ClockThứ Tư, 24/08/2022 15:02

Vượt khó triển khai cùng lúc 2 chương trình giáo dục phổ thông

TTH - Cùng với cả nước, lần đầu tiên, các trường trung học phổ thông (THPT) ở Thừa Thiên Huế triển khai song song hai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 10 và GDPT 2006 ở lớp 11 và 12.

Thiếu cơ sở vật chất trong chương trình giáo dục thường xuyênGiải bài toán thiếu giáo viên tiểu họcLịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Chuẩn bị sớm và kỹ

Năm học 2022 - 2023, cụ thể với lớp 10 sẽ thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021; lớp 11 và 12 đánh giá học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020). Cùng một lúc dạy song song hai chương trình sẽ có khó khăn, yêu cầu có sự chuẩn bị sớm và kỹ cả về tâm thế, điều kiện triển khai ở các nhà trường.

Có dịp về các địa phương gần đây, tôi được biết vào thời điểm này, các trường THPT đã rà soát, đánh giá thực trạng về cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường đối với việc thực hiện chương trình giáo dục trong năm học 2022 - 2023. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó tập trung xây dựng cụ thể các phương án tổ chức dạy học dành cho học sinh lớp 10. Nhiều trường THPT đã quan tâm đổi mới công tác quản trị trường học, hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, nhưng không để chất lượng dạy học các khối lớp theo Chương trình GDPT 2006 bị giảm sút.

Ông Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho biết, kế hoạch xây dựng các chương trình theo hướng mở, linh hoạt, bảo đảm phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục. Do có sự chuẩn bị kỹ nên triển khai công việc đến nay không gặp nhiều khó khăn. Theo chỉ đạo của cơ quan quản lý, nhà trường triển khai từng nội dung công việc tới các thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh toàn trường. Thời khóa biểu sắp xếp khoa học, phù hợp thực tế của nhà trường, đúng theo hướng dẫn của cấp trên. Đặc biệt, Trường THPT Gia Hội đã tổ chức định hướng sớm cho học sinh, phụ huynh học sinh khối lớp 10 để lựa chọn môn học.

Băn khoăn của nhiều thầy, cô ở các trường khi triển khai đồng thời hai chương trình là, đội ngũ còn chưa đồng đều về năng lực dạy học, khả năng chuyển hóa yêu cầu của chương trình mới cũng không giống nhau nên không tránh khỏi lúng túng ở một số giáo viên. Khó khăn là cơ sở vật chất nhà trường chưa đồng bộ. Học sinh lớp 9 năm nay lên lớp 10 vẫn học theo Chương trình GDPT 2006. Để khắc phục bất cập, nhiều trường đã tăng cường sinh hoạt chuyên môn để xây dựng kế hoạch dạy học theo từng tuần, hỗ trợ các thầy, cô; nghiên cứu thiết bị dạy học phù hợp với từng bài học, tăng cường tìm kiếm học liệu chia sẻ trong tổ bộ môn. Công tác kiểm tra, đánh giá cũng được trường chú trọng thay đổi, cơ bản đáp ứng chương trình mới; nghiên cứu để vận dụng linh hoạt giữa cách đánh giá theo chương trình mới và cũ sao cho phù hợp.

Theo thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông, cái khó trong chương trình GDPT mới là thiết bị dạy học cho chương trình mới chưa có. Trường đang rà soát lại các thiết bị trong chương trình GDPT 2006, nếu phù hợp thì có thể sửa lại để giảng dạy. Giáo viên sẽ tự làm đồ dùng học tập để phục vụ công tác dạy học. Ngoài ra, các tổ chuyên môn dùng các thiết bị ảo, mô phỏng trên máy tính để giải quyết tình trạng thiếu thiết bị. Trường sẽ triển khai tăng thêm dự án để các nhóm học sinh phải làm các thiết bị để có nguồn tư liệu dạy học.

Lo trước từ bậc trung học cơ sở

Thực tế cho thấy, 2 chương trình GDPT có nhiều khác biệt lớn. Đáng chú ý đó là chương trình GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Theo đó, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức, mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học.

Từ năm học 2021 - 2022, các trường THCS đã triển khai chương trình GDPT mới với lớp 6. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng bước đầu các trường học ở bậc học này ở Thừa Thiên cũng đã làm quen và tích lũy được một số kinh nghiệm cần thiết. Trong khi đó, lần đầu triển khai đối với lớp 10 trong năm học 2022 - 2023 nên với các trường THPT bước đầu sẽ có không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, lường trước điều này, sở đã chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai tốt chương trình GDPT mới ở các lớp 6 và 7; đồng thời, ngay từ năm học 2021 - 2022, đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho học sinh đang học lớp 8 và 9 về việc thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 năm học 2022 - 2023; trong đó, nhấn mạnh cho học sinh nắm rõ khi chuyển từ giai đoạn giáo dục cơ bản sang giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT, có các môn học bắt buộc và lựa chọn.

Được xem là bước chuẩn bị từ xa, các trường THCS trong tỉnh đều thể hiện nỗ lực phấn đấu tổ chức dạy học có hiệu quả chương trình giáo dục lớp 9 hiện hành; tăng cường các nội dung bổ trợ giúp học sinh chuẩn bị đầy đủ kiến thức, phương pháp khi học tập theo Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT. Các trường THPT phối hợp với trường THCS trên địa bàn phân tuyến tuyển sinh để nắm bắt tình hình học tập của học sinh; đánh giá sơ bộ, dự kiến việc lựa chọn môn học thuộc nhóm các môn học lựa chọn khi học sinh vào học lớp 10 để làm cơ sở chuẩn bị điều kiện thực hiện.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

Trong 2 ngày 19-20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tham vấn quy trình thí điểm, các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm chương trình GDMN. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới
Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

TIN MỚI

Return to top