ClockThứ Năm, 13/07/2023 07:00

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký xét tuyển

TTH - Từ ngày 10 - 30/7, thí sinh chính thức thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

22 thí sinh được xét tuyển thẳng vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy93 thí sinh tham gia đánh giá năng lực ngành Kiến trúcXét điểm thi và thi năng khiếu vào Đại học Huế năm 2023Đại học Huế công bố kết quả sơ tuyển đợt 1 theo các phương thức tuyển sinh sớm

leftcenterrightdel
Thí sinh cần chọn ngành, chọn trường theo sở thích, đừng theo đám đông 

Lưu ý khi đăng ký

Bên cạnh thời gian đăng ký xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế lưu ý các thí sinh các mốc quan trọng từ khi đăng ký xét tuyển cho đến khi nhập học. Đó là ngày 18/7, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Ngày 25/7, Bộ GD&Đ sẽ công bố điểm sàn của khối ngành sức khỏe và ngành đào tạo giáo viên. Từ 31/7 đến 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.

Từ ngày 12 - 20/8, Bộ GD&Đ cùng các trường bắt đầu quy trình xét tuyển và xử lý nguyện vọng. Qua đó, xác định nguyện vọng cao nhất thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Từ 22/8, các trường thông báo điểm chuẩn, danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 và từ ngày 6/9, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD&Đ.

Năm nay, Bộ GD&Đ đã cải tiến phần mềm hỗ trợ thí sinh để tránh sự nhầm lẫn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ, thí sinh chỉ đăng ký theo mã tuyển sinh (mã nhóm ngành, ngành hoặc chương trình) và không phải chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển. Thí sinh lựa chọn căn cứ để xét tuyển, gồm: thứ tự nguyện vọng; mã trường, tên trường; mã tuyển sinh muốn đăng ký xét tuyển (không đăng ký chi tiết đến các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển). Như vậy sẽ tránh được rất nhiều sai sót cho thí sinh liên quan đến nhầm lẫn mã tổ hợp, mã phương thức như trước đây.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học Huế lưu ý, việc mắc lỗi của thí sinh khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD&Đ tuy không nhiều nhưng năm nào cũng có. Vì vậy, để tránh các lỗi thí sinh cần chi ý một số điểm, như thí sinh muốn thi vào ngành nào, trường nào thì cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh cũng như thông báo tuyển sinh được đăng tải trên cổng thông tin điện tử và cổng tuyển sinh của các đơn vị đào tạo. Tuyệt đối không đăng ký vào những ngành mà thí sinh không đủ điều kiện, một số ngành có các điều kiện phụ. Sau khi đăng ký thành công trên hệ thống, thí sinh nên chụp lại màn hình để tránh sự cố nếu có sau này.

TS. Nguyễn Công Hào nhấn mạnh, nếu thí sinh đã có kết quả xét tuyển sớm (sơ tuyển), khi đăng ký trên hệ thống và đặt nguyện vọng 1 là chắc chắn trúng tuyển. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT (18/7) và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe có chứng chỉ hành nghề, các thí sinh căn cứ vào thông báo mức điểm nhận hồ sơ của các đơn vị để điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp.

Một lưu ý nữa là mỗi thí sinh cho phép đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, nhưng khi xét tuyển chỉ trúng 1 nguyện vọng cao nhất. Thí sinh cần lưu ý nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên nhất và khi lọc ảo, nên cần sắp xếp thứ tự phù hợp với mong muốn của bản thân.

Tính toán điểm ưu tiên

Dù đã bước vào thời gian đăng ký xét tuyển, song nhiều thí sinh và phụ huynh còn tỏ ra khá lúng túng khi chọn ngành, chọn trường và quy trình thực hiện. Đa số thí sinh chưa đăng ký xét tuyển vào những ngày đầu, mà đợi khi có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 mới bắt đầu đăng ký.

TS. Nguyễn Công Hào đề nghị với thí sinh và phụ huynh rằng, nếu không nắm rõ, hoặc có mà không nắm hết quy trình; phân vân trong chọn ngành, chọn trường, thì thí sinh và phụ huynh nên liên hệ đến các trường và Đại học Huế, luôn có đội ngũ tư vấn tuyển sinh giải đáp thắc mắc và tư vấn cho các em và phụ huynh.

“Các thí sinh không nên chọn ngành học, trường học theo đám đông. Khi chọn ngành, chọn trường, đầu tiên là phải đam mê, thí sinh thích mới học hiệu quả. Sau đó là chọn ngành, chọn trường phù hợp với học lực và điểm thi. Sau đó nữa là tài chính, tìm những trường, nơi học phù hợp với điều kiện gia đình. Đối với các thí sinh có điểm cao thì lựa chọn các trường thuộc “top” đầu. Dựa trên phổ điểm 3 năm trở lại của các trường để đăng ký xét tuyển, tỷ lệ trúng tuyển thường cao. Từ phổ điểm đó thì đăng ký xét tuyển chọn nguyện vọng 1, 2, 3… vì mỗi thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng”, TS. Nguyễn Công Hào tư vấn.

Một điểm mới của tuyển sinh năm nay các thí sinh và phụ huynh lưu ý để chọn ngành phù hợp, đó là các thí sinh có điểm thi từ 22,5 điểm trở lên sẽ có mức cộng điểm ưu tiên giảm dần đến điểm 30. Điểm càng cao điểm ưu tiên sẽ giảm dần. Tổng mức điểm 3 môn theo thang điểm 30 khi cộng sẽ không được vượt quá 30 điểm. Nếu thí sinh nào thi được 30 điểm cho 3 môn thì không được cộng điểm ưu tiên.

Cũng liên quan đến điểm ưu tiên, theo quy chế năm nay, chỉ áp dụng trong hai năm, năm tốt nghiệp và năm kế tiếp. Như đối với các thí sinh tốt nghiệp năm 2023, sẽ áp dụng điểm ưu tiên năm nay và năm 2024. Đối với các thí sinh tốt nghiệp 2022 thì được áp dụng được thêm năm nay, còn những thí sinh tốt nghiệp từ 2021 thì không được áp dụng điểm ưu tiên trong kỳ tuyển sinh năm 2023 này. Như thế, các thí sinh xem như không có ưu tiên, nên cần tính toán lại chọn ngành phù hợp.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top