Thí sinh dự thi năm học 2020- 2021 tại TP. Huế. Ảnh: Thái Sơn
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo “cho” thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển với mục tiêu tốt là tạo điều kiện để thí sinh “cân nhắc lựa chọn đúng ngành học” và “tăng cơ hội trúng tuyển”.
Với những mục tiêu như vậy thì con số hơn 45% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển cũng không có gì ngạc nhiên.
Đối với Đại học Huế, tuy chưa có con số thống kê về lượng thí sinh đăng ký điều chỉnh nguyện vọng nhưng theo ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, trong giai đoạn tư vấn về điều chỉnh nguyện vọng “mỗi ngày có khoảng 40 – 50 thí sinh nhờ tư vấn tuyển sinh, nhất là liên quan đến nội dung điều chỉnh nguyện vọng”.
Nếu có ngạc nhiên thì, vì sao thí sinh đăng ký điều chỉnh nguyện vọng nhiều như vậy? Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tức là không phải như mong muốn ban đầu .
Phổ biến chúng ta đều biết là mỗi thí sinh có những thế mạnh riêng, sở thích riêng về ngành học. Khi "rấp rem" đến lớp 12, sở thích này ngày càng định hình. Nếu được học ngành mình thích thì mỗi sinh viên sau khi ra trường sẽ có bề dày kiến thức vững vàng hơn (học cái mà mình thích). Cũng phổ biến, ít ai mà giỏi về cái mà mình không thích (kể cả trong giáo dục và việc làm đều như vậy). Tất nhiên, không phải là tất cả, cũng có những thí sinh “không biết sở thích của mình là gì”, nhưng chắc chắn đây là số ít !?
Đến đây thì chúng ta thấy, con số 45% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, có vẻ như thí sinh “rất lúng túng” về chọn ngành học, trường học. Mà kiến thức học lại liên quan mật thiết đến việc làm sau này. Cũng có thể hiểu, mục tiêu “cân nhắc lựa chọn đúng ngành học” là điều chưa chắc chắn. Có phải điều chỉnh nguyện vọng với mục tiêu “tối thượng” của thí sinh là để tăng cơ hội trúng tuyển!? Nếu trúng tuyển mà học cái ngành mình ít thích thì khả năng sau này khi làm việc: hoặc hiệu quả không cao, hoặc làm trái ngành trái nghề là rất cao, tức là những kiến thức đã học ít nhất không phát huy một cách tối đa cho công việc.
Chúng ta có thể gọi việc “cho” điều chỉnh nguyện vọng là có mặt trái không? Tạo ra nhiều cơ hội hơn để thí sinh trúng tuyển. Nhưng khi trúng tuyển, học xong rồi khi ra trường khó tiếp cận việc làm; hoặc là cầm bằng đại học nhưng lại làm trái ngành nghề. Đến giờ thì không biết như thế nào nhưng cách đây chừng chục năm, sinh viên ra trường không tìm được việc làm tính đến con số cả hàng chục ngàn trên cả nước. Giờ cũng vậy, grab “chạy đầy đường”, không ít trong đó là sinh viên và sinh viên đã ra trường.
Xét về mọi mặt, học đúng ngành nghề mình thích sẽ có ích hơn rất nhiều so với việc tìm kiếm mọi cơ hội để có tấm bằng đại học. Vì sở thích sẽ giúp việc thu nạp kiến thức dễ dàng hơn. Nó càng có ích khi những kiến thức học được phục vụ cho cho công việc đúng chuyên ngành.
Cùng với sự phát triển của nhiều ngành nghề mới, thị trường lao động đã có nhiều thay đổi. Nhưng cái có vẻ như không đổi đối với người lao động là mong muốn tìm kiếm một việc làm tốt hơn. Tốt ở đây là môi trường, điều kiện làm việc, thu nhập, thăng tiến… Nói chung, đó là mong muốn chính đáng và phù hợp. Mà tấm bằng đại học như “một thẻ thông hành”.
Có phải chính vì vậy mà đối với nhiều người, tấm bằng đại học vẫn còn “hết sức lung linh”, dù chưa biết, lấy tấm bằng đại học xong rồi để làm gì. Cách đây mấy năm có một số liệu cho biết, hơn 30% học sinh tốt nghiệp 12 không chọn con đường vào đại học mà chọn học nghề, làm công nhân, xuất khẩu lao động, trực tiếp tham gia thị trường lao động… nói lên một sự nhận biết rõ ràng hơn về sự điều chỉnh của thị trường lao động.
Nguyên Lê