Kết quả thi THPT Quốc gia 2018 đã có. Năm nay không có mưa điểm 10 như kỳ thi trước do đề phân loại khá tốt. Nhiều địa phương có truyền thống hiếu học, thường xuyên dẫn đầu phong trào học tập trong cả nước năm nay vắng bóng những "anh tài" ở các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học. Nhưng nổi lên lại là một số tỉnh miền núi, có số thí sinh đạt điểm 10 chiếm gần một nửa điểm 10 của cả nước.
Cụ thể, nhiều người đã phải đặt dấu hỏi rất lớn khi tỉ lệ thí sinh điểm cao khối A1 của tỉnh Hà Giang chiếm gần 50% so với cả nước. Cả nước chỉ có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên thì Hà Giang có đến 36 thí sinh đạt mức điểm này, chiếm 47,37% cả nước.
Đáng nói là số thí sinh cả nước gấp 170 lần của tỉnh Hà Giang, với 925.000 thí sinh, trong khi Hà Giang chỉ có 5.500 thí sinh.
Dù có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay của Hà Giang lại chỉ đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước.
Ảnh minh họa
Nếu điểm 9, 10 trong kỳ thi THPT Quốc gia là thể hiện năng lực học tập thật sự của các em thì đó là điều đáng mừng, bởi giáo dục ở các tỉnh miền núi đã được nâng cao, vượt được nhiều tỉnh, thành có trình độ phát triển kinh tế - xã hội nổi trội như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM… Thế nhưng kết quả này đang gây tranh cãi và nghi ngờ trong dư luận; nhiều người lo lắng nếu ở đây có sự gian dối, "làm điểm" thì việc tuyển lựa đầu vào của các trường đại học sẽ không còn chính xác, nhiều sinh viên sẽ ngồi nhầm chỗ.
Bộ Giáo dục – Đào tạo đã yêu cầu phải xem xét lại việc chấm thi ở những nơi này, nhưng xem ra rất khó phát hiện sai phạm nếu như mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn, được bài binh bố trận đúng qui trình, qui chế… “Án tại hồ sơ”, bài thi của các em đã được chấm đúng, chấm đủ, chấm đúng qui chế, chấm đúng qui trình thì sao có thể tìm ra được những khuất tất ở đây? Có vẻ nhiều người đã biết được trước được câu trả lời trong tình huống này.
Nếu đây thật sự có sự gian dối, khuất tất thì là điều đáng buồn, bởi nó đã làm tổn thương niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục vốn dĩ đã rất mong manh. Mấy năm qua, chúng ta ra sức phê phán các trường đại học khi được giao tự chủ thì “vơ bèo gạt tép”, nhận cả những thí sinh điểm kém vào học, miễn là giải quyết bài toán cân đối thu – chi, điều này ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, gây lãng phí xã hội khi đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân không có trình độ. Nay, nếu tuyển được thí sinh có điểm số cao thì cũng không chắc chắn sinh viên đó chất lượng học tập tốt. Việc gian dối trong thi cử sẽ tước đi cơ hội của những học sinh có năng lực thực sự.
Điểm số chưa hẳn nói lên điều gì, nhưng điểm số lại có vai trò quyết định trong những thời điểm có tính bước ngoặt của cuộc đời mỗi học sinh. Vì thế, những người được giao trọng trách "cầm cân nảy mực" trong các kỳ thi cần công tâm, chính trực để xã hội có niềm tin rằng thế hệ kế tiếp mình thực sự có trình độ, trí tuệ, tự trọng... để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Theo VOV