Thứ Tư, 04/04/2018 13:15
(GMT+7)
Vẫn là chuyện “liệu cơm, gắp mắm”
TTH - Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, về cơ bản, quy chế thi và tuyển sinh năm 2018 không có nhiều thay đổi so với năm 2017. Thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 sẽ bắt đầu từ ngày 1/4 đến đến 20/4/2018. Sau khi có kết quả điểm thi, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Dự kiến, đợt điều chỉnh nguyện vọng sẽ diễn ra vào cuối tháng 7/2018.
Tình nguyện viên trao đổi, tư vấn giúp thí sinh làm hồ sơ và đăng ký nguyện vọng trong mùa tuyển sinh 2017
Nói rằng không khác năm 2017 có nghĩa là, thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển ở nơi theo học; được đăng ký nguyện vọng xét tuyển không giới hạn như năm 2017 và sẽ chỉ trúng một nguyện vọng duy nhất phù hợp với điểm thi. Có nhiều vấn đề đặt ra, nhưng đáng chú ý ở đây số lượng đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Thống kê dữ liệu đăng ký xét tuyển đại học, được công bố vào tháng 5/2017 tại Hội nghị tuyển sinh nhóm các trường miền Bắc cho thấy, đa phần thí sinh chỉ đăng ký 4 -5 nguyện vọng, thế nhưng cá biệt có 1 thí sinh đăng ký tới 48 nguyện vọng(!).
Rõ ràng, không phải đăng ký nhiều nguyện vọng theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương” thì sẽ có nhiều trúng tuyển vào đại học. Trong thực tế, đã có trường hợp thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng và đã trúng tuyển. Điều đáng nói ở đây không phải là thí sinh đăng ký bao nhiêu nguyện vọng mà là các em có được những thông tin đầy đủ, thiết thực trong quá trình đăng ký để có cơ hội trúng tuyển cao nhất. Vấn đề là phải có hiểu biết về ngành học, hiểu năng lực thực sự, sở trường và sự đam mê của mình hay không để chọn những ngành học phù hợp. Còn khi đã có đủ thông tin để lựa chọn rồi thì chỉ cần từ 3 - 5 nguyện vọng, cùng lắm là 6 nguyện vọng là khả năng trúng tuyển đã ở mức độ cao; trong đó, có nguyện vọng thấp hơn năng lực, nguyện vọng bằng với năng lực và nguyện vọng cao hơn năng lực để định hướng phấn đấu.
Xung quanh việc làm hồ sơ đăng ký xét tuyển, theo kinh nghiệm của các thầy cô giáo làm công tác tuyển sinh tại một số trường đại học, có nhiều thí sinh sai sót. Lỗi gặp phải thường là điền sai thông tin cá nhân, tên ngành, mã ngành; thậm chí, nhầm phiếu xét tuyển, nhầm trường. Để khắc phục tình trạng này, các thí sinh nên kiểm tra kỹ để xem giấy chứng nhận kết quả thi có hợp lệ không. Ngoài ra, cũng cần chú ý sử dụng phiếu xét tuyển đúng với từng đợt xét tuyển nguyện vọng. Còn suy cho cùng, việc đăng ký xét tuyển cũng là hình thức thể hiện ước muốn và năng lực của mỗi học sinh. Điều quan trọng là để ước mơ trở thành sự thật mỗi thí sinh phải có kế hoạch học tập tốt, phải biết mình là ai để “liệu cơm, gắp mắm”, tránh “mơ cao té đau”, chọn nghề không phù hợp hay vì tâm lý sợ hãi mà đánh rơi ước mơ, luyến tiếc cả đời.
Đan Duy