ClockThứ Hai, 11/05/2020 07:15

Xét tuyển học bạ: Cần tính toán tỷ lệ và đảm bảo chất lượng

TTH - Từ khoảng giữa tháng 5/2020, Đại học (ĐH) Huế bắt đầu thông báo nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét học bạ. Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dần giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo, song đối với xét tuyển học bạ trong năm nay và các năm tới, cần tính toán tỷ lệ hợp lý và có giải pháp đảm bảo chất lượng.

Tự chủ tuyển sinh không đồng nghĩa giảm chuẩn đầu vàoSẽ có nhiều phương án xét tuyển mớiThực hiện ngồi học giãn cách, kiểm tra sức khỏe sinh viên khi đến trường

Ngoài phương thức sử dụng kết quả từ kỳ thi, nhiều trường ĐH cũng xét tuyển theo học bạ (Ảnh minh họa)

Chớ lạm dụng

Với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thay cho kỳ thi THPT Quốc gia, các đại học (ĐH), trường ĐH cũng đồng thời được tự chủ hơn trong việc quyết định các phương án tuyển sinh trong năm 2020.

Trên thực tế, đối với phương thức xét tuyển học bạ, quy định trước đây cho phép xét tuyển không quá 20% tổng chỉ tiêu, nhưng với sự thay đổi trong tuyển sinh hiện nay cho phép các trường có thể tăng tỷ lệ xét tuyển học bạ trong cơ cấu các phương thức xét tuyển. Điển hình ngay trong năm nay, khi xây dựng đề án tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế sử dụng khoảng 30% chỉ tiêu trong xét tuyển học bạ; Trường ĐH Nông lâm dành đến khoảng 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này… “Nhiều ngành như chăn nuôi, thú y, công nghệ thực phẩm trước đây chủ yếu xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia thì năm nay, chúng tôi cũng dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ”, PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm cho biết.

Việc tăng tỷ lệ xét tuyển học bạ xét trên góc độ thực tế có thể tăng khả năng trúng tuyển nhiều hơn cho thí sinh và vẫn phù hợp quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phương thức xét tuyển này cũng để lại nhiều nỗi lo. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế phân tích, ĐH Huế luôn mong muốn tỷ lệ xét học bạ ở mức tương đối. Nỗi lo lớn nhất khi tỷ lệ xét học bạ cao là thí sinh ảo. Thông thường, thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ cũng có đăng ký xét tuyển theo các phương thức khác và đăng ký khá nhiều nguyện vọng. “Các kỳ tuyển sinh qua cho thấy, nếu trúng tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi, phần đông thí sinh chọn phương thức này chứ không phải chọn phương thức xét học bạ, điều đó dẫn đến tình trạng thí sinh ảo”, TS. Hào trăn trở.

Theo các chuyên gia, một thực tế chung là mức độ tin tưởng về chất lượng thí sinh được sàng lọc sau kết quả thi cao hơn so với xét tuyển học bạ. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng, lý do của vấn đề trên là nỗi lo khách quan trong đánh giá kết quả học tập của mỗi trường, mỗi địa phương khó giống nhau và vừa qua cũng còn xảy ra nhiều tiêu cực trong việc chạy điểm, thành tích trong khi hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục thời gian qua chưa thực sự tốt.

Điều dễ thấy là đối với các trường ở “tốp” trên, hiếm khi sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Dù có thể nâng ngưỡng điểm đầu vào lên đến 20 – 25 điểm, các đơn vị vẫn chưa sử dụng phương thức này bởi chưa thực sự an tâm về chất lượng đầu vào. Trong khi đó, không chỉ với thí sinh mà ngay cả với cơ sở đào tạo, việc tuyển đầu vào thiếu chất lượng ảnh hưởng không hề nhỏ đến chất lượng đào tạo. Điều đó cũng đồng nghĩa các trường cần cân nhắc kỹ trong việc cơ cấu tỷ lệ xét tuyển theo phương thức học bạ.

 Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Nông lâm (Ảnh minh họa)

Tính toán giải pháp đảm bảo chất lượng

Về mặt khách quan, ngoài việc chú ý đến tỷ lệ xét tuyển theo từng phương thức hợp lý thì “chốt chặn” để sàng lọc đầu vào thí sinh tốt chính là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm chuẩn.

Những năm qua, đối với các trường gặp khó trong công tác tuyển sinh, điểm chuẩn của nhiều ngành được xác định ngang bằng với điểm sàn (ngưỡng đảm bảo đầu vào). Vì thế, các trường cần tính toán mức điểm sàn hợp lý, qua đó đảm bảo chất lượng của thí sinh khi “đặt chân” vào cánh cửa ĐH.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế thừa nhận, khó khăn trong việc thu hút thí sinh dẫn đến thời gian qua, một số ngành lấy điểm đầu vào chưa thực sự cao. Đối với phương thức xét tuyển học bạ, điểm đầu vào cũng cần tính toán ở mức tương đối, không quá thấp để vừa có thể đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không ảnh hưởng chất lượng đầu vào.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, quan điểm chung của ĐH Huế là rất muốn nâng chuẩn đầu vào của nhiều ngành học. Điểm đầu vào của 3 môn ít nhất phải từ 15 điểm trở lên và tinh thần là cần đẩy lên cao hơn. Bên cạnh đó, không chỉ bậc phổ thông mà ở bậc ĐH cũng cần xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng tốt, thanh tra, giám sát kỹ, nghiêm túc để đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, về mặt lâu dài, khi tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh, cũng cần nghiên cứu kỹ cơ cấu tỷ lệ các phương thức xét tuyển và các giải pháp đảm bảo chất lượng tốt trong công tác tuyển sinh và đào tạo.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI:
Đảm bảo thông suốt, ổn định

Triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025 là vấn đề quan trọng, cấp bách, bởi từ ngày 1/1/2025, các NQ này sẽ có hiệu lực.

Đảm bảo thông suốt, ổn định
Return to top