này.
Theo Bộ GD&ĐT, các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển phải thực hiện tất cả các bước của quy trình xét tuyển, không được bỏ bước nào trong quy trình xét tuyển theo chương trình phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia
Đối với các thí sinh trúng tuyển nhập học, các trường tiếp nhận và lưu bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia (không trả lại), để tránh hiện tượng các thí sinh rút lại để đăng ký xét tuyển vào trường khác, gây nên lộn xộn trong tổ chức tuyển sinh của toàn hệ thống.
Thí sinh đã nhập học thì không được tham gia xét tuyển các trường khác/ đợt tiếp theo.
Theo Dân trí