ClockThứ Bảy, 25/11/2017 12:01

Vừa phòng chống lũ, vừa lo chuyện học bù

TTH - Sau lũ, nhiều trường học bị gián đoạn chương trình học. Ngay sau khi nước rút, các trường nhanh chóng vệ sinh trường lớp để đón học sinh trở lại học tập.

Khẩn trương khắc phục thiệt hạiMột số tuyến đường bị ngập sâu do mưa lớn

Sĩ số các lớp vẫn chưa đầy đủ vào sáng 24/11 tại Trường THPT Đặng Huy Trứ

Thị xã Hương Trà là địa bàn có nhiều nơi bị ngập sâu. Ngày 24/11, các trường tiểu học và trung học cơ cở (THCS) trên địa bàn vẫn nghỉ học. Riêng Trường trung học phổ thông (THPT) Đặng Huy Trứ có 20 lớp học trở lại, tuy nhiên sĩ số các lớp vẫn chưa đầy đủ, một số lớp chỉ dưới 15 em. Nhiều học sinh ở vùng trũng, đường sá còn ngập lụt, đi lại nguy hiểm nên chưa thể đến trường. Nhà trường ra thông báo các em ở vùng cao nên đi học, còn vùng thấp trũng được nghỉ để đảm bảo an toàn. Trường tổ chức dạy và học trở lại sau khi nước rút khỏi các phòng học bởi tiến độ chương trình quá chậm. Giáo viên các bộ môn sẽ linh động xếp tiết học bù vào ngày thứ năm (ngày trường chỉ học 2 tiết) hay những giờ trống và cả ngày chủ nhật. Thầy giáo Nguyễn Hối, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Huy Trứ cho hay: “Trường sẽ xếp một thời khóa biểu học bù thống nhất để cân đối số tiết học giữa các môn. Dự kiến, trường sẽ dạy bù cho đến hết học kỳ I. Riêng khối 12, sẽ tăng tốc để kịp tiến độ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để các em kịp “nạp” kiến thức tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Sau khi nước rút, toàn bộ các phòng học, kể cả phòng họp hội đồng, phòng thực hành, phòng dạy tương tác... ở các trường đều được trưng dụng để học sinh học bù cho kịp chương trình. Tại Trường THCS Trần Thúc Nhẫn, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, việc dạy và học đã đi vào nề nếp. Ban giám hiệu lập một thời khóa biểu đặc biệt sau lũ lụt để dạy và học bù nhằm củng cố kiến thức cũ, dạy kiến thức mới. Tránh tình trạng học bù liên tục, nhồi nhét kiến thức, học sinh không còn thời giờ nghỉ ngơi, nhiều trường dự kiến thời gian học bù sẽ được dàn trải để đảm bảo học sinh có đủ lượng kiến thức mà vẫn “dễ thở” hơn. Thầy giáo Nguyễn Minh Huynh, Trường THCS Trần Thúc Nhẫn chia sẻ: “Thời gian học bù sẽ được giáo viên bộ môn linh động sắp xếp, ví dụ buổi nào học 3 tiết sẽ tăng 2 tiết, học 4 tiết tăng 1 tiết. Như vậy, đối với học sinh việc học bù sẽ không quá áp lực và ngột ngạt”.

Học sinh tiểu học ở các trường vùng thấp trũng nghỉ học nhiều nhất, mất hai tuần, ít nhất cũng phải bù lại 35 tiết học/tuần. Các trường đã lên kế hoạch dạy bù vào thời gian nghỉ giữa kỳ hoặc khả năng phải tăng tiết học trong những buổi học chính. Cái khó là học sinh tiểu học thường hay quên bài khi các em nghỉ dài ngày nên bố trí lịch học bù cho hợp lý, đảm bảo cho các em kịp lịch học vào cuối kỳ, cuối năm là điều mà các trường trăn trở. Thời gian dành vào rèn luyện kỹ năng sống và hoạt động ngoại khóa được sử dụng chương trình chính khóa cho các em. Cô giáo Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Phước (Quảng Điền), cho biết: “Các em khối 3,4 và 5 học hai buổi/ ngày (mỗi ngày học khoảng 7 tiết học). Nghỉ học 10 ngày, chúng tôi sẽ phải bù 70 tiết. Ngoài thứ 7, chủ nhật, chúng tôi tăng cường thêm chiều thứ 4 (thường sinh hoạt chuyên môn) để dạy bù cho học sinh. Tuy nhiên, chất lượng học sinh phải được đặt lên trên hết. Với những học sinh không theo kịp chương trình, giáo viên sẽ kèm riêng để các em đuổi kịp các bạn”.

Theo báo cáo của các phòng giáo dục và đào tạo ở các huyện, thị xã, thành phố, học sinh không bị thiếu sách vở, đồ dùng học tập; chưa có trường hợp học sinh nghỉ học sau lụt do hoàn cảnh khó khăn. Các thầy, cô ở các vùng thấp trũng khá vất vả với việc di chuyển đồ dùng dạy học, sắp xếp bàn, ghế, ổn định dạy học sau lũ suốt nửa tháng nay. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm đã nhắc nhở, động viên các em đến lớp khi nước rút nên không có tình trạng nhân cơ hội nghỉ lụt để ở nhà dài ngày.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành giáo dục đã trao quyền chủ động cho các trường trong việc quyết định cho học sinh nghỉ học khi xảy ra thiên tai, lũ lụt và lập kế hoạch dạy, học bù sau bão lũ. Vì vậy, dựa vào thực tế của từng địa phương, Ban Giám hiệu các trường đã có những quyết định kịp thời để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh trong bão lũ và tổ chức dạy bù cho kịp chương trình.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh

Ngày 4/5, Đồn Biên phòng Vinh Hiền phối hợp với Trường tiểu học Vinh Hiền (Phú Lộc) tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn hàng hải khu vực 2, tặng 50 áo phao cho nhà trường.

Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh
Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều học sinh cuối cấp đã gác lại kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi để tập trung ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây cũng là dịp phụ huynh có thời gian rảnh để đồng hành cùng con.

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi
Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế

Để ươm mầm cho học sinh đi thi và đoạt giải quốc tế, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế xây dựng lộ trình bồi dưỡng bài bản. Đằng sau những tấm huy chương là không ít mồ hôi, công sức của thầy và trò.

Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế
Return to top