ClockThứ Năm, 22/03/2018 08:19

Bình lặng Gò Công

TTH - Hôm ấy biển Tân Thành đầy gió. Những con sóng màu đục chừng như giận dữ, dù tôi cố thi vị hóa khi bảo chúng mang màu chocola. Chắc không phải mùa chơi biển, nên chỉ có một nhóm bạn trẻ đang cố gắng tạo dáng để chụp ảnh khi chúng tôi ngược cầu tàu tiến gần phía bãi nuôi nghêu. Tân Thành cũng chỉ cách thị xã Gò Công (Tiền Giang) chừng 15 km, bằng khoảng cách từ thành phố Huế đi Thuận An.

Pù Luông - homestay & retreat

Trước tượng đài Trương Định

 

ó lẽ, Gò Công là nơi có nhiều điểm đồng hao với Huế nhất so với những nơi mà tôi đã ghé ở các tỉnh thuộc miền Tây và cả miền Đông nữa của Nam bộ khi vừa có sông, lại vừa có biển. Kể từ khi có cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ, từ TP Hồ Chí Minh đến Gò Công có khi còn nhanh hơn đi thành phố Mỹ Tho. Chúng tôi cũng đã chọn cho mình tuyến ấy và chỉ sau đâu chừng hơn 1 giờ đồng hồ, cái xô bồ, náo nhiệt, bụi khói đã nhường chỗ cho một không gian bình lặng và hiền hòa. Những căn nhà chưa đủ lấp hết những khoảng đất trống, kể cả những nơi đã được ngăn lô và phân nền ở ấp Hồng Rạng, cách trạm thu phí qua cầu Mỹ Lợi khoảng vài ba cây số. Từ trên mặt cầu, mặt nước sông Vàm Cỏ nhu mì chứ không như tôi từng tưởng tượng. Đâu như mùa này con nước đang hiền.

 

Con đường đẹp nhất thị xã Gò Công

Đường phố trung tâm thị xã cũng không mấy dài, và rộng nhất có lẽ là đường Trương Định, dù ngắn nhưng cũng mang dáng dấp của một đại lộ. Tôi đã đứng ở ngã ba ấy trong một trưa nắng, chỉ để nhìn tượng ông đổ bóng xuống bậc thềm, nơi có mấy đứa nhỏ hình như đang chơi trò cút bắt. Tiếng râm ri của đàn chim yến ở ngôi nhà chếch bên kia đường làm không gian đậm lại, nhưng bình yên. Cái cảm giác y như lúc tôi có khi bà Sáu Hương ở trước chợ Gò Công cũ trao tôi túi trái cây và kêu bạn hàng bên cạnh “Chèng ơi, cô này từ Guế luôn đó. Nè con cầm đi. Má chọn toàn trái ngọt à...”

 

 Góc phố Gò Công
 
 

Bách bộ trên các ngả đường ở Gò Công là một trạng thái dễ dàng, vì chúng không mấy nhiều, lại nhỏ nhắn. Những con đường ngắn, chạy trong các khu phố hình bàn cờ vốn đã định hình từ ngày đã rất xa, khi mà Gò Công còn là tỉnh lỵ thời Pháp. Đây cũng là lý do mà cho đến bây giờ, nơi này có đến hơn một nửa trong tổng số 350 ngôi nhà mang kiến trúc cổ của tỉnh Tiền Giang. Những ngôi nhà với hệ mái và hành lang dài, kiểu nửa thuộc địa đặt trong một không gian thoáng đạt, gần gũi như đã từng gặp trong một vài đường nét của không gian nhà cổ Huế, nhưng lại có phần cởi mở hơn như nụ cười của người miền Tây với khu vườn rộng xen lẫn những bóng nắng lỗ đỗ dưới những tàng cây. Xem ra nhịp sống đô thị còn chưa mấy tác động đến Gò Công, ngoại trừ thứ dễ bị trừ điểm nhất là đường trong nội thị không nhiều cây, thậm chí có những đoạn phố không có một bóng xanh nào. Bù vào đó, gió từ biển có vẻ thảnh thơi khi tạt vào thị xã lúc nửa chiều. Đủ để những người đàn ông, đàn bà đầm đậm tuổi bắc ghế ngồi tuốt ngoài hè, ngó mà như không ngó những chiếc xe hay vài ba người đi bộ thi thoảng lướt qua.

 

Bàn đá cẩm thạch - hiện vật trong di tích nhà Đốc phủ Hải. Ảnh: Nghĩa Sơn

 

ó lẽ trở nên đẹp nhất vào thời Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải (cháu rể của bà Trương Thị Sanh, vợ cả của Trương Định) với việc xây thêm tiền sảnh kiểu Roman, hai nhà vuông dành cho người làm công và cả một lẫm cất lúa ở phía sau nên ngôi nhà ở số 49 Hai bà Trưng đã được “chết” danh là nhà Đốc phủ Hải. Nơi này bây giờ đã thành một di tích thuộc Trung tâm Văn hóa thị xã Gò Công quản lý. Hôm ấy không phải là ngày mở cửa nhưng nhờ “ăn theo” hai đồng nghiệp đến từ một cơ quan truyền thông, tôi đã bước vào không gian ấy và nói thật, đã sững sờ trước những tấm liên ba cùng rất nhiều khung gỗ được chạm lộng hoặc các đồ dùng bằng gỗ như tủ, ghế cẩn xà cừ một cách tinh xảo. Điều ấy cho thấy gia chủ hẳn là người rất tinh tế và thợ là những người rất giỏi nghề. 

 

Tôi đã dừng lại rất lâu nơi đặt chiếc giường thất bảo, không chỉ vì nó được loát 6 tấm đá cẩm thạch có màu sắc khác nhau mà vì những đường hoa lá cẩn xà cừ nổi ở phần chân giường. Việc các hiện vật này giờ vẫn còn nguyên cho thấy năm tháng và cả chiến tranh nữa dường như không mấy chạm đến không gian này. Nếu có một nghiên cứu nào đó về nghệ thuật cẩn xà cừ, tôi tin nơi này là một địa chỉ cần được xếp vào trong những danh mục đầu tiên ở hạng mục dân dụng. Trong tủ kính được khóa chặt ở góc trái ngôi nhà, có hai bức chân dung Đốc phủ Hải và vợ ông – bà Huỳnh Thị Điệu được một nghệ nhân nào đó thực hiện bằng xà cừ. Có lẽ, đây là lần đầu tiên tôi trông thấy chân dung được bằng chất liệu đó mà trông đẹp và thực đến như vậy. Cứ nghĩ, nếu được đầu tư thích đáng và được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn cả trong bảo quản lẫn trưng bày, nhà Đốc phủ Hải chắc chắn sẽ trở thành một “bảo tàng” nho nhỏ về kiến trúc nghệ thuật, chứ không chỉ là một nơi tham quan chỉ mở cửa vào giờ hành chính như anh Năm Minh – cán bộ coi ngó di tích này cho hay. Đây cũng là điều làm chúng tôi nuối tiếc nhất vì không thể vào đền thờ Trương Định để thắp cho ông một nén hương trước cánh cổng im ỉm khóa. Và cho đến lúc này nữa, tôi cũng không hiểu vì sao người thợ cắt tóc ở một góc Đình Trung lại có chút gì đó hơi giận dữ khi thấy tôi hướng ống kính về phía ông, với mong muốn duy nhất là có một khuôn hình sinh động khác, trong một dòng chảy khác ngay ở kiến trúc cổ xưa này.

 

Nhà lẫm được xây rất quy mô để giữ lúa

Bù lại, chúng tôi lại thấy may mắn khi gặp đúng lúc anh Dũng, người hiện đang trông coi lăng Hoàng gia bước ra phía cổng với chùm chìa khóa trên tay. Đây là khu nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng, bắt đầu từ ông Phạm Đăng Khoa –một trong những người khai hoang lập nghiệp xứ Gò Công nhưng phải đến khi Phạm Đăng Hưng - ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng thái Hậu Từ Dụ (được nhớ bằng tên gọi Từ Dũ), tước Đức Quốc công mất –nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng mới được cho xây dựng theo kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ. Đã có 13 người dòng họ Phạm Đăng an nghỉ ở nơi này kể từ thập niên đầu của thế kỷ XIX tới đầu thế kỷ XX.

 

Tôi nhớ lúc ấy đã là cuối chiều. Khu vực vắng người đến độ có thể nghe được tiếng lá rơi. Tại đây, có người sẽ thấy là lạ với những hình phù điêu được trang trí theo mô típ phương tây trước mộ ông Phạm Đăng Hưng, hoặc hiếu kỳ khi nghe chuyện về ông ba bị và huyền thoại một dòng họ, hay câu chuyện khá ly kỳ về tấm bia bằng đá xanh lưu lạc đúng 140 năm (1859-1999) cuối cùng đã về đúng nơi nó phải đến… Tôi đã đứng ở đó, một lúc lâu dưới một gốc cây xanh sau khi chạm tay lên bờ giếng cổ và tự hỏi, nếu câu chuyện mà người hướng dẫn kể là đúng, thì không biết ngày xửa xưa đó, khi khuôn viên này còn là nơi cư ngụ, bà Phạm Thị Hằng (tên tục của bà Từ Dũ) đã cúi người thả gầu làm sóng sánh mặt nước tĩnh lặng và trong veo như thế nào…

 

Góc chợ Gò Công, nơi bán tôm chua mặn

 

uán không có món tôm chua, dù tôi thấy chúng được bày rất nhiều ở chợ Gò Công mới, nên tôi chọn cá thác lác chiên cho bữa ăn trưa. Điều mà tôi muốn biết là món cá ấy ở Gò Công có ngon như ở Huế, loài cá được truyền tụng là chính bà Từ Dũ đã mang giống từ quê mình để thả vào các con sông ở Huế. Để bây giờ, chúng hiện diện như một món trong những món ngon của đất Thần kinh. Miếng cá chiên trắng, không phải được thả mộc vào chảo dầu như quê mình mà được áo bằng một lớp bột mỏng, khiến chúng vừa giòn rụm, vừa tươi dịu khi chấm vào chén nước mắm ngòn ngọt với chút ớt băm nhỏ. Kỳ thực là tôi đã nhẩn nha chúng với cả sự xao xuyến không chỉ về nguồn gốc của một dư vị, mà là hình dung về nỗi nhớ quê dằng dặc và sâu thẳm mà bà Từ Dũ đã mang theo khi sống ở chốn kinh kỳ.

 

Yên bình đến độ không có cảm giác về ngoại vi khi thị xã khuất dần sau bánh xe. Và vì thế mà Gò Công, với những gì đã biết là những phút giây thảnh thơi mà tôi có, trong một ngày nắng xuân vẫn đang còn thơm…

Bài, ảnh: HOÀNG MAI

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top